Cuộc chiến tiêu hao

Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã bước qua tuần thứ ba nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tình hình trên chiến trường và trên bàn đàm phán vẫn bế tắc. Ukraine và phương Tây dường như đang chọn đấu pháp tiêu hao khi tiếp tục tăng cường viện trợ cho Kiev, gây sức ép với một số nước chưa phản đối Nga cộng với gia tăng các đòn trừng phạt, với hy vọng sẽ khiến chính quyền của Tổng thống Putin nhượng bộ và rút quân khỏi Ukraine.

Ngày 17-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các cuộc đàm phán giữa Nga - Ukraine vẫn đang tiếp tục diễn ra qua video và các bên đang thảo luận vấn đề quân sự, chính trị, nhân đạo. Theo báo The Moscow Times, Điện Kremlin dẫn lời phái đoàn đàm phán Nga ngày 16-3 xác nhận họ muốn Ukraine theo “mô hình trung lập Áo - Thụy Điển”. Theo đó, Ukraine sẽ không tham gia liên minh quân sự, hay cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, là “một nhà nước trung lập và phi quân sự nhưng vẫn có quân đội và hải quân riêng”.

Cuộc chiến tiêu hao liệu có hiệu quả khi phương Tây vẫn phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga?

Cuộc chiến tiêu hao liệu có hiệu quả khi phương Tây vẫn phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga?

Trước tình hình bế tắc trên, ngày 16-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden loan báo quyết định cung cấp thêm 800 triệu USD viện trợ an ninh cho Ukraine để giúp nước này đối phó với Nga. Thông báo của ông Biden đưa ra sau bài phát biểu qua video của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước Quốc hội Mỹ.

Theo một quan chức Nhà Trắng, với khoản viện trợ bổ sung này, ông Joe Biden đã cho phép chi viện về mặt an ninh cho Ukraine kể từ khi lên cầm quyền tổng cộng 2 tỷ USD, trở thành nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho chính quyền Kiev. Quan chức này nói thêm là trong năm qua, Washington đã cung cấp cho Ukraine khoảng 2.600 tên lửa chống tăng Javelin, hơn 600 tên lửa phòng không Stinger.

Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua ngân sách mới 1.500 tỉ USD cho năm 2022, trong đó có 14 tỉ USD tài trợ để giúp Ukraine đối phó với khủng hoảng, đặc biệt về phát triển kinh tế, cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ Kiev trang bị vũ khí, đạn dược. Khoản tài trợ 14 tỉ USD của Mỹ chủ yếu sẽ được dành để giúp Kiev bảo vệ lưới điện, chống tin tặc và trang bị vũ khí phòng vệ, hơn 2,4 tỉ USD là dành cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và hơn 1 tỉ USD để hỗ trợ những kiều dân Ukraine tị nạn ở nước ngoài. Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông qua khoản tiền cứu trợ khẩn cấp 1,4 tỉ USD cho Ukraine để phục vụ các khoản chi khẩn cấp của Kiev và giảm thiểu tác động của cuộc chiến tranh với nền kinh tế Ukraine.

Trong một động thái nhằm chứng tỏ quyết tâm ủng hộ Ukraine, Liên minh châu Âu ngày 11-3 đã nhất trí tăng ngân sách dùng vào việc cung cấp vũ khí giúp Ukraine chống lại Nga lên mức 1 tỷ euro, tăng gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Ngoài việc tỏ rõ lập trường đoàn kết với Ukraine, khối 27 nước trong EU cũng lên tiếng đe dọa Nga về khả năng ban hành thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga để buộc nước này chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine nhưng trước mắt, vẫn từ chối cấm vận dầu khí Nga.

Mới đây, báo chí tiết lộ chính quyền ông Biden đang gây sức ép để Trung Quốc “bỏ rơi” Nga trong cuộc chiến Ukraine. Tờ Liberation của Pháp cho biết: “Hỗ trợ kinh tế hay thiết bị quân sự, sự giúp đỡ mà Nga có thể nhận được từ nước láng giềng Trung Quốc hùng mạnh đang khiến phương Tây lo lắng”. Dù cả Nga lẫn Trung Quốc đều lên tiếng phủ nhận việc này nhưng chính quyền Mỹ vẫn cảnh báo Trung Quốc là không nên tìm cách lách các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.

Theo tờ Libération, chính quyền ông Biden đã cố tình cho rò rỉ thông tin này trên một loạt phương tiện truyền thông, để buộc đối thủ lớn của Mỹ phải gánh trách nhiệm. Trung Quốc, cho đến nay đã không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga.

Ngay từ khi bắt đầu xung đột, Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu lúa mì của Nga, trong khi một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ hai nối hai quốc gia đã được ký kết. Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang cung cấp đồng nhân dân tệ cho Nga, hiện đang bị cấm cấp vốn bằng euro hoặc USD.Thương mại giữa hai nước lên tới 147 tỷ USD.

Vòng đàm phán thứ tư giữa Nga và Ukraine.

Cùng lúc thông báo viện trợ cho Ukraine, Mỹ tuyên bố đánh vào nguồn thu chính của Nga: xuất khẩu dầu khí, đồng thời vận động các nước khác có hành động tương tự. Tuy nhiên, đến nay chỉ số ít quốc gia theo chân Mỹ. Động thái này của Mỹ nhằm tiêu hao nguồn hậu cần cho chiến tranh của Nga. Phản ứng trước các biện pháp cấm vận này, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitri Peskov lên án việc Mỹ đã tuyên chiến và cầm đầu một cuộc chiến tranh kinh tế chống lại Nga.

Câu hỏi đặt ra là cuộc chiến tiêu hao giữa phương Tây và Nga sẽ kéo dài bao lâu? Nhà kinh tế, giảng viên tại Viện Nghiên cứu chính trị (Sciences Po) Sergei Guriev cho rằng, mặc dù các trừng phạt của Tây phương khiến nền kinh tế Nga bị suy yếu nhưng họ vẫn có thể cầm cự được.

Theo ông Guriev, vấn đề then chốt ở đây là dầu khí. Nếu một lệnh cấm vận được áp dụng rộng rãi cả ở châu Âu và Nga không còn nhận được tiền từ khí đốt và dầu, nước này sẽ phải đối mặt với vấn đề tài chính lớn và có thể sẽ phải nhượng bộ trên bàn đàm phán. Nhưng, liệu châu Âu có dám làm vậy khi mà lục địa này phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga?

Phát biểu ngày 16-3, Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây chỉ tìm cớ nhằm trừng phạt Nga. Ông Putin cho rằng bất kể Nga có mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hay không, phương Tây cũng sẽ áp đặt trừng phạt và hạn chế với Nga. Ông Putin nói phương Tây cố ý theo đuổi chính sách kiềm chế, phong tỏa Nga trong dài hạn, không che giấu ý đồ tấn công toàn bộ nền kinh tế Nga cũng như mọi người dân nước này.

Tổng thống Putin cho rằng phương Tây đang kích động bất ổn trong lòng nước Nga, có ý định chia tách nước Nga thành nhiều phần nhưng tuyên bố kế hoạch của phương Tây sẽ không thành hiện thực. Ông thừa nhận Nga sẽ gặp khó khăn, lạm phát và thất nghiệp tăng cao, túi tiền của người dân sẽ bị ảnh hưởng, thực tế mới sẽ đòi hỏi nền kinh tế nước này thay đổi sâu sắc. Tuy vậy, Tổng thống Putin tiếp tục tuyên bố trừng phạt của phương Tây sẽ càng khiến Nga mạnh mẽ hơn. Cũng trong bài phát biểu trên, ông Putin nói rằng hoạt động quân sự đặc biệt Moscow “đang theo đúng kế hoạch” và Nga sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.

“Mọi mục tiêu được đặt ra chắc chắn sẽ hoàn thành. Chúng ta sẽ đảm bảo an ninh cho nước Nga và nhân dân. Chúng ta sẽ không cho phép Ukraine trở thành bàn đạp cho những hành động hung hăng chống lại nước Nga”, ông Putin nói. Ông cũng cáo buộc các nước phương Tây là “đạo đức giả” và gọi hành động hiện tại của họ về cuộc khủng hoảng ở châu Âu là “mục tiêu địa chính trị thù địch”, tin rằng đó là các nỗ lực nhằm đạt được sự thống trị toàn cầu. Ông khẳng định rằng, phương Tây muốn biến Nga thành một “quốc gia phụ thuộc yếu kém”, “xâm phạm vào sự toàn vẹn lãnh thổ” và “chia cắt nước Nga”. Nhà lãnh đạo Nga nói thêm nếu phương Tây tin rằng Moscow sẽ lùi bước thì họ “không biết gì về lịch sử của dân tộc chúng ta”.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cuoc-chien-tieu-hao-i647757/