Cuộc chiến thương trường trong logistics cho thương mại điện tử ngày càng nóng

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, ngành kho vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam ngày càng tăng nhiệt vì các công ty bán lẻ và logistics muốn đảm bảo nền tảng ứng dụng của họ phục vụ được tối đa số lượng đơn hàng cũng như đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Theo Pelham Higgins, Giám đốc khu công nghiệp Nhật Bản - Hàn Quốc của Công ty Jones Lang LaSalle (JLL), một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà bán lẻ trực tuyến là xử lý lượng hàng hóa khổng lồ trong giỏ hàng. Do nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ kho đến nhiều địa điểm với thời gian và số lượng khác nhau, nhà bán lẻ cần có không gian kho lớn gấp ba lần trước đây.

Các nghiên cứu của JLL cho thấy, cuộc chiến thương trường trong lĩnh vực kho vận ngày càng nóng hơn. Đầu năm nay, Amazon đã tung ra dịch vụ giao hàng trong ngày tại Singapore, đánh dấu bước đột phá đầu tiên của mình vào thị trường Đông Nam Á. Trong khi đó, Alibaba của Trung Quốc cũng đã thâu tóm cổ phần tại Lazada Việt Nam, để mở rộng dịch vụ cho 23 triệu người trên khắp Đông Nam Á. Mới đây nhất, vào đầu năm 2018, một trong những trang mua sắm trực tuyến lớn nhất của Việt Nam là Tiki đã được gã khổng lồ Internet Trung Quốc JD.com rót vốn đầu tư 44 triệu USD ở series C.

Đáng chú ý, với số lượng các đơn hàng trong đô thị ngày càng tăng, các nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu đang dần chuyển sang các đại lý phân phối nhỏ hơn trong trung tâm để hỗ trợ cho các kho hàng lớn ngoài rìa đô thị. Điển hình tại Hàn Quốc, sáng kiến mới của chính phủ được gọi là e-Logis Town đang chuyển đổi các bến xe tải cũ và các trung tâm phân phối thành các trung tâm công nghệ cao. Cơ sở hạ tầng giao thông được thiết lập tốt và có thể dễ dàng kết nối các quận của Seoul và các thành phố khác.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng đã có sự đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng lượng đơn hàng ngày càng gia tăng. Đơn cử LEL Express, thay vì tuyển một số lượng nhân viên giao hàng gấp đôi, công ty này đã tìm một phương tiện có thể xử lý lượng hàng hóa gấp đôi, gấp 3 lần. Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc LEL Express cho biết, chúng tôi đã phát triển và thử nghiệm mô hình giao hàng bằng xe điện từ năm 2017 và tổng thời gian tiết kiệm trung bình là 3 tiếng. Trên cơ sở thử nghiệm thành công, năm 2018 LEL Express chính thức đưa vào vận hành phương tiện xe đạp điện này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu nâng cấp hệ thống sạc năng lượng mặt trời cho xe đạp điện và phát triển các phương tiện khác như xe đạp điện ba bánh, bốn bánh nhằm giúp nâng cao năng suất giao hàng nhưng không làm ảnh hưởng đến giao thông và môi trường.

Việt Nam là thị trường mới tiềm năng đối với thương mại điện tử. Mặc dù lượng giao dịch trực tuyến chỉ đạt 4% trên tổng doanh thu bán lẻ, tuy nhiên, thị trường này đang phát triển nhanh chóng. Theo Euromonitor, doanh thu của thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam dự kiến tăng từ 1 tỷ USD năm 2016 lên 2,3 tỷ USD vào năm 2020.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/cuoc-chien-thuong-truong-trong-logistics-cho-thuong-mai-dien-tu-ngay-cang-nong.html