Cuộc chiến thương mại tô đậm vẻ u ám của kinh tế Trung Quốc

Các nhà máy Trung Quốc đang mất đơn đặt hàng xuất khẩu và có kế hoạch sa thải công nhân vì xung đột thương mại với Mỹ đã khiến tình hình suy thoái kinh tế của quốc gia Đông Á thêm trầm trọng.

Nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu mất nhiệt trong năm nay - Ảnh: Reuters

CNN dẫn kết quả một cuộc khảo sát hằng năm từ hàng trăm công ty được công bố hôm 3.9 cho biết, tăng trưởng sản lượng từ các khu vực sản xuất lớn của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 8 xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua.

Kết quả khảo sát được thực hiện bởi nhóm phương tiện truyền thông Caixin và hãng nghiên cứu Markit, cũng cho thấy đà suy giảm trong chỉ số quản lý mua hàng mới nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cụ thể, chỉ số này đã giảm từ 50,8 trong tháng 7 xuống còn 50,6 trong tháng 8, tốc độ tăng chậm nhất trong 14 tháng.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng nền kinh tế của nước này đang có dấu hiệu chững lại trong năm nay. Các dấu hiệu về xu hướng yếu kém hơn cũng đang lan rộng.

“Nền kinh tế Trung Quốc hiện phải đối mặt với áp lực sa sút tương đối rõ ràng”, một chuyên gia phân tích cao cấp tại công ty nghiên cứu CEBM Group, nhận xét.

Cũng theo dữ liệu từ báo cáo trên, số lượng đơn hàng xuất khẩu của các nhà máy Trung Quốc giảm mạnh trong tháng thứ 5 liên tiếp. Xu hướng giảm này trùng với đà leo thang trong cuộc xung đột thương mại với Mỹ bắt đầu từ hồi cuối tháng 3.

Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên hơn 50 tỉ USD giá trị hàng hóa của nhau. Con số này nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở đây vì hai bên đe dọa sẽ còn đánh thuế nhiều hơn nữa. Sau khi giai đoạn tham vấn công khai kết thúc, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tiếp tục áp thuế 25% lên 200 tỉ USD giá trị hàng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đáp lại, Trung Quốc cam kết sẽ trả đũa bằng thuế quan đối với 60 tỉ USD các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

Ngoài thuế quan, chính phủ Trung Quốc hiện vẫn còn nhiều thách thức kinh tế khác phải giải quyết. Lĩnh vực sản xuất của nước này đang phải đối mặt với tình trạng đầu tư chậm chạp, trong khi cơ sở hạ tầng và tăng trưởng tín dụng suy giảm. Bắc Kinh đã cố gắng kiểm soát những khoản cho vay rủi ro sau khi có nhiều cảnh báo lặp đi lặp lại về mức nợ cao bất thường của các công ty trong nước.

Thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc cũng không tránh khỏi thái độ lo ngại từ phía các nhà đầu tư. Quan chức nước này đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc cắt giảm thuế, chi tiêu cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo các nhà phân tích, những động thái đó có thể giúp ngăn chặn suy thoái, nhưng khả năng tạo ra sự thay đổi lớn dường như khó xảy ra.

“Xu hướng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc có lẽ vẫn sẽ theo quỹ đạo đi xuống trong năm tới”, Juian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp của công ty nghiên cứu Capital Economics, viết trong một lưu ý gửi cho khách hàng hôm 3.9.

Phương Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/cuoc-chien-thuong-mai-to-dam-ve-u-am-cua-kinh-te-trung-quoc-1000452.html