Cuộc chiến thương mại sau cuộc họp G20: Tăng cường đối thoại nhưng định hướng tương lai vẫn mịt mờ

Ngày 22.7, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu kêu gọi tăng cường đối thoại để ngăn chặn căng thẳng thương mại và căng thẳng địa chính trị khỏi ảnh hưởng đến tăng trưởng. Tuy nhiên, cuộc họp 2 ngày của G20 đã kết thúc với rất ít sự đồng thuận về cách thức giải quyết tranh chấp về việc áp thuế của Mỹ.

Ủy viên Châu Âu phụ trách về tài chính và kinh tế Pierre Moscovici trong cuộc họp bộ trưởng tài chính G20 ở Argentina. Ảnh: Reuters

Ủy viên Châu Âu phụ trách về tài chính và kinh tế Pierre Moscovici trong cuộc họp bộ trưởng tài chính G20 ở Argentina. Ảnh: Reuters

Tiếng nói chung về đối thoại

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cảnh báo, tăng trưởng kinh tế, dù vẫn đang duy trì đà tăng mạnh, nhưng đang ít có sự tương đồng và nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn và trung hạn leo thang.

“Những vấn đề này bao gồm các rủi ro tài chính tăng lên, căng thẳng thương mại và địa chính trị tăng thêm, mất cân đối toàn cầu, gia tăng bất bình đẳng và suy yếu về cấu trúc, đặc biệt là ở một số nền kinh tế phát triển” - thông cáo chung của các bộ trưởng tài chính G20 nêu rõ. “Chúng tôi... công nhận sự cần thiết của việc thúc đẩy đối thoại và hành động để giảm thiểu rủi ro và tăng cường tin tưởng lẫn nhau” - thông cáo nhấn mạnh.

Reuters nhận định, thông cáo đánh dấu sự củng cố hơn tuyên bố của G20 hồi tháng 3, khi đó chỉ đơn giản đề cập “nhận thấy sự cần thiết phải đối thoại hơn nữa”.

“Những câu từ mới nhất cho thấy một thỏa thuận lớn cấp thiết về giải quyết những vấn đề này” - Bộ trưởng Ngân khố Australia Scott Morrison nói. Theo ông, các bộ trưởng tài chính của G20 đã làm rõ sự lo ngại về “các biện pháp đáp trả” và rằng thương mại mở là mục tiêu. “Ngôn từ trước đó có chút mơ hồ, một chút dè dặt về nội dung này” - ông Scott Morrison nói thêm.

Các cuộc đàm phán diễn ra cuối tuần qua tại Buenos Aires (Argentina) vào thời điểm leo thang trong cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Cho đến nay, hai bên đã đánh thuế hàng hóa của nhau giá trị 34 tỉ USD.

Hôm 20.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế trị giá 500 tỉ USD với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, trừ khi Trung Quốc nhất trí có sự thay đổi lớn trong cơ cấu chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và chính sách liên doanh.

Trong cuộc họp báo hôm 22.7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết chưa có đối thoại quan trọng về thương mại với Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun tại G20. “Bất cứ khi nào họ muốn ngồi lại và thương lượng những thay đổi có ý nghĩa, tôi và đội ngũ của mình đều sẵn sàng có mặt” - ông nói thêm.

Mục tiêu đầy khát vọng với G7

Thay vào đó, Bộ trưởng Steven Mnuchin tập trung vào các cuộc đàm phán với Liên minh Châu Âu, Canada, Mexico và Nhật Bản. Ông cho biết, các đồng minh của G7 đang thực hiện nghiêm túc lời kêu gọi dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan và trợ cấp trong khối. Chính quyền ông Donald Trump sẽ theo đuổi những ý tưởng như vậy trong các cuộc đàm phán thương mại vào tuần tới với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ở Washington.

Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau gọi việc dỡ bỏ các rào cản là “ý tưởng tuyệt vời” và là “mục tiêu đầy khát vọng” nhưng rất khó để thực hiện do sự khác biệt về lịch sử phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh, trước khi bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào với EU có thể bắt đầu, Mỹ cần phải giảm thuế với thép, nhôm và dừng theo đuổi việc đe dọa áp thuế nhập khẩu ôtô.

Ủy viên Châu Âu phụ trách về tài chính và kinh tế Pierre Moscovici cho hay, cuộc họp không căng thẳng nhưng không có nhiều chuyển biến về những thành kiến thương mại.

“Chúng tôi ở chế độ lắng nghe lẫn nhau và tôi hy vọng đây là khởi đầu của một điều gì đó, nhưng các lập trường vẫn chưa có sự tương đồng” - Ủy viên Moscovici nói.

Các bộ trưởng tài chính của cả Mexico và Canada đều cho rằng, họ nhìn thấy sự lạc quan từ phía Mỹ về một thỏa thuận làm mới Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa ba bên có thể đạt được trong những tháng tới sau thời gian bị ngừng trệ.

Sau những động thái đáp thuế đồng minh của ông Donald Trump thời gian qua, Bộ trưởng Steven Mnuchin cho biết, ông không cảm thấy bị cô lập tại G20. Ông đã tổ chức nhiều cuộc họp song phương với quan chức các bên và lập luận rằng, lập trường thương mại của ông Donald Trump không dựa trên chủ nghĩa bảo hộ mà là nỗ lực để thương mại công bằng hơn.

“Chúng tôi rất ủng hộ nhiều ý tưởng cho rằng thương mại quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu nhưng nó phải dựa trên các điều khoản công bằng và có đi có lại” - ông nói.

Hubert Fuchs, đại diện Hội đồng Châu Âu tại G20 hoan nghênh cách tiếp cận thẳng thắn của ông Steven Mnuchin, nhưng nói rằng Mỹ “có sự hiểu biết khác về thương mại tự do và công bằng”.

THANH HÀ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/cuoc-chien-thuong-mai-sau-cuoc-hop-g20-tang-cuong-doi-thoai-nhung-dinh-huong-tuong-lai-van-mit-mo-620660.ldo