Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn còn xa hồi kết

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua Twitter tuyên bố tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, nhằm gây tác động của sức ép thuế quan đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Tuyên bố này được đưa ra đúng vào lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, kéo dài hơn một năm, tưởng chừng đã đi vào hồi kết.

Đe dọa suông hay sự thật?

Đối với giới quan sát, vấn đề đáng thắc mắc: đây chỉ là một động thái ngoại giao hay ông Trump đã sẵn sàng cho sự leo thang của cuộc xung đột vốn đang cản trở toàn bộ nền kinh tế toàn cầu?

Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc với số tiền 200 tỷ USD từ mức 10% hiện tại lên 25% vào thứ Sáu tới (10/5). Ông cũng nói rằng ngay sau đó, ông sẽ áp đặt 25% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc (mà cho đến nay vẫn được miễn) với tổng số tiền là 325 tỷ đô la. Nếu ông Trump thực hiện các đe dọa này thì hầu như là tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đều bị đặt dưới tác động nặng nề của thuế quan. Trump tuyên bố rằng các biện pháp đã được đưa ra "đóng vai trò là một trong những thành tựu tuyệt vời của nền kinh tế Mỹ".

Ông Trump đã thông báo về ý định của mình qua Twitter vài ngày trước khi giai đoạn đàm phán tiếp theo được thiết kế để chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bắt đầu từ một năm trước. Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ tăng thuế lên 25% vào tháng 12/2018, nhưng sau đó hoãn quyết định này để bắt đầu tiến hành các cuộc tham vấn song phương.

Trước khi có những tuyên bố mới đây của ông Trump, các chuyên gia tin rằng các bên đã gần đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, theo Tổng thống Hoa Kỳ, các cuộc đàm phán đang tiến hành quá chậm và phía Trung Quốc có lỗi trong việc này, vì cứ dây dưa tìm cách xem xét lại các điều kiện của thỏa thuận trong tương lai.

Hai bên cùng lâm thế giằng co

Hoa Kỳ muốn Trung Quốc thay đổi luật pháp, trong khi Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ mọi hạn chế trong thương mại.

Chính xác những gì gây ra tranh cãi là không rõ. Ông Trump đã giới thiệu một loạt thuế nhập khẩu và bắt đầu một cuộc chiến thương mại, với lý do mất cân bằng thương mại giữa hai quốc gia. Theo dữ liệu của năm 2017, Hoa Kỳ đã chuyển gần 130 tỷ đô la hàng hóa cho Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chuyển cho Hoa Kỳ tới 505,5 tỷ đô la hàng hóa, số dư thương mại âm lên tới 375,5 tỷ.

Chính quyền Mỹ cũng đổ lỗi cho Trung Quốc về hành vi sử dụng các cơ chế pháp lý để trộm cắp công nghệ một cách có hệ thống. Theo luật, các công ty nước ngoài được yêu cầu mở liên doanh với các đối tác địa phương để tiếp cận thị trường Trung Quốc. Các nhà sản xuất Trung Quốc bị cáo buộc là sau khi có được quyền truy cập vào bí quyết công nghệ nước ngoài, đã sao chép chúng để cuối cùng mở sản xuất của riêng mình.

Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng tăng mua sản phẩm của Mỹ và thực hiện các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo tờ “New York Times”, phía Mỹ không hài lòng với việc chính quyền Trung Quốc có kế hoạch đảm bảo thực hiện giao dịch trong tương lai thông qua hướng dẫn của các bộ ngành liên quan và các công ty nhà nước riêng lẻ, mà không thực hiện những sửa đổi cơ bản trong luật. Phía Mỹ tin rằng trong trường hợp này sẽ có đủ cơ hội và cơ sở để phá vỡ các điều khoản của thỏa thuận.

Theo tờ “Thời báo Tài chính”, các bên không thể đồng ý về việc thỏa thuận sẽ có hiệu lực như thế nào: người Mỹ muốn bãi bỏ dần dần các sắc thuế nhưng Trung Quốc khẳng định rằng việc này phải được thực hiện ngay lập tức và vĩnh viễn.

Mỹ cũng bị thiệt hại vì chiến tranh thương mại của ông Trump

Ngay sau tuyên bố của ông Trump, xuất hiện thông tin cho thấy phái đoàn Trung Quốc có thể hoãn chuyến đi tới Washington cho một vòng đàm phán mới dự kiến vào ngày 10/5. Sau đó, chính quyền Trung Quốc xác nhận rằng chuyến thăm vẫn sẽ diễn ra, nhưng câu hỏi về sự tham gia của ông Liu He, Phó thủ tướng Trung Quốc và là nhân vật chính trong các cuộc đàm phán từ phía Trung Quốc, vẫn đang được bỏ ngỏ.

Câu hỏi chính mà các chuyên gia hiện đang đặt ra là những lời đe dọa của ông Trump có mức độ nghiêm trọng như thế nào. Một mặt, cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc là một trường hợp hiếm hoi khi được ủng hộ không chỉ bởi đảng Cộng hòa, mà còn bởi đảng Dân chủ. Mặt khác, không chỉ Trung Quốc, mà cả nền kinh tế Mỹ cũng phải chịu thiệt hại do chính sách thuế quan của ông Trump. Chẳng hạn, thuế thép phôi nhập từ Trung Quốc tăng, sẽ làm tăng chi phí của các nhà sản xuất sản phẩm kim loại thành phẩm. Để trả miếng, chính quyền Trung Quốc đã tăng thuế đối với đậu nành Mỹ, làm tổn thương nông nghiệp ở một số bang của Hoa Kỳ. Đồng thời, tính hiệu quả của cuộc chiến thuế quan dưới dạng các con số cũng đặt ra câu hỏi, bởi vì đến cuối năm 2018, cán cân thương mại tiêu cực (số dư thương mại âm) của Mỹ với Trung Quốc đã tăng gần 50 tỷ USD.

“Thời báo Tài chính” gọi những lời của ông Trump là quá cường điệu, chỉ để nhằm “nắn gân” phía chính quyền Trung Quốc. Các chuyên gia tin rằng bây giờ Trung Quốc, đã hồi phục sau cú sốc đầu tiên của cuộc chiến thương mại, đang ở một vị thế tốt hơn và có thể có đủ cả thế lẫn lực để trì hoãn thỏa thuận. Cụ thể, mức tăng trưởng của nền kinh tế nước này có chậm hẳn lại, mặc dù đã đạt đến mức kỷ lục, nhưng vẫn chưa thấp hơn mức dự kiến.

Các thị trường đã phản ứng với tuyên bố của ông Trump bằng cách giảm 2% các chỉ số chính của Hoa Kỳ và 5% của Trung Quốc. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong tháng trước. Nếu Tổng thống Mỹ hiện thực hóa các mối đe dọa của mình, sự sụp đổ rõ ràng sẽ càng mau chóng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ 3,5% xuống 3,3% và khẳng định chính xác điều này là do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Bá Thủy (Theo RT)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-van-con-xa-hoi-ket-535940.html