Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khó có thể 'hạ nhiệt'

Bất chấp việc Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận tiến hành vòng đàm phán thương mại và kinh tế vào đầu tháng 10 tới tại Washington, đồng thời nhất trí cùng triển khai những hành động cụ thể thúc đẩy tham vấn song phương, triển vọng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung 'hạ nhiệt' là rất mong manh.

Hàng Trung Quốc tại cảng San Pedro, California, Mỹ

Hàng Trung Quốc tại cảng San Pedro, California, Mỹ

Trên thực tế, những đòn trừng phạt thương mại nhằm vào nhau đã bắt đầu được áp dụng. Hôm 1-9 vừa qua, hải quan Mỹ đã bắt đầu đợt áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe bluetooth và nhiều loại giày dép. Trước đây, những hàng hóa đã vào cảng trước thời điểm chính thức áp thuế sẽ không bị tính thuế bổ sung. Nhưng lần này, điều kiện miễn trừ đó bị loại bỏ. Từ 4-9, Mỹ lại áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cũng bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ, trong đó mặt hàng dầu thô bị áp thuế 5%. Đây là lần đầu tiên mặt hàng dầu thô của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cuộc tranh cãi thương mại hơn một năm trước đây.

Điều gì đã khiến cuộc đối đầu giữa hai bên ngày càng căng thẳng như vậy? Trước đây, Mỹ chỉ đánh thuế vào hàng trung gian (nguyên liệu, thiết bị dùng để sản xuất) của Trung Quốc. Trong tính toán của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chiến thuật đó vừa nhằm tránh ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của người dân Mỹ, vừa là đòn cảnh báo khiến Bắc Kinh phải tính toán thiệt hơn mà nhượng bộ.

Thế nhưng, quyết định cứng rắn của Bắc Kinh sẵn sàng đánh thuế trả đũa với số hàng hóa của Mỹ trị giá 75 tỷ USD đã khiến ông Donald Trump bất ngờ nên thay đổi thái độ. Không chỉ nâng mức thuế thêm 5% so với mức thông báo trước đây với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 550 tỷ USD, ông Donald Trump còn sẵn sàng đánh thuế vào các mặt hàng bán lẻ, từ điện thoại, điện tử cho đến hàng may mặc của Trung Quốc.

Các tuyên bố của ông Donald Trump cũng ngày một gay gắt hơn. Không còn những lời lẽ mang tính ngoại giao, ông Donald Trump công khai cảnh báo Trung Quốc không nên kéo dài đàm phán với hy vọng ông thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau. Bởi nếu tái cử, ông sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc và khi đó, chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ sụp đổ, các doanh nghiệp, công ăn việc làm và tiền bạc sẽ biến mất.

Trong bối cảnh đó, khó có thể hy vọng sẽ có đột biến trên bàn đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong tháng 10 tới, nhất là khi Trung Quốc lại áp dụng chiến thuật “câu giờ” nhằm khiến ông Donald Trump gặp khó khăn trong vấn đề đối nội mà phải nhượng bộ. Chính vì thế, dù ở thế yếu hơn so với Mỹ, Trung Quốc tỏ ra khá tự tin khi tuyên bố không đầu hàng trước áp lực từ Washington. Một bài viết trên tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định rõ rằng: “Nếu tỏ ra yếu ớt và nhượng bộ dưới sức ép bá quyền, Trung Quốc sẽ phạm phải sai lầm lịch sử”.

Cùng với việc áp thuế trả đũa với hàng hóa Mỹ, hôm 2-9, Bộ Thương mại Trung Quốc còn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng Washington đã vi phạm sự đồng thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6-2019.

Đó là chưa kể Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp phi thuế quan để gây áp lực lên Mỹ, như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và của Iran. Đây là những “điểm nóng” vốn đã khiến Mỹ đau đầu trong nhiều năm qua và rất khó giải quyết nếu không có sự hợp tác của các nước lớn như Trung Quốc, Nga.

Một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã bắt đầu, ngày càng quyết liệt và nóng bỏng hơn.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-quoc-kho-co-the-ha-nhiet/824265.antd