Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Người tiêu dùng Mỹ lãnh đủ

Theo các nhà phân tích, người dân Mỹ có thể sớm nhận thấy rằng họ phải trả nhiều tiền hơn khi mua những hàng hóa mà họ có thể không biết rằng chúng được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hàng hóa được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. AFP/ TTXVN

Đây là hậu quả tiềm ẩn của một đợt áp thuế mới mà Chính phủ Mỹ dự định thực hiện đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 9/2018.

Cuộc chiến leo thang

Động thái trên cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước đây, Chính phủ Mỹ thường tránh áp thuế quan đối với các mặt hàng tiêu dùng để người dân Mỹ không phải chịu ảnh hưởng kinh tế trực tiếp.

Tuy vậy, vào cuối ngày 10/7, khi Chính phủ Mỹ đưa ra danh sách hơn 6.000 sản phẩm (với tổng giá trị lên tới 200 tỷ USD) dự kiến chịu mức thuế 10%, trong đó có găng đánh bóng chày, máy hút bụi, giấy vệ sinh và chuông báo động.

Chính phủ Mỹ sẽ có phiên điều trần về danh sách trên vào cuối tháng 8/2018. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế đáp trả mạnh hơn sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào ngày 6/7 vừa qua. Việc Trung Quốc áp thuế này là hành động trả đũa thương mại đối với mức thuế quan mới mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khầu từ Trung Quốc trước đó.

Các nhà kinh tế đang nỗ lực dự đoán về khả năng chấm dứt cuộc chiến thương mại đang gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ và Trung Quốc hiện tại không tiến hành hay có kế hoạch thực hiện các cuộc đàm phán cấp cao để giải quyết cuộc chiến thương mại. Nếu Trung Quốc “rút lui”, Chính phủ Mỹ có thể hoãn áp dụng mức thuế quan mới nhất nói trên. Tuy vậy, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc không chắc sẽ làm như vậy.

Theo Giáo sư về kinh tế học Mary Lovely của Đại học Syracuse, người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm nhận những tác động của cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sớm nhất là vào dịp Giáng sinh 2018.

Ngày 6/7, Chính phủ Mỹ đã áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 1% con số trên.

Tuy vậy, theo số liệu của công ty nghiên cứu thương mại Panjiva, danh sách hàng hóa Trung Quốc dự kiến bị áp thuế 10% mà Mỹ đưa ra vào ngày 10/7 bao gồm thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp, túi xách tay, mũ và đồ nội thất – một nhóm hàng hóa chiếm tới gần 1/4 trong số 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ chịu mức thuế mới nói trên.

Trong khi đó, các sản phẩm khác sẽ chịu tác động của mức thuế quan mới bao gồm các máy điều hòa không khí khung cửa sổ, đèn Giáng sinh, phụ tùng ô tô, tủ lạnh và xấp xỉ 350 triệu USD cá tilapia (cá rô phi) phi-lê đông lạnh nhập khẩu. Cũng theo số liệu của Panjiva, trong tổng lượng cá tilapia phi-lê đông lạnh nhập khẩu có xấp xỉ 83% là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các mức thuế quan trên thậm chí có thể tác động tới các chiếc mũ in dòng chữ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA), mà những cử tri ủng hộ ông Donald Trump đã đội trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của ông.

Ông David Lassoff, một nhà quản lý doanh nghiệp làm việc cho Incredible Gifts, có trụ sở tại California (Mỹ), đang mua trữ kho các chiếc mũ do những nhà nhập khẩu cho hay các mũ MAGA có thể chịu ảnh hưởng của mức thuế quan trên. Incredible Gifts mua mũ từ Trung Quốc và thêu dòng chữ MAGA lên chúng tại Mỹ. Ông Lassoff cho biết đã cố gắng mua mũ từ các nhà chế tạo Mỹ song người tiêu dùng không sẵn sàng trả thêm tiền để sở hữu chúng.

Incredible Gifts bán các chiếc mũ này với giá 16,99 USD/chiếc trên trang web Amazon.com và ông Lassoff cho biết các chiếc mũ này có thể có giá cao gấp đôi nếu được sản xuất tại Mỹ. Nếu mức thuế quan mới nói trên được Mỹ áp dụng đối với các chiếc mũ sản xuất tại Trung Quốc thì ông Lassoff sẽ cân nhắc việc lấy hàng từ các nước có chi phí sản xuất thấp khác như Việt Nam. Còn hiện tại, ông Lassoff hy vọng các doanh nghiệp lớn chuyên bán mũ như Walmart và Amazon, đang vận động hành lang để Chính phủ Mỹ không áp dụng mức thuế quan mới nói trên.

Đến nay, nhiều người dân Mỹ đang được hưởng các tác động tích cực của một nền kinh tế vững mạnh và không nhận thấy tác động của các cuộc chiến thương mại của nước này với những đối tác thương mại. Theo ông Rod Sides, người phụ trách bộ phận bán lẻ tại Deloitte, “người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy rằng tình hình tốt đẹp song nếu họ chứng kiến giá hàng hóa nhập khẩu bắt đầu tăng thì có thể sẽ có một phản ứng mạnh mẽ”.

Hầu hết nhà kinh tế cho rằng mức độ ảnh hưởng trực tiếp đối với nền kinh tế Mỹ có thể sẽ thấp. Nhà kinh tế Greg Daco của Oxford Economics đã ước tính rằng mức thuế quan mà Mỹ đã thực hiện hay cảnh báo sẽ thực hiện đối với hàng hóa Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ “mất” khoảng 0,3 điểm phần trăm trong năm 2019.

Ngoài ra, theo ông Greg Daco, các tác động gián tiếp có thể lớn hơn. Các lãnh đạo doanh nghiệp có thể trì hoãn thực hiện các dự án đầu tư. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ có thể sụt giảm, từ đó làm giảm giá trị tài sản và khả năng chi tiêu của người dân Mỹ. Ông cho rằng cuộc chiến thương mại là một rủi ro lớn đối với kinh tế chứ hoàn toàn không nhỏ vì đây mới chỉ là giai đoạn đầu của một cuộc chiến có thể sẽ leo thang nhanh trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Stephen Holmes, người phát ngôn của công ty bán lẻ cung cấp thiết bị gia đình Home Depot (Mỹ), cho biết một phần trong số các sản phẩm thuộc danh sách chịu mức thuế quan đề xuất nói trên, như gỗ xẻ và thảm mà công ty này đang kinh doanh sẽ không bị tác động vì chúng được sản xuất tại Mỹ và Canada. Tuy vậy, các mặt hàng khác như đèn, quạt lại chịu tác động của mức thuế quan trên.

Ông Holmes cho biết chi phí gia tăng do việc áp thuế quan thông thường sẽ được chuyển sang người tiêu dùng, song không phải lúc nào cũng được chuyển trực tiếp. Ví dụ, Home Depot có thể “san sẻ” chi phí gia tăng do việc áp thuế quan sang một số mặt hàng để các hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc không nhất thiết phải chịu mức tăng giá lớn.

Đây cũng không phải là mức thuế quan đầu tiên tác động tới hoạt động kinh doanh của Home Depot. Hồi tháng 1/2018, Chính phủ đã áp thuế quan đối với các máy giặt nhập khẩu, được bày bán tại Home Depot song ông Holmes cho hay đến nay động thái này chưa làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại máy giặt trên.

Hậu quả đáng ngại

Trong khi đó, ông Alexdander Chikwanda, cựu Bộ trưởng Thương mại Zambia cho biết, các biện pháp bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu nói chung cũng như tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ nói riêng.

Ông Chikwanda nói thêm rằng quyết định của Tổng thống Trump về việc áp dụng mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu nước ngoài cũng sẽ làm suy yếu kinh tế của các nước kém phát triển nhất.

Chính phủ Mỹ cần nhận thấy rằng họ đang khiến cộng đồng toàn cầu không hài lòng với mức thuế mà nước này đặt ra. Cùng với mức thuế cao, các biện pháp bảo hộ thương mại sẽ gây tổn hại đến kinh tế thế giới cũng như kinh tế Mỹ trong tương lai không xa.

Còn Giám đốc điều hành (CEO) Levi Strauss & Co, Charles Victor Bergh, bày tỏ sự quan ngại về những cuộc xung đột thương mại đang diễn ra theo chiều hướng xấu đi có thể phá vỡ nền kinh tế thế giới.

Trong vài ngày qua, thị trường chứng khoán thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi khi những nhà phân tích kỳ cựu đến từ các hãng tư vấn uy tín như JP Morgan hay CFRA đều nhận định rằng những lời lẽ đe dọa của ông Trump vốn chỉ là các "chiêu thức" trong đàm phán.

Nhưng quyết định cuối cùng ngày 10/7 vừa qua cho phép Chính phủ Mỹ lên danh sách các sản phẩm nhập từ Trung Quốc với trị giá khoảng 200 tỷ USD bị áp mức thuế 10% sớm nhất là vào tháng 9/2018 tới đã "dập tắt" những suy luận mang tính ôn hòa kể trên và một lần nữa đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu vào cảnh bấp bênh trong ngày giao dịch 11/7.

Mỹ đã đưa ra danh sách 6.031 sản phẩm dự kiến chịu mức thuế quan mới sau khi quyết áp mức thuế 25% với gói hàng hóa trị giá 34 tỷ USD nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc. Cùng với đó là quyết định áp mức thuế nhập khẩu nhôm 10% và thép 25% với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới và lời cảnh báo của Mỹ về việc sẽ áp mức thuế nhập khẩu ô tô mới, chủ yếu nhằm vào Đức.

Phản ứng với những biện pháp cứng rắn của Mỹ, các đối tác chịu tác động như Trung Quốc, Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đều đã có những biện pháp đáp trả riêng. Nhà phân tích kinh tế của Đại học Oxford Adam Slater ước tính thị phần thương mại toàn cầu phải chịu mức thuế mới từ các biện pháp đáp trả lẫn nhau giữa Mỹ và các đối tác sẽ tăng lên 5%.

Và điều này được cho là sẽ tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đe dọa nền kinh tế toàn cầu bởi nó ảnh hưởng mạnh tới tâm lý đầu tư, tình hình tăng trưởng tại Mỹ và khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Tuy nhiên, cho tới lúc này, khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng ở mức 4% trong quý II/2018 và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp và lợi nhuận doanh nghiệp tăng nhờ các biện pháp cắt giảm thuế, chính phủ nước này dường như “không để tâm” tới những lo ngại kể trên.

Về phần mình, nhà kinh tế Adam Posen, Viện trưởng Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cảnh báo Chính phủ Mỹ đang bước vào vào một cuộc chiến thương mại đa phương mà không có một công cụ rõ ràng để đảm bảo phần thắng.

Theo ông Adam Posen - từng làm việc trong Ban hoạch định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh - các cuộc chiến tranh thương mại có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho đối tượng “khơi mào” hơn cả một cuộc chiến quân sự bởi những hậu quả của "các hành động tấn công" là khó lường và khó kiểm soát hơn một cuộc chiến quân sự.

Ông Adam Posen khẳng định không có kịch bản nào cho thấy việc các đối tác thương mại gây thiệt hại lẫn nhau có thể dẫn tới một kết quả tốt đẹp.

Anh Quân (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-nguoi-tieu-dung-my-lanh-du/90316.html