Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Kinh tế châu Á đối mặt rủi ro

Mỹ và Trung Quốc đã khai hỏa 'cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế' khi Washington quyết định áp mức thuế mới 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, chính thức có hiệu lực từ ngày 6-7.

Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực. Trong cuộc chiến này, ngoài thiệt hại kinh tế của hai đối thủ chính, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nạn nhân khác. Châu Á cũng là một trong những khu vực nhiều nguy cơ sẽ phải hứng chịu những tác động kinh tế không mong muốn.

Mỹ-Trung cùng thiệt hại

Về phía Mỹ, thiệt hại trước mắt sẽ là nhà máy giảm giờ làm, sa thải nhân công, lợi nhuận ít đi và các Cty Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi hoạt động ở Trung Quốc. Mặc dù thiệt hại của Mỹ hiện giờ vẫn hạn chế, nhưng nó sẽ nhanh chóng lan rộng nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định tiến tới cùng với những lời đe dọa áp thuế của mình. Các nhà kinh tế cũng như chủ các hãng sản xuất, được các báo Mỹ dẫn lời, đều bày tỏ lo ngại.

Trước tiên, nhìn vào những loại hàng hóa bị đánh thuế, có thể thấy các biện pháp thuế quan của Mỹ đánh vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu nhằm vào các loại máy móc, máy nông nghiệp và máy xây dựng, thiết bị điện tử, vận tải và viễn thông cũng như thiết bị chính xác. Trong khi đó, bên kia chiến tuyến, Trung Quốc lại áp thuế trả đũa vào các mặt hàng nông sản, ô tô và thủy sản.

Bộ phận kinh tế của hãng tin Bloomberg tính toán rằng, đối với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh sẽ giảm 0,2% khi vòng trừng phạt thuế quan mới trị giá 50 tỷ USD của Mỹ có hiệu lực đối với Trung Quốc. Nếu cuộc chiến này leo thang thì tác động đối với kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn, có thể khiến tăng trưởng sụt giảm 0,5%. Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2018 này.

Tuy nhiên, các tỉnh duyên hải gồm Quảng Đông, Thượng Hải, Chiết Giang, Giang Tô và Phúc Kiến vốn phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu sẽ đóng vai trò giúp “đỡ đòn” cho nước này. Lý do là các tỉnh này có tỷ trọng xuất khẩu trong GDP cao hơn so với mức trung bình 18,5% của cả nước, trong khi lại có mức nợ công trong GDP thấp hơn so với cả nước.

Nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chuyên gia kinh tế cao cấp Chi Lo của tập đoàn ngân hàng BNP Paribas chi nhánh Hong Kong, cho rằng “rủi ro bổ sung của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng lớn hơn. Hai bên có thể đánh giá sai ý định của mỗi bên khi chủ nghĩa yêu nước kiểm soát lý trí và đẩy họ vào hàng loạt miếng đòn ăn miếng trả miếng ngày càng leo thang.”

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa biết khi nào có hồi kết.

Nhiều nền kinh tế châu Á chịu rủi ro

Về tác động với các nền kinh tế châu Á khác, báo Straits Times cho rằng Singapore, Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc là những nền kinh tế châu Á chịu rủi ro nhiều nhất từ vòng chiến tranh thương mại mới này.

Đây cũng là nhận định của ngân hàng phát triển Singapore DBS dựa trên phân tích mức độ mở của nền kinh tế và mức độ tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu của các nền kinh tế trên.

Theo đó, Hàn Quốc có thể chứng kiến tăng trưởng kinh tế giảm 0,4% trong năm 2018, Malaysia và Đài Loan có thể giảm 0,6%, còn Singapore là 0,8%. Mức độ tác động có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2019.

Trong khi đó, nếu xét về giá trị bổ sung được đưa vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc từ nước cung cấp nguồn đầu vào, thì số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy Đài Loan chịu tác động nhiều nhất, theo sau là Malaysia, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Có nhiều biến số để xem xét mức độ tác động.

Ví dụ, Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác kinh tế chính của Hong Kong. Tuy nhiên, nền kinh tế Hong Kong chủ yếu dựa vào dịch vụ, vốn không phải chịu đòn thuế quan. Trong khi đó, một nền kinh tế như của Việt Nam, dựa vào hoạt động chế tạo và sản xuất có thể cảm nhận tác động nhiều hơn.

Trong khi giới chuyên gia kinh tế đánh giá tác động trực tiếp đến thương mại toàn cầu cũng như đối với kinh tế Mỹ và Trung Quốc chỉ ở mức độ hạn hẹp thì tác động gián tiếp lại ở mức sâu rộng. Ngân hàng Morgan Stanley ước tính thương mại thế giới có thể sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng do 2/3 lượng hàng hóa giao dịch thuộc các chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson, gần 2/3 hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc xuất phát từ các Cty có vốn ngoại, tạo đường để thuế quan của Mỹ nhằm vào Trung Quốc gây tác động đến nước thứ 3. Dòng vốn ngoại này dường như phần lớn đến từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một vài phân tích, trong đó có phân tích của DBS, cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể chịu tác động nhiều hơn so với nền kinh tế của Trung Quốc. Điều này là do các biện pháp thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến các Cty Mỹ có vốn đầu tư ở Trung Quốc.

Đó là chưa kể đến việc Washington hiện cũng đang vướng vào các cuộc xung đột thương mại khác. Theo giới phân tích, sự bất trắc về thương mại cũng khiến các ngân hàng lo ngại về hoạt động của họ liên quan các ngành nghề bị đánh thuế. Tình trạng không chắc chắn này có thể gây tổn thương giá cả và dòng tín dụng khi giới kinh doanh lưỡng lự đầu tư.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-kinh-te-chau-a-doi-mat-rui-ro-118445.html