Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi nào đến hồi kết?

Một cuộc chiến tranh thương mại, sẽ không có bên nào được lợi, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa. Chiến tranh thương mại sẽ khiến kinh tế của các nước tham gia và kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực. Vậy mà trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Washington là người chủ đích châm ngòi và tin tưởng Mỹ sẽ 'chiến thắng', còn Bắc Kinh thì cho rằng Trung Quốc mới là bên có sức chịu đựng lớn hơn.

Ảnh minh họa. Ảnh: Sputnik/TTXVN

Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã được khởi động khi Washington quyết định áp thuế nhập khẩu mức 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (phần lớn là sản phẩm công nghệ cao) trị giá 34 tỷ USD, chính thức có hiệu lực ngày 06-7.

Các sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế chủ yếu nhằm vào lĩnh vực công nghệ cao, được cho là đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ thông qua các hoạt động kinh tế thiếu công bằng và cướp việc làm của người Mỹ, gồm chip bán dẫn, tivi, máy tính, điện thoại thông minh, lò nướng bánh, máy ép hoa quả, thiết bị y tế, phụ tùng ô tô và máy móc nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thiết bị điện, thiết bị viễn thông. Những công ty Trung Quốc mà Mỹ nhắm tới phần lớn là những công ty công nghệ, từ Tập đoàn thiết bị viễn thông ZTE cho đến China Mobile và Huawei.

Đợt áp thuế 25% thứ hai đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được Mỹ thực hiện ngày 23-8 với tổng giá trị hàng hóa 16 tỷ USD, lên 279 mặt hàng, trong đó có chất bán dẫn, linh kiện tivi, sản phẩm thực phẩm, thức ăn động vật, thuốc lá, than đá, hóa chất, nhựa, lốp xe, môtô và xe máy điện. Tổng giá trị hàng hóa của Trung Quốc bị áp thuế ở mức 25% là 50 tỷ USD.

Ngoài mức thuế suất 25%, Mỹ tuyên bố bổ sung gói áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ tháng 9-2018. Danh sách hàng hóa bị áp thuế bổ sung bao gồm 6.000 mặt hàng, trong đó có sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản và hàng tiêu dùng như rau quả, hải sản, sợi, len, áo mưa và găng tay bóng chày. Công chúng Mỹ sẽ được phép góp ý với danh sách này tới cuối tháng 8, trước khi thuế quan mới có hiệu lực.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 25%, trị giá 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng lập tức đáp trả với mức thuế 25% lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trị giá 34 tỷ USD. Mức áp thuế 10% trị giá 16 tỷ USD hàng hóa cũng được Bộ này tuyên bố cùng ngày với tuyên bố bổ sung gói áp thuế của Mỹ hôm 23-8. Các biện pháp này được ban hành song song với các biện pháp đánh thuế của Mỹ.

Sự trả đũa của Trung Quốc nhằm vào mục tiêu là hàng hóa đến từ các bang có nhiều cử tri ủng hộ Tổng thống D. Trump như các bang miền Trung Tây, nhằm gây chia rẽ, khiến Tổng thống D. Trump và Đảng Cộng hòa phải lo ngại về những tác động tiêu cực đến kinh tế và việc làm trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Các sản phẩm của Mỹ bị đánh thuế tập trung vào sản phẩm nông nghiệp, bao gồm các loại thịt (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, vịt và các loại thịt hun khói khác); các loại cá (cá hồi, cá da trơn, cá chép, cá rô phi, cá bơn, cá ngừ, cá trích, cá tuyết, cá nheo biển, cá chẽm); tôm hùm, cua, hàu, sò điệp, hến, mực, bạch tuộc, ốc, trai, bào ngư, nhím biển, sứa và các động vật không xương sống thủy sinh khác; các loại sữa, kem, pho mát; các loại rau củ (khoai tây, cà chua, hành tây, hẹ tây, tỏi, đậu Hà Lan, cần tây, bí ngô, nấm); các sản phẩm hạt (dừa, hạt điều, hạnh nhân, quả phỉ, quả hồ trăn, hạt mắc ca); các loại quả (cam, quýt, bưởi, chanh, nho, táo, lê, quế, mơ, đào, mận); lúa mì, ngô, gạo, lúa miến, bột ngô, bột ngũ cốc, đậu nành. Những mặt hàng áp thuế trị giá 16 tỷ USD, gồm các sản phẩm dầu khí, dầu thô và than.

Tiến hành cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử với Trung Quốc, Tổng thống D. Trump hy vọng gỡ lại thâm hụt thương mại với Trung Quốc, thu về những lợi ích kinh tế lâu dài, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tiếp tục duy trì vị thế kinh tế, công nghệ thống trị thế giới của mình và kiềm chế được sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Trong khi đó, mặc dù không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ khi kim ngạch thương mại hai bên đang có lợi cho Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã đáp trả một cách tương xứng và có niềm tin mãnh liệt rằng trong cuộc chiến này, Trung quốc mới là bên có sức chịu đựng lớn hơn.

Cuộc chiến không có kẻ thắng người thua

Đối với Mỹ, chiến tranh thương mại làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, khiến các nhà sản xuất trong nước tăng giá sản phẩm hàng hóa, tác động xấu tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đến mức sống của người dân và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Thị phần của Mỹ tại Trung Quốc có nguy cơ bị các đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh.

Các nhà kinh tế cho rằng chiến tranh thương mại khiến kinh tế Mỹ hoạt động kém hiệu quả. Lòng tin của giới doanh nghiệp giảm, khiến giới đầu tư do dự trước các quyết định rót vốn.

Theo ước tính, Mỹ áp 25% thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc với tổng trị giá 50 tỷ USD, thì GDP của Mỹ sẽ làm giảm 0,1%. Nếu áp dụng thuế nhập khẩu 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh phản ứng tương xứng, thì GDP của Mỹ sẽ giảm 0,2%. Nếu Mỹ áp dụng mức thuế 25% cho tất cả các xe ô tô nhập khẩu khi đó, GDP của Mỹ sẽ giảm gần 0,6 %.

Greg Daco, nhà kinh tế học tại Oxford Economies ước tính, đến năm 2020, tổng lượng GDP biến mất sẽ đạt 1% tại Mỹ, xóa sổ 700.000 việc làm tại nước này. Còn các nhà phân tích của Macquarie thì nhận định: “Trong trường hợp chiến tranh thương mại toàn diện, nhiều khả năng Mỹ sẽ lâm vào suy thoái trong năm 2019 với tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi”.

Các ngành sản xuất chịu nhiều tác động của chiến tranh thương mại là các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, ngô, lúa mì, gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt và rau cũng như các mặt hàng nguyên liệu xuất khẩu.

Các đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chiến tranh thương mại là những doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc như Apple, Boeing, các tập đoàn bán lẻ như Walmart, Costco, các nhà sản xuất dệt may, những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu và người nghèo của Mỹ, nhất là nông dân và những người quen dùng hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Trung Quốc, do là nước xuất khẩu, cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp nhiều khó khăn bởi Washington là bạn hàng lớn nhất của Bắc Kinh, chiếm 18,4% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc thuộc các lĩnh vực động cơ, motor, xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện, viễn thông và giao thông bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tờ Nam Hoa Nhật Báo nhận định, Trung Quốc hiện chưa mua đủ hàng hóa từ Mỹ để có thể nắm lợi thế khi chiến tranh thương mại nổ ra. Hơn nữa, nhiều hàng hóa Trung Quốc áp thuế được các doanh nghiệp Mỹ thuê gia công ngay chính tại Trung Quốc nên trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đang tự làm khó các doanh nghiệp nội địa.

Theo ước tính của 16 nhà phân tích kinh tế trong một khảo sát của Bloomberg, cuộc xung đột thương mại đang diễn ra sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 0,2% trong năm nay và 0,3% vào năm 2019. Tăng trưởng xuất khẩu giảm 1%. Những ước tính này căn cứ vào việc Mỹ đe dọa áp đặt mức thuế bổ sung đối với các hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD và Trung Quốc trả đũa bằng việc áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ trị giá 60 tỷ USD.

Chiến tranh thương mại làm cho cánh cửa đầu tư vào thị trường Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm 2018, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ chỉ đạt 1,8 tỷ USD (giảm tới 92% so với năm ngoái) và ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Và, nếu các bất đồng thương mại và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ chậm được giải quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ và EU công nhận là nền kinh tế thị trường.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, mức dự kiến của năm tới sẽ chỉ còn 6,3%. Cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng lớn tới kế hoạch tăng trưởng kinh tế gấp đôi của Trung Quốc trong vòng 10 năm, tính đến năm 2020. Việc thực hiện Chiến lược “Made in China 2025”, cũng như sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng căng thẳng và bất đồng giữa hai bên, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà sẽ lan sang chính trị. Uy tín của Tổng thống D. Trump có thể bị suy giảm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Cùng với đó, tinh thần bài Mỹ trong người tiêu dùng Trung Quốc có thể được khơi dậy. Ông Stiglitz, nhà kinh tế Mỹ nói: “Một cuộc chiến tranh thương mại leo thang có thể sẽ có những hậu quả chính trị đối với ông D. Trump”. Về phía Trung Quốc, cuộc đối đầu thương mại với Mỹ có thể làm dấy lên hoài nghi về các chính sách và quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Kinh tế toàn cầu và những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ dừng lại ở phạm vi một nhóm nước, mà tạo tác động lan tỏa lên môi trường thương mại toàn cầu, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của tất cả các quốc gia.

Đối với các nước châu Á

Hàng loạt quốc gia châu Á bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Báo cáo phân tích của DBS cho thấy Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore là các nền kinh tế gặp rủi ro cao nhất tại châu Á vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, do các nước này có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng.

Khi phân tích giá trị thặng dư của hàng xuất khẩu Trung Quốc, tính theo xuất xứ, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết Đài Loan là nền kinh tế châu Á tham gia nhiều nhất vào số hàng hóa này, với hơn 8% GDP. Kế tiếp là Malaysia 6%, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore khoảng 4-5%. Philippines, Thái Lan và Việt Nam khoảng 3%. Australia, Nhật, Indonesia là 2%.

Đài Loan thiệt hại nặng nhất, bởi các linh kiện công nghệ, như chip máy tính, là một trong những sản phẩm dễ bị tổn thương nhất trong một cuộc chiến thương mại. Theo dự báo tăng trưởng GDP của Đài Loan có thể mất 0,6%.

Hàn Quốc có hai thị trường xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc và Mỹ. Giống như Đài Loan, nước này bán các linh kiện công nghệ cho Trung Quốc để sản xuất các thiết bị điện tử đưa sang Mỹ. Cổ phiếu của hai nhà sản xuất chip điện tử Hàn Quốc - Samsung Electronics (SSNLF) và SK Hynix đã giảm. Tăng trưởng GDP của Hàn Quốc có thể mất 0,4% trong năm nay. Tác động này có thể lên gấp đôi trong năm 2019. Các nhà phân tích cũng cho biết các công ty ở Malaysia và Singapore có thể bị ảnh hưởng khi hai nước đều xuất khẩu linh kiện điện tử cho Trung Quốc. Tăng trưởng GDP của Malaysia có thể mất 0,6% và Singapore là 0,8%.

Đối với Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác có quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu quan trọng, nên khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước leo thang, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực. Ðặc biệt, hàng công nghệ cao và nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Các chuyên gia dự báo, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm giảm GDP của Việt Nam Trung bình 0,03% - 0,12% trong 5 năm tới, ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.

Đối với các nước châu Âu

Các quốc gia châu Âu cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngân hàng trung ương Đức đã giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2018 xuống một nửa ở mức 2% và cảnh báo rằng những bất ổn “sẽ còn lớn hơn đáng kể so với hiện tại”. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Pháp sẽ mất 3%, trong khi GDP của Pháp chỉ giảm 2,2% do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Các hãng sản xuất máy bay Airbus ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha hay ở Anh đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, vì dựa nhiều vào các nguồn cung cấp nguyên vật liệu ở quy mô toàn cầu.

Các nhà sản xuất ô tô Đức như BMW và Mercedes-Benz đều có nguy cơ thiệt hại lớn nếu Trung Quốc thực hiện đúng lời đe dọa áp thêm 25% thuế đối với xe nhập khẩu từ Mỹ, vì cả hai đều có nhà máy ở Mỹ và xuất khẩu các mẫu crossover đang được thị trường ưa chuộng. Một lãnh đạo của BMW cho biết, căng thẳng thương mại sẽ chỉ tăng sức ép, buộc họ chuyển dây chuyền sản xuất một số mẫu xe bán chạy, như X5 ra khỏi Mỹ.

Ngoài ra, thép và nhôm cũng là những ngành hàng chịu hậu quả nặng nề trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các khoản thuế của Mỹ đánh vào thép nhập khẩu khiến cổ phiếu của các tập đoàn thép châu Âu như Thyssenkrupp, Salzgitter và Voestalpine sụt giá. Các nhà sản xuất châu Âu nhập khẩu thép cho nhà máy ở Mỹ cũng bị ảnh hưởng.

Đối với kinh tế toàn cầu

Với kinh tế toàn cầu, Ngân hàng đầu tư Mỹ, Morgan Stanley ước tính, chiến tranh thương mại có thể bị gián đoạn nghiêm trọng, do hai phần ba số hàng hóa trao đổi giữa hai nước nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chỉ ra gần 70% số hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, thuế nhập khẩu của Mỹ, dù nhằm vào Trung Quốc, vẫn sẽ có tác động đến các nước khác.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính trên toàn cầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 11%. Ballpark ước tính cứ mỗi 100 tỷ USD hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu, thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,5%. Việc này sẽ kéo theo tăng trưởng toàn cầu mất 0,1%. Lạm phát cũng sẽ tăng 0,1% - 0,3%, chưa tính biến động tỷ giá.

Một mô hình của hãng quản lý tài sản Pictet chỉ ra nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 10%, sau đó thuế này lại bị đẩy xuống người tiêu dùng thông qua tăng giá sản phẩm, kinh tế toàn cầu có thể rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm, lạm phát cao. Lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu cũng sẽ mất 2,5%.

Hội đồng phân tích kinh tế Pháp dự báo, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ giảm 3-4%. Các quốc gia nhỏ hoặc kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa mới là những nước bị tác động nhiều nhất, chẳng hạn Mexico và Hàn Quốc sẽ mất ít nhất 10% GDP.

Nếu tình hình thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn biến tiêu cực có thể khiến các ngân hàng ngần ngại trong việc tham gia vào những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng, từ đó gây tác động đến giá cả và dòng chảy tín dụng. Thị trường tài chính hoàn toàn có khả năng lâm vào khủng hoảng. Còn nếu thuế bị đẩy xuống người tiêu dùng, niềm tin tiêu dùng và nhu cầu nội địa sẽ giảm sút.

Như vậy, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới sẽ không có lợi cho bất kỳ ai, nó chỉ đẩy hai nước đến chỗ hủy diệt lẫn nhau, đồng thời còn gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu. Chính quyền của Tổng thống D. Trump có lẽ cũng hiểu rõ, nền kinh tế nước này sẽ hứng chịu tổn thất nghiêm trọng trong cuộc chiến tranh thương mại. Còn Trung Quốc cũng hiểu điểm yếu của họ và chắc chắn không muốn cuộc chiến “lợi bất cập hại” kéo dài, mặc dù trên thực tế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang./.

Minh Quân

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/52361/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-khi-nao-den-hoi-ket.aspx