Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Đòn ăn miếng trả miếng, hệ lụy khôn lường!

Sau các vòng đàm phán thương mại liên tục bất thành, đúng 0h ngày 6/7 (giờ Mỹ). Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố sắc lệnh áp thuế hàng tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Đánh dấu cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc đứng đầu thế giới chính thức bắt đầu.

Ngòi lửa đã được châm từ trước

Thực tế cuộc chiến ngầm giữa thương mại 2 nước Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra trong vài năm gần đây. Tuy nhiên năm 2018 này dần thành đỉnh điểm khi có những động thái và tuyên bố.

Ngày 8/3 vừa qua Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký ban hành sắc lệnh áp dụng mức thuế 25% cho thép và 10% cho nhôm nhập khẩu đối với tất cả các quốc gia, riêng Canada và Mexico là hai nước được miễn trừ thuế này. Sắc lệnh chính thức có hiệu lực từ ngày 23/3/2018. Đây là động thái đầu tiên trong năm 2018 được cho là khơi mào cho một cuộc chiến thương mại thế giới. Bởi phía Trung Quốc cũng hăm he sẽ đáp trả lại đầy đủ những thứ công bố từ Mỹ.

Sự kiên quyết “đối đầu thương mại” với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức được cụ thể hóa, ngày 22/3 phía Mỹ đã tuyên bố gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, động thái được xem là cứng rắn nhất cho đến thời điểm hiện nay.

Trước đó, ông Trump cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc làm tổn hại đến nền kinh tế Mỹ. Theo đó, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động thương mại không công bằng như áp đặt các hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài buộc các công ty phải chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, cũng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc áp đặt các điều khoản không công bằng với công ty Mỹ, thậm chí là đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng nhằm vào Tổng thống Trump và còn tuyên bố: “Nếu đạt được những mục tiêu của mình, Mỹ sẽ vẫn có thể thay đổi hoặc xóa bỏ thuế quan cho từng quốc gia, miễn là chúng ta có thể đồng ý về cách đảm bảo rằng các sản phẩm của họ không còn đe dọa đến an ninh của chúng ta nữa”.

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bắt đầu.

Ông Trump và những chính sách thuế mới liên tục được ký và áp dụng.

Mỹ - Trung “ăn miếng trả miếng”

Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã nhiều lần khẳng định muốn trừng phạt Trung Quốc vì lý do vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Vì thế ông Trump muốn đẩy mạnh việc giảm thâm hụt thương mại lên tới 376 tỷ USD với Trung Quốc như hiện nay.

Tới 6/7, Tổng thống Trump chính thức áp thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm phụ tùng máy bay, TV hay thiết bị y tế. Trung Quốc ngay lập tức đáp trả theo cách ăn miếng trả miếng với mức thuế 25% lên 500 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm đậu nành, thịt bò, thịt heo, xe hơi và rượu whisky.

Không dừng lại, phía Mỹ đã đáp trả với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc đã được đề xuất áp thuế 10%, nhiều khả năng có hiệu lực vào tháng 9/2018.

Ngày 16/6, truyền thông Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ sau khi chính quyền của ông Trump lại tuyên bố áp thuế nhập khẩu trị giá 50 tỷ USD đối với các mặt hàng Trung Quốc. Theo đó, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo mức thuế mới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ được thực hiện theo hai đợt, trong đó đợt đầu tiên có hiệu lực từ ngày 6/7 tới đối với 818 danh mục sản phẩm trị giá 34 tỷ USD, sau đó sẽ tiếp tục có hiệu lực đối với 284 danh mục sản phẩm khác.

Không chịu thua trước hàng loạt chính sách tấn công thương mại phía Mỹ, Trung Quốc cũng đã có những động thái đáp trả cứng rắn bằng cách lập tức công bố danh sách các mức thuế mới áp dụng đối với 128 mặt hàng từ thịt heo, hoa quả đến đồ uống có cồn nhập khẩu từ Mỹ, ở mức từ 15% cho đến 25%.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, được Quốc vụ viện phê chuẩn, cơ quan thuế quan Trung Quốc đã quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ, với tổng trị giá 50 tỷ USD, trong đó mức thuế bổ sung đối với 545 mặt hàng có tổng trị giá khoảng 34 tỷ USD, bao gồm nông sản và ô tô, sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7 tới và thời gian áp thuế bổ sung đối với 114 mặt hàng còn lại sẽ được thông báo sau.

Ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: “Nếu quốc gia nào muốn châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại với chúng tôi, chúng tôi sẽ chống trả đến cùng, với mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ chúng tôi luôn tin cậy một cách tiếp cận trên sự tôn trọng lẫn nhau”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Tác động kinh tế thế giới ra sao?

Các chuyên gia cảnh báo, với những căng thẳng đang leo thang hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, 2 trục chính của kinh tế thì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế 2 nước mà còn làm rung chuyển nền kinh tế trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đơn cử, với công bố áp thuế của Tổng thống Trump cho thép nhập khẩu vào Mỹ, dù với mục tiêu chính là chĩa mũi dùi vào hàng hóa của Trung Quốc, nhưng thực tế sức ảnh hưởng đã rộng khắp và đã vấp phải sự lên án gay gắt của nền kinh tế EU. Bởi việc tăng thuế đột ngột như đã phân tích của Mỹ là chưa từng có tiền lệ và đi ngược lại với các thông lệ thương mại của WTO mà Mỹ là một trong những nước chủ chốt. Và Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề khi hầu hết các DN thép Việt đều “bít cửa” vào Mỹ với chính sách thuế cao ngất ngưởng này.

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thương mại WTO tại TP.HCM cho biết: Mỹ vốn từ lâu đã xem các điều lệ của WTO là sự vướng víu trong việc thực hiện các chính sách của mình, nên Mỹ đang đi ngược lại những quy tắc chung. Điều này cũng có thể xem đó là những chiến thuật cao tay của phía Mỹ, để những nước bị đánh thuế sẽ đàm phán có lợi cho Mỹ để Mỹ gỡ bỏ các chính sách gắt gao đó.

Theo đó, phía Trung Quốc cũng muốn dựa vào kim chỉ Nam này để chống lại Mỹ, bởi Trung Quốc đã và đang có ý định sử dụng thẩm quyền của WTO. Họ hứa không chỉ thông báo kịp thời tình hình cho tổ chức mà còn “cùng với tất cả các nước trên thế giới để bảo vệ hệ thống thương mại tự do đa phương”. Vi phạm các quy định của WTO, Hoa Kỳ vào ngày 6/7 bắt đầu tính thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Và Trung Quốc đã đáp trả bằng tỷ lệ thuế tương tự.

Về lâu dài, việc các biện pháp trừng phạt được mở rộng sang nhiều ngành hàng khác sẽ có thể có tác động không ngờ tới. Chẳng hạn, dưới thời Tổng thống Trump, thuế chống lẩn tránh đã được đặt ra để lần theo dòng vốn của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ. Điều này sẽ đặt các nước thứ ba vào tầm ngắm của lệnh trừng phạt nếu hàng hóa xuất khẩu từ các nước này không chứng minh được xuất xứ “không có liên quan đến Trung Quốc”. Trường hợp Mỹ điều tra thép, cá tra nhập khẩu từ Việt Nam có thể là một cảnh báo cho các hoạt động điều tra dạng này.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với cách đánh thuế của Mỹ sẽ làm giảm thương mại thế giới ở một mức độ nhất định, có thể giảm 20%, mức độ tối đa có thể giảm trên 40%.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng.

Kinh tế Việt Nam được và mất gì?

Các chuyên gia đầu ngành nhận định, hệ lụy từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với nước ta trước mắt là chưa quá rõ ràng và mạnh mẽ, tuy nhiên hệ lụy từ cuộc chiến này là điều không thể tránh khỏi với Việt Nam. Bởi hiện nay, đây là 2 thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa quan trọng nhất của Việt Nam.

Thực tế, ngay từ cuối năm 2017, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp ngành thực phẩm của Việt Nam nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu vào Mỹ do hàng rào kỹ thuật và thuế mà nước này áp đặt. Cũng cuối năm 2017, Mỹ lại chính thức công bố áp thuế chống bán phá giá đối với tủ đựng dụng cụ nhập từ Việt Nam với mức thuế mà phía Việt Nam phải chịu lên đến 230%, thậm chí còn cao hơn mức 90,4-168,93% mà doanh nghiệp Trung Quốc phải chịu. Đầu năm 2018 Mỹ tiếp tục chính thức áp mức thuế phòng vệ thương mại đối với máy giặt và pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ.

“Tình hình của ông Trump cũng như chính quyền của ông Trump đang áp dụng những biện pháp khác nhau mà theo chúng tôi là bảo hộ một cách quá mức cho thị trường Hoa Kỳ, đúng như những gì ông Trump đã hứa khi tuyên thệ nhậm chức” - chia sẻ của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương.

Nỗi lo lớn nhất hiện nay, là với cục diện cuộc chiến hiện nay nguy cơ hàng hóa giá rẻ sẽ có nguy cơ ồ ạt vào Việt Nam, nguy cơ nước ta trở thành nơi tiêu thụ của các nước sẽ lên cao khi đó doanh nghiệp nội lại chồng chất khó khăn.

“Cuộc chiến này dẫn đến tương lai nguồn hàng giá rẻ của Mỹ sẽ tuồn vào Việt Nam, việc tiêu thụ hàng nước ngoài giá rẻ sẽ có nguy cơ giết chết doanh nghiệp trong nước” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định bên cạnh thách thức phải đối mặt như đã phân tích, Việt Nam cũng hưởng được một số lợi ích từ cuộc chiến thương mại này. Theo dự báo, việc chuyển hướng đầu tư và tiêu dùng vào Việt Nam sẽ tăng lên, đồng thời Việt Nam cũng được đánh giá cao trong thu hút đầu tư bởi những yếu tố nội tại và vị trí địa lý chiến lược.

“Chắc chắn các nhà đầu tư tìm các nước ngoài Trung Quốc để sản xuất, kịch bản của ngành da giày Việt Nam sẽ tích cực hơn khi ngành da giày có khả năng tăng đơn hàng, hỗ trợ mạnh về việc làm cho lao động” - chia sẻ của ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam.

Không chỉ có da giày, Việt Nam hiện là nguồn cung ứng không ít sản phẩm xuất khẩu hàng đầu hiện nay như: Máy móc, linh kiện điện tử, dệt may, nông sản… Vì vậy, với bối cảnh cuộc chiến như hiện nay nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam có thể là một phần thay thế hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.

Hai đầu tàu kinh tế quan trọng nhất thế giới đang gây ra nhiều sóng gió.

Lối đi nào cho kinh tế Việt Nam?

Các chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên cho kinh tế Việt Nam, nên thay đổi và ứng biến linh hoạt trên nhiều mặt. Một là thay đổi về nhận thức là những hiệp định ký kết giữa Việt Nam với các nước liên kết xuất nhập khẩu và phải nắm vững quy định, yêu cầu. Thứ hai phải có sự đầu tư, nâng cấp về mặt kỹ thuật, về mặt quá trình vận hành để cho chất lượng được bảo đảm vượt qua được rào cản kỹ thuật mà những nước nhập khẩu trong đó có Mỹ, Trung Quốc. Đồng thời Việt Nam phải sẵn sàng cho những kịch bản xấu nhất xảy ra là câu chuyện hàng của Việt Nam sẽ khó xuất qua Trung Quốc và cả Mỹ.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng chuyên gia kinh tế cho biết: “Vì những tiêu chuẩn họ đòi hỏi rất là cao, họ đã có lý do để ngăn chặn luồng hàng hóa từ Trung Quốc, do đó cũng có lý do để ngăn chặn hàng hóa từ Việt Nam”.

Theo nhiều chuyên gia, từ giờ đến cuối năm, cuộc chiến tranh này chưa ngưng thậm chí sẽ còn kéo dài nếu phía Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận đàm phán nào.

Với việc số lượng mặt hàng, chủng lượng mặt hàng trong danh sách bị đánh thuế cao, ngày càng nhiều. Và Trung Quốc cũng theo đó, mở rộng tuồn hàng sang các nước trung gian. Vậy nên Việt Nam cần chú ý tránh trở thành sân sau luân chuyển hàng hóa cho Trung Quốc như những nghi ngờ mà Mỹ vốn đã dành cho chúng ta trước đây.

Kim Ngọc - Ảnh: Internet

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/cuoc-chien-thuong-mai-my--trung-don-an-mieng-tra-mieng-he-luy-khon-luong-d69000.html