Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng thúc đẩy nhanh quá trình hình thành RCEP

Sự leo thang mới của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Một khi được hình thành, RCEP sẽ là khối thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Đầu tháng 8, các Bộ trưởng thương mại từ 16 nước RCEP đã có cuộc họp tại Bắc Kinh và đã xác nhận cam kết kết thúc đàm phán vào cuối năm nay và ký kết hiệp định vào năm 2020. Theo chương trình nghị sự của RCEP, các Bộ trưởng sẽ gặp lại nhau tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 9 tới để hoàn tất thỏa thuận.

Hội nghị Bộ trưởng RCEP vào tháng 9 được tổ chức trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mức thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, có thể gây ra các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Điều đó cũng thúc đẩy một cuộc chiến ngôn từ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các đối tác thương mại truyền thống. Các quốc gia liên quan hy vọng rằng RCEP có thể mang lại một diễn đàn cho các thành viên để giảm bớt căng thẳng và đảm bảo sự liên tục của chuỗi cung ứng khu vực trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang gia tăng. Cho đến nay, các cuộc đàm phán trên tổng số bảy chương và ba phụ lục đã được kết thúc, trong khi các chương hoặc phụ lục còn lại gần kết thúc. Phụ lục gần đây vừa được hoàn tất bao gồm các dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính và dịch vụ nghề nghiệp.

Bộ Thương mại Thái Lan với vai trò chủ nhà ASEAN năm 2019 cho biết, RCEP sẽ bổ sung thêm các lợi ích cho nhà xuất khẩu Thái lan cùng với các hiệp định thương mại tự do hiện có. Ví dụ, các nhà xuất khẩu Thái Lan có thể xuất khẩu thêm máy móc, thiết bị điện, nhựa, hóa chất, ô tô và phụ tùng, lốp xe, sợi, may mặc, bột sắn và giấy cho các nước RCEP khác. Ngoài ra, RCEP sẽ dẫn đến các quy định đầu tư và thương mại rõ ràng hơn. Hiệp định cũng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư Thái Lan đầu tư vào các quốc gia RCEP khác, trong các lĩnh vực mà Thái Lan có chuyên môn vững vàng, như trong ngành xây dựng, bán lẻ, kinh doanh liên quan đến sức khỏe cũng như ngành công nghiệp điện ảnh và giải trí.

RCEP mới được dự định sẽ bao gồm nhiều vấn đề từ thương mại và đầu tư đến dịch vụ, cũng như các lĩnh vực kinh doanh mới như thương mại điện tử. Cuối tháng trước, Nội các Thái Lan đã trao cho các nhà đàm phán thương mại một nhiệm vụ để đàm phán về vấn đề sở hữu trí tuệ trong RCEP.

Tuyết Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-cang-thuc-day-nhanh-qua-trinh-hinh-thanh-rcep-123676.html