Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu 'khai hỏa'

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày 6.7 đã chính thức đánh thuế hàng hóa của nhau, bắt đầu một cuộc chiến thương mại có nguy cơ làm suy yếu đầu tư, gây xáo trộn thị trường tài chính và khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Lời đe dọa đánh thuế hàng hóa lẫn nhau của Mỹ và Trung Quốc đều đã được thực hiện - Ảnh: AP

Bên “bắn phát súng đầu tiên” là Mỹ, khi thuế suất 25% áp với 818 hàng hóa Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức có hiệu lực từ 0 giờ. Bắc Kinh đã lập tức đáp trả bằng mức thuế tương tự với 545 sản phẩm nhập khẩu từ Washington, đồng thời chỉ trích nền kinh tế lớn nhất thế giới khơi mào “cuộc chiến chương mại lớn nhất trong lịch sử”.

Gốc rễ của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chính là cáo buộc của Washington về việc Bắc Kinh muốn chiếm vị thế đứng đầu về công nghệ, bằng nhiều chiến thuật “cướp bóc” như tấn công mạng hay buộc công ty Mỹ chuyển giao công nghệ để được phép vào thị trường Trung Quốc hoạt động.

Những mức thuế ban đầu của “vòng giao chiến” đầu tiên này không gây ra thiệt hại nghiêm trọng của Mỹ- Trung. Nhà kinh tế Gregory Daco đến từ công ty phân tích Oxford Economics tính toán chúng chỉ khiến tăng trưởng kinh tế của hai quốc gia này mất không quá 0,2% đến năm 2020.

Tuy vậy, xung đột thương mại có nguy cơ leo thang. Tổng thống Trump ngày 5.7 tuyên bố chuẩn bị đánh thuế số hàng hóa Trung Quốc lên đến hơn 500 tỉ USD. Viễn cảnh này có thể làm chậm việc đầu tư kinh doanh, vì các doanh nghiệp “án binh bất động” chờ xem liệu Mỹ- Trung có đạt được thỏa thuận giải quyết căng thẳng hay không, còn những nhà tuyển dụng sẽ ngừng thuê lao động cho đến khi triển vọng làm ăn tươi sáng hơn. Thiệt hại do chiến tranh thương mại gây ra sẽ khiến lợi ích kinh tế đem lại bởi động thái cải cách thuế ông Trump thực hiện cuối năm 2017 mất đi.

Mỹ thiệt hại ra sao trong “vòng giao chiến” đầu?

Nông dân Mỹ có sản phẩm xuất sang Trung Quốc là một trong những đối tượng bị thiệt hại trước tiên. Với nỗi lo bị đánh thuế bởi quốc gia nhập khẩu gần 60% lượng đậu tương nước Mỹ sản xuất, giá đậu tương trong tháng qua đã giảm đến 13%.

Brent Bible, một nhà sản xuất đậu tương và ngô tại bang Indiana cho biết: “Đối với người sản xuất đậu tương như tôi thì đây quả thực là một cú sốc về mặt tài chính. Những mức thuế suất này sẽ đem lại khác biệt cho cả lợi nhuận lẫn thiệt hại trong cả năm, và đây chỉ mới là ảnh hưởng trong tương lai gần”.

Giá đậu tương giảm 13% trong tháng qua - Ảnh: Reuters

Trong lĩnh vực tài chính, các nhà đầu tư đã lo lắng từ trước khi chiến tranh thương mại mở màn. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm đi hàng trăm điểm kể từ ngày 11.6.

Giá trị đồng nhân dân tệ so với USD đã giảm 3,5% trong tháng qua, đem lại lợi ích cạnh tranh về giá cả cho công ty Trung Quốc. Theo Viện Nghiên cứu Tài chính quốc tế, đây là động thái làm mất giá có chủ ý của Bắc Kinh, nhằm báo hiệu nước này “không hài lòng với tình trạng của các đàm phán thương mại”.

Chính quyền Trump đã cố hạn chế thiệt hại đến những hộ gia đình Mỹ bằng cách nhắm vào hàng công nghiệp chứ không phải hàng tiêu dùng trong vòng đánh thuế đầu tiên. Tuy nhiên, bước đi này làm tăng chi phí mà công ty Mỹ phụ thuộc vào máy móc cùng linh kiện Trung Quốc phải chịu, và họ có thể chuyển số chi phí này sang khách hàng của mình. Cuối cùng thì người tiêu dùng vẫn phải chi nhiều hơn.

Ví dụ, thuế suất sẽ làm tăng giá bán của nồi áp suất mà chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Chick-fil-A sử dụng. Đơn vị này sau đó có thể tăng giá bán sandwich gà của họ để bù đắp lại chi phí mua nồi, theo ông Charlie Souhrada, thành viên của Hiệp hội Nhà sản xuất thiết bị nấu ăn Bắc Mỹ (NAFEM).

Một ví dụ khác là nông dân cùng các công ty xây dựng phải chi nhiều tiền hơn để mua máy xúc hoặc máy bốc dỡ của Bobcat, công ty máy móc nhập phụ kiện từ Trung Quốc.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy chiến tranh thương mại khiến doanh nghiệp phải suy nghĩ lại kế hoạch đầu tư của mình. Trong cuộc họp vào tháng 6, FED cho biết không ít đơn vị đã bỏ bớt kế hoạch mua hoặc nâng cấp thiết bị sản xuất.

Và nếu ông Trump biến lời đe dọa đánh thuế hơn 500 tỉ USD hàng Trung Quốc thành hiện thực, người tiêu dùng Mỹ sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. TV hoặc điện thoại di động sẽ là đối tượng chịu thuế. Đây là điều đã xảy ra với máy giặt, sản phẩm bị đánh thuế hồi tháng 1. Tính đến nay, giá máy giặt tăng hơn 8%.

Một số hiệp hội thương mại đã hối thúc hai quốc gia khôi phục đàm phán. Theo ông Jay Timmons, chủ tịch Hiệp hội các nhà chế tạo quốc gia Mỹ: “Thuế quan chỉ đem lại trả đũa và nhiều thuế hơn. Trong một cuộc chiến thương mại thì không ai thắng cả”.

Cẩm Bình (theo AP)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-bat-dau-khai-hoa-91931.html