Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng như thế nào đến nhà sản xuất đồ điện tử?

Một viễn cảnh Apple iPhone hay Google Pixel có giá bán cao gấp nhiều lần hiện tại hoàn toàn có thể trở thành sự thực nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục biện pháp áp thuế mạnh tay trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Win Cramer chưa bao giờ nghĩ rằng cơ ngơi kinh doanh đồ điện tử gia dụng nhỏ bé của mình lại chịu ảnh hướng lớn dưới thời một tổng thống đảng Cộng hòa - người hứa sẽ đặt lợi ích nhân dân Mỹ lên hàng đầu - đến vậy. CEO JLab Audio đã phải cân nhắc lại toàn bộ chiến lược kinh doanh của mình sau khi lệnh áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến 70% sản phẩm của thương hiệu âm thanh này.

Sau khi công bố dự định “dằn mặt” Bắc Kinh với việc áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia Châu Á, chính quyền Trump lại tiếp tục hăm dọa sẽ đánh thuế thêm một lượng hàng nữa trị giá 200 tỷ USD. Danh sách dài 200 trang các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm nhiều mặt hàng đồ điện tử tiêu dùng. JLab Audio, giống như bao công ty Mỹ khác, thiết kế tai nghe và loa của mình tại Hoa Kỳ sau đó sản xuất tại Trung Quốc để tối ưu hóa giá thành phẩm. Nếu lệnh áp thuế được thông qua, phần lớn sản phẩm của công ty âm thanh có trụ sở tại California sẽ phải đội chi phí sản xuất, buộc Cramer hoặc bắt khách hàng trả giá cao hơn cho tai nghe và loa hoặc tự chịu lỗ.

“Những thay đổi như thế này không phải một thứ chúng tôi có đủ khả năng gồng gánh. Chúng tôi không phải là công ty đa quốc gia hay sản xuất nhiều loại mặt hàng. Tôi đang cạnh tranh với Apple, vốn là công ty bán hàng tại nhiều nước thậm chí còn không nhất thiết phải áp thuế nhập khẩu, và họ có vô số các dòng sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi luật này. Nó thực sự gây hại cho những công ty nhỏ lẻ như chúng tôi”, CEO JLab Audio cho biết.

Các sản phẩm âm thanh của JLab Audio đều được sản xuất tại Trung Quốc và trực tiếp chịu tác động của áp thuế từ Trump

Những công ty vừa và nhỏ như JLab Audio có lợi nhuận/sản phẩm ít hơn các đối thủ khổng lồ của mình, và do đó là những người đầu tiên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thuế quan áp đặt bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Thậm chí, đến những công ty cỡ vừa như Sonos, cũng sản xuất loa tại Trung Quốc và đã được cảnh báo hàng rào thuế quan sẽ tác động trực tiếp tới doanh số khi công ty chính thức phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch tháng này. Phó Giám đốc thương mại quốc tế của Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Sage Chandler cho biết thuế nhập khẩu Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc rộng đến nỗi có thể bao phủ toàn bộ các sản phẩm kết nối với internet, từ thiết bị streaming tới loa thông minh sử dụng trợ lý ảo.

Loa thông minh cũng nằm trong danh mục mặt hàng bị áp thuế nhập khẩu

Các “ông lớn” như Google, Apple hay Bose và Sony Corp. có thể tạm thời an toàn bởi họ có thể chọn sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ khác để bù đắp bớt chi phí bị đội lên và tránh tăng giá đột ngột sản phẩm của mình. JLab Audio không có được đặc quyền đó và đối mặt với nguy cơ buộc phải bán sản phẩm với mức giá kém cạnh tranh. Trong trường hợp xấu hơn, các công ty lớn cũng quyết định người dùng phải gánh thuế, thì doanh số toàn bộ mảng công nghệ sẽ lập tức chững lại. Sau cùng, không có gì chắc chắn họ sẽ an toàn mãi và viễn cảnh iPhone, MacBook của Apple hay smartphone Pixel của Google có mức giá trên trời là hoàn toàn có thể xảy ra nếu các người khổng lồ kiên quyết không chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ.

Hàng rào thuế mới ngoài ra còn đánh vào nhiều mặt hàng nguyên vật liệu sử dụng sản xuất phần cứng như kính, dây điện, cáp, bóng bán dẫn, củ sạc... Chandler cho biết các công ty nhỏ sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí là tiền bạc để tính toán được chính xác mình chịu tác động đến đâu.

“Một vấn đề khác đó là thời gian và công sức tiêu tốn để tuyên truyền và giáo dục các công ty nhỏ này về những gì đang xảy ra. Bởi khác họ, các công ty lớn có quan hệ mật thiết hơn với chính phủ và thuê nhiều chuyên gia thương mại hơn”

Theo báo cáo từ CTA, khoảng một nửa số hàng hóa liệt kê trong vòng áp thuế đầu tiên đi vào hiệu lực từ 6/7/2018 là đồ điện tử gia dụng. Các mặt hàng này bao gồm pin sạc rời, tụ điện, thiết bị định tuyến, ổ cứng và đèn LED thông minh kết nối internet. Các rào cản thuế đang đệ trình chờ thông qua áp lên 16 tỷ USD tiền hàng nữa sẽ tác động vào thuốc lá điện tử, thuốc lá vape và xe tay ga điện.

Robert Heiblim là đồng sáng lập BlueSalve Consulting đồng thời là Chủ tịch Boulder International, một công ty sản xuất thuốc lá điện tử. Boulder International sản xuất toàn bộ sản phẩm tại Trung Quốc sau khi thiết kế tại Mỹ. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp và lắp ráp lớn nhất cho mặt hàng thuốc lá vape. Heiblim cho biết trong vài tháng tới công ty của anh sẽ quyết định duy trì mức giá cao hơn được hay không. Nếu không, Robert có thể sẽ phải giảm giá sản phẩm về như trước đồng thời giảm bớt luôn lượng nhân viên.

Ngoài thuốc lá điện tử, các thiết bị nhà ở thông minh cũng là mục tiêu Trump không bỏ qua. Công ty sản xuất thiết bị sưởi và làm mát tự động HiberSense vừa mới bước chân vào thị trường từ tháng trước sau 2 năm nghiên cứu phát triển đã đối mặt ngay với “án tử” mang tên thuế nhập khẩu. Nhưng may mắn thay phần lớn sản phẩm của HiberSense làm ra trên đất Mỹ, chỉ trừ bảng điều khiển nhiệt làm ở Trung Quốc và đương nhiên chịu mức thuế áp.

HiberSense dự định sẽ chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất về "đất mẹ" Hoa Kỳ để tránh bị áp thuế nặng

Thay vì buộc người tiêu dùng gánh thuế, HiberSense quyết định sẽ tìm hướng đi mới, nghiên cứu sản xuất sản phẩm hoàn toàn trong nước. Bob Fields, Giám đốc tài chính công ty cho biết chi phí nghiên cứu phát triển sẽ lên đến hàng trăm nghìn USD và tốn của công ty thêm ít nhất 1 năm nửa.

Về phía mình, chính quyền Trump lại “ví von” chính sách thuế mới như một chế độ giảm cân nghiêm ngặt: “Ban đầu quả thực không có gì vui vẻ, thậm chí còn có thể đau đớn, nhưng về lâu về dài bạn sẽ ngày càng hạnh phúc với thành quả mình đạt được”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross nói.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross

Song, không nhiều công ty được may mắn như HiberSense hay Boulder International, rất nhiều doanh nhân trẻ khởi nghiệp đã quyết định từ bỏ giấc mơ của mình. Christian Vizcaino Jordan, Phó giám đốc nền tảng vận chuyển công nghiệp Flexport tin rằng các đòn ăn miếng trả miếng liên tục trong cuộc chiến thương mại sẽ gây thiệt hại rộng khắp tới đột phá công nghệ và dìm chết những giấc mơ khởi nghiệp mới vừa chớm nở của Thung lũng Silicon: “Nếu mới chỉ nảy ra ý tưởng về một mô hình hoặc sản phẩm nào đó, bạn không thể bắt đầu được ngay lúc này đâu”.

Trung Quốc đang chuẩn bị cử một đoàn đại biểu sang Hoa Kỳ để đàm phán về vòng áp thuế tiếp theo, dự kiến đi vào hiệu lực ngày 23/8 tới.

Công Minh (theo Bloomberg)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-anh-huong-nhu-the-nao-den-nha-san-xuat-do-dien-tu-171292.ict