Cuộc chiến thương mại là thách thức lớn nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình

Giới phân tích nhận định, bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể là thách thức lớn nhất mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối mặt kể từ khi lên nắm quyền năm 2012.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Chủ tịch Trung Quốc đã đạt được nhiều mục tiêu trong danh sách "cần làm” của mình cả ở trong và ngoài nước. Bên cạnh việc tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), ông Tập Cận Bình cũng mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc thông qua sáng kiến đầy tham vọng “Vành đai và Con đường”.

Ở khía cạnh cá nhân, ông thành công trong việc khiến phe phái đối lập ở cả trong và ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc im lặng, hủy bỏ điều khoản hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch nước, và đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp của quốc gia. Tuy nhiên, một cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington lại đặt ra một tình thế hoàn toàn mới.

Chuyên gia Thời Ân Hoằng nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, và là cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, nhận định: “Đây là thách thức lớn nhất. Nếu cuộc chiến thương mại diễn ra trên quy mô lớn và kéo dài, nền kinh tế và tài chính Trung Quốc chắc chắn sẽ bị thiệt hại. Sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Quốc, hay giấc mơ Trung Hoa, không phải lúc nào cũng đi về phía trước”.

Theo chuyên gia này, bất đồng thương mại có thể buộc Trung Quốc thay đổi cách thức nước này hành xử trên trường quốc tế, thậm chí có thể đưa ra quan điểm mềm dẻo hơn so với trước đây. Ông Thời nói: “Trung Quốc đã đi quá nhanh trên mặt trận chiến lược trong những năm gần đây. Giờ đây nước này cần điều chỉnh các ưu tiên của mình”.

Ông Thời nhấn mạnh, đối mặt với sức ép gia tăng từ Mỹ và các quốc gia phương Tây trong các vấn đề thương mại, Trung Quốc sẽ buộc phải đưa ra nhượng bộ đáng kể.

Bất đồng thương mại Mỹ-Trung có thể là thách thức lớn nhất mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối mặt kể từ khi lên nắm quyền năm 2012. Ảnh: Getty

Học giả chính trị Trần Đạo Ngân thì cho rằng, bất kể điều khoản thương mại có được điều chỉnh, thì cũng không nên mong chờ bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trên mặt trận chính trị của Trung Quốc. Ông giải thích: “Giới trí thức Trung Quốc hy vọng rằng cải cách kinh tế và chính trị sẽ được thúc đẩy.

Tuy nhiên điều này bất khả thi. Nhóm cầm quyền rất rõ ràng về các điều kiện duy trì chính quyền của mình”. Chuyên gia này cho rằng, vấn đề lớn là khi xung đột thương mại dẫn tới kinh tế trì trệ.

Khi đó, theo chuyên gia Perry Link nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Đại học California, đây sẽ là mối đe dọa lớn ảnh hưởng tới sự ổn định của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình./

Lan Hạ

Theo SCMP

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/cuoc-chien-thuong-mai-la-thach-thuc-lon-nhat-cua-chu-tich-tap-can-binh-205025.html