Cuộc chiến thương mại đã gần kề

Tới thời điểm này, theo giới quan sát, cuộc chiến thương mại thực sự giữa Mỹ-EU, Mỹ-Trung Quốc đã gần kề. Có cảm giác như với chính sách cứng rắn của mình, 'nước Mỹ trên hết', ông Donald Trump đang đối đầu với những nền kinh tế hàng đầu thế giới. 'Người ta chờ đến lúc ông Trump 'tuyên chiến' với Nhật Bản nữa là xong'- kinh tế gia hàng đầu Michel Lee nhận xét một cách hài hước.

Bức ảnh gây sốt tại thượng đỉnh G7, khi mà lãnh đạo Mỹ và các nhà lãnh đạo còn lại như ở 2 chiến tuyến khác nhau. (Nguồn: Guardian).

1. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh người ta sẽ thấy nhận xét của Michael Lee không hẳn không có lý, khi mà ông Trump không hề e ngại những đồng minh châu Âu, và cũng không cho thấy ý định lùi bước trước nền kinh tế có tích lũy ngoại tệ hàng đầu thế giới là Trung Quốc.

Động thái đó của ông Trump khiến người ta tự hỏi: Điều đó sẽ dẫn nền kinh tế toàn cầu tới đâu?

Trước hết, đó là cuộc đối đầu của hai nền kinh tế Mỹ-Trung.

Ngày 19/5/2018, Mỹ-Trung kết thúc vòng đàm phán thương mại thứ 2. Hai bên đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh “Mỹ và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về tiến hành các biện pháp hiệu quả nhằm giảm đáng kể thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc”. Đây được xem là “nỗ lực mạnh mẽ nhất” của Mỹ và Trung Quốc nhằm tránh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới; khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả thâm hụt thương mại như một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ và cảnh báo áp đặt hàng tỷ đôla thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn có thể xảy ra, vì ông Trump vẫn tiếp tục kêu gọi bảo vệ nền kinh tế nước Mỹ, còn Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích của mình, sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào xâm phạm tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Nhưng, nói như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, thì Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn có quan hệ kinh tế và thương mại khá chặt chẽ, tuy nhiên không thể tránh khỏi những quan điểm khác nhau. Và vì thế cần tăng cường các cuộc tham vấn tiến tới sự hiểu biết lẫn nhau để có thể hướng tới sự thỏa hiệp.

Trước đó, ngày 5/5, kết thúc vòng đàm phán thứ nhất thì Mỹ-Trung đã cho thấy có sự bất đồng lớn, trên nhiều nội dung. Sau 2 ngày đàm phán, phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu kết thúc mà không ra được tuyên bố chung, tuy rằng cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại.

Căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong thời gian qua, làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, khi hai quốc gia này công bố các danh sách mặt hàng nhập khẩu của nhau phải chịu mức thuế cao hơn. Hiện, thặng dư xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ vào khoảng 350 tỷ USD. và rằng, ngày 6/7 tới đây sẽ chính thức “chốt” lại quan điểm từ phía Mỹ về vấn đề đánh thuế hàng hóa đến Mỹ từ Trung Quốc.

2. Trong khi “mặt trận phía đông”- ám chỉ sự đối đầu thương mại với Trung Quốc chưa xong, thì “mặt trận phía tây”- chỉ đối đầu thương mại Mỹ-EU và các đồng minh thân cận cũng diễn ra gay gắt.

Cụm từ “hạn chót” đã trở thành từ khóa quen thuộc trong các diễn đạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nói về những thỏa thuận không đạt được với đồng minh EU và Bắc Mỹ.

Trang mạng Modern Diplomacy cho rằng, mấu chốt ở đây là việc ông Trump quyết định nâng mức thuế vào Mỹ với nhiều mặt hàng đến từ EU, Canada, Mexico, Argentina, Australia, Brazil và Hàn Quốc. Trong đó, đáng kể nhất là mức thuế áp 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu. Riêng với láng giềng Canada và Mexico, trong khi Mỹ đang tiến hành đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ông Trump cho biết sẽ chỉ miễn các loại thuế cho hai nước này nếu đàm phán NAFTA thành công.

Đây được coi là một thông điệp của ông Trump gửi tới EU, có thể hiểu rằng: nếu EU “xuống thang” chấp nhận nhập nhiều hàng hóa từ Mỹ thì lúc đó Mỹ mới xem xét hạ mức thuế đối với hàng hóa đến từ EU.

Đáng chú ý nhất là “Tuyên bố 40 ngày” của ông Trump gửi tới EU, trong đó nhấn mạnh chỉ giữ nguyên mức thuế hiện tại đối với hàng hóa đến từ châu Âu. Sau đó, nếu EU không lùi bước thì Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn.

Kể từ đầu năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-EU đã bước sang một giai đoạn mới. Giới chức châu Âu thực sự lo ngại khi phải “đối mặt với một người coi chủ nghĩa bảo hộ kinh tế là một chính sách quan trọng trong lĩnh vực thương mại, và tương lai sẽ nỗ lực áp đặt việc thực thi chính sách này”- ám chỉ ông Trump.

Trong các tuyên bố của mình, EU cho biết Hội đồng châu Âu “lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ đánh thuế lên nhiều mặt hàng của họ, nhất là với thép và nhôm. Họ cũng cho rằng, “sẽ đáp trả một các tương xứng và thích đáng”.

Bà Cecilia Malmstrom- Ủy viên phụ trách thương mại của EU, nói trên tờ Financial Times rằng: “Chúng ta đang có nguy cơ phải chứng kiến một hiệu ứng domino nguy hiểm từ điều này”.

Cũng như nhiều nhà lãnh đạo EU, vị chuyên gia này cũng bóng gió cho rằng ông Trump đã “hy sinh đồng minh chiến lược”. Và điều đó sẽ dẫn tới những hậu quả xấu khó lường.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng có những nhận xét tương tự, khi cho rằng EU rất bức xúc trước các biện pháp kinh tế của ông Trump. “Nếu căng thẳng không được giải tỏa từ phía Mỹ thì rất có thể sẽ trở thành một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện trong tương lai gần. Với những tình huống như vậy, rất có thể chúng ta sẽ được chứng kiến sự liên kết giữa các nước như Trung Quốc và Ấn Độ với EU nhằm đối phó với các chính sách bảo hộ mậu dịch của Donald Trump”- Michel Lee nhận xét.

Nhưng, sự việc không đơn giản khi tại Hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tháng 6 diễn ra tại Quebec, Canada, ông Trump đã không hề nhượng bộ đồng minh. Trái lại, còn đưa ra hàng loạt lời chỉ trích. Ông Trump tiếp tục chỉ trích cái mà ông gọi là chính sách thương mại không công bằng mà 6 nền công nghiệp phát triển thuộc G7 đang theo đuổi.

“Thương mại công bằng sẽ được gọi là “thương mại lừa gạt” nếu như nó không mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Theo báo cáo mà Canada đưa ra, họ kiếm được gần 100 tỷ USD trong quan hệ thương mại với Mỹ. Họ đánh thuế 270% các sản phẩm bơ sữa của chúng ta”- ông Trump viết trên Twitter. Chưa hết, ông Trump còn đặt ra câu hỏi rằng tại sao nước Mỹ nên “cho phép các nước khác tiếp tục tạo nên khoản thặng dư thương mại khổng lồ”, cho rằng điều đó “không công bằng với người Mỹ”, và rằng Mỹ đang chịu mức thặng dư thượng mại lên tới 800 tỷ USD.

Phát biểu trước báo giới hôm 11-6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi việc Mỹ rút khỏi Tuyên bố chung G7 là “một điều đáng thất vọng”. Còn Thủ tướng Trudeau cho biết Canada sẽ “tiếp tục đưa ra các biện pháp đáp trả”, áp dụng từ ngày 1/7 tới nhằm phản đối quyết định áp thuế với nhôm và thép của chính quyền Trump.

Tới nay, tuy cuộc chiến thương mại toàn cầu chưa thực sự bắt đầu nhưng những cuộc “khẩu chiến” thì vẫn chưa chấm dứt. Liệu cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu ấy có diễn ra hay không? Hậu quả của nó thế nào? Câu hỏi ấy vẫn là sự ám ảnh không chỉ của những quốc gia đối đầu trực tiếp, bởi phạm vi ảnh hưởng của nó còn rộng hơn nhiều.

Thế Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/cuoc-chien-thuong-mai-da-gan-ke-tintuc408758