'Cuộc chiến' thị phần SGK mới: Không thể 'vừa đá bóng vừa thổi còi'

Nếu không tách rời các khâu của quá trình làm SGK thì chắc chắn thị trường SGK mới sẽ hỗn loạn và khó tránh khỏi lợi ích nhóm. Đó là nhận định của các chuyên gia khi nói về thị phần SGK mới trong thời gian sắp tới.

Với “một chương trình, nhiều bộ SGK” tới đây, câu hỏi mà phụ huynh và học sinh quan tâm là: Những ai sẽ xứng đáng thay mặt họ đứng ra lựa chọn sách?.Ảnh: Như Ý

Nhìn từ nước Nhật
Là người nghiên cứu sâu về giáo dục Nhật Bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã có những chia sẻ với Tiền Phong nhiều thông tin rất hữu ích về quy trình làm SGK, lựa chọn SGK tại đất nước mặt trời mọc. Ông Vương cho biết, trước năm 1945, ở Nhật thực hiện chế độ quốc định, nhà nước quyết định 1 bộ SGK và thực hiện trong tất cả các trường, giống Việt Nam hiện nay.

Từ năm 1947, Luật Giáo dục mới được ban hành thực hiện chế độ kiểm định. Nhà nước không làm SGK nữa, chỉ có trách nhiệm biên soạn chương trình khung cho toàn quốc, đề ra quy chế biên soạn thẩm định, phát hành SGK. Các tác giả viết SGK với NXB (ở Nhật chỉ có NXB tư nhân) được tự do biên soạn sách. Đó là việc của các NXB, nhà nước không quan tâm. Sau đó, đến một thời gian được ấn định nào đó, các NXB đưa bản thảo SGK lên, bản thảo đó sẽ gồm việc đăng ký làm cuốn nào, lớp nào.

Nhà nước tiếp nhận trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ trả lời bản thảo nào đạt, bản thảo nào không đạt, bản thảo nào cần chỉnh sửa để đạt. Họ công khai kết quả đó. Sau khi công bố, họ sẽ đưa hội đồng thẩm định, thẩm định xong đóng dấu đủ tiêu chuẩn trở thành SGK. NXB nào được duyệt sẽ xuất bản SGK. SGK đó có thể được bán cho nhà nước. Vì ở Nhật, nhà nước chịu trách nhiệm phát SGK miễn phí cho học sinh. Các địa phương, các trường đề xuất mua bộ nào, nhà nước sẽ xuất tiền để mua SGK đó cho học sinh theo đúng yêu cầu.

Nói về chọn SGK, ông Vương cho biết, ở Nhật, nguyên tắc là do hội đồng giáo dục địa phương (tương đương Sở GD&ĐT của Việt Nam) chọn SGK. Hội đồng đó khác Việt Nam ở chỗ không phải một người mà là 8-9 người đại diện cho nhiều tầng lớp. Ví dụ, có đại diện của thầy cô, nhân sĩ trí thức địa phương, đại diện của cơ quan quản lý..., việc bỏ phiếu chọn sách sẽ theo nguyên tắc đa số.

Cần công khai hóa quy trình thẩm định SGK
Chia sẻ thêm về việc làm chương trình, SGK mới của Việt Nam sắp tới, ông Vương cho rằng, Việt Nam đang vướng hai hạn chế. Thứ nhất, cơ quan ban hành chương trình lại là cơ quan biên soạn SGK, cơ quan xét duyệt. Vì thế có thể dẫn đến tình trạng thích bộ SGK nào thì sẽ cho qua, không thích thì sẽ không cho qua. Hạn chế thứ hai là hành chính giáo dục không tách rời hành chính công. Vì vậy, mệnh lệnh hành chính có thể can thiệp trực tiếp vào việc mua bộ SGK nào. Ví dụ, ra công văn yêu cầu mua bộ này, bộ kia. Ở nước ngoài không thể có chuyện đó được.

“Không thể có chuyện hành chính giáo dục, cơ chế vĩ mô vẫn giữ nguyên nhưng lại đòi hỏi SGK cạnh tranh công bằng. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Nếu Bộ GD&ĐT xuất bản một bộ SGK mà lại đòi hỏi một sự công bằng thì không bao giờ có”, ông Vương nhận định.

Vì vậy, theo ông Vương, điều mà công luận cần là cơ chế minh bạch, xem ai là người có quyền xét duyệt, tuyển chọn SGK. Ông cho rằng, cơ chế minh bạch sẽ phòng ngừa được tiêu cực. “Ví dụ, ở Nhật năm ngoái cũng xảy ra vụ có một NXB lobby (vận động hành lang) cho sách của mình. Khi sách chuẩn bị in chính thức thì gửi bản thảo in thử cho giáo viên để nhờ họ đọc nhận xét góp ý.

Nhưng sau đó họ lại tặng giáo viên vật chất như tiền hoặc sách khác của họ. Như vậy theo luật công vụ của Nhật thì viên chức không được phép nhận quà tặng của các doanh nghiệp. Như thế là phạm luật, hối lộ. Vì đây là phương thức tiếp thị. Nên họ ngăn ngừa bằng cơ chế”, ông Vương cho hay.

Với cơ chế giữ nguyên như hiện nay, khi một chương trình nhiều bộ SGK rất hỗn loạn, sẽ có những nơi xảy ra cạnh tranh không lành mạnh. Ở Nhật trước năm 1945 cũng xảy ra một vụ án SGK rất lớn, Thiên Hoàng đã phải bắt hàng trăm người khi giới xuất bản cấu kết với giáo chức để giành thị phần SGK mà họ có quyền lợi đằng sau.

Sau đó, họ tách rời khâu phát hành và khâu tuyển chọn SGK. Người tuyển chọn không có quyền lợi liên quan đến phát hành. Người làm chương trình thì không làm SGK. Người thẩm định thì không có mối quan hệ gì với phát hành.

“Nhưng ở Việt Nam hiện nay, nhìn cục diện thì lại có trường hợp vừa biên soạn chương trình vừa viết SGK. Tuy chưa vi phạm quy định nhưng cũng sẽ không hay về đạo đức. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà người ta tách rời các khâu đó”, ông Vương nói.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết, với chương trình hiện hành, Bộ GD&ĐT chưa bao giờ công bố tổng chủ biên là ai. Ở các nước, quản lý nhà nước chỉ ban hành chuẩn chương trình, những cái lõi, cái khung, cái chính của chương trình. Còn các trường, cơ sở giáo dục, địa phương từ chuẩn đó có quyền xây dựng thành các chương trình cụ thể. Từ chương trình cụ thể đó sẽ viết SGK. Viết SGK là việc của các tác giả, nhà nước không “bao cấp” viết SGK như Việt Nam.

theo kinh nghiệm của nhiều nước là việc của các nhà chuyên môn. Tuy nhiên, trong đó có thể có chính trị gia định hướng về chính sách, đường lối. Nhưng nói chung, chủ yếu là các nhà chuyên môn. Những nhà chuyên môn đó thường là giảng viên ĐH, giáo viên ở phổ thông, không phải toàn giáo sư, tiến sĩ.

“Vấn đề là phải công khai hóa quy trình. Ai quan tâm đều có thể tìm hiểu, đóng góp, giám sát quy trình đó. Còn nếu vẫn theo cách làm truyền thống là giám sát nội bộ, Bộ GD&ĐT thành lập ra nhóm nọ nhóm kia thì mối lo có tiêu cực trong phát hành SGK là hoàn toàn thực tế. Giám sát quy trình là để xã hội biết người được chọn đại diện cho ai”, ông Khuyến nói.
Ông Khuyến cũng đồng ý với quan điểm: Nếu trong các bộ SGK có một bộ SGK của Bộ GD&ĐT là không bình đẳng. NXB cũng không được hỗ trợ tiền, phải tự bỏ tiền ra để xuất bản SGK.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/cuoc-chien-thi-phan-sgk-moi-khong-the-vua-da-bong-vua-thoi-coi-1322610.tpo