Cuộc chiến 'sò biển' giữa tàu cá Anh và Pháp

Tên gọi cuộc chiến 'sò biển' đã bắt nguồn từ lâu nay lại đang nổi lên hồi tuần trước sau khi các tàu Anh và Pháp xảy ra va chạm tại vùng ngoài khơi Noóc-măng-đi. Ngư dân Pháp đã ném vật thể được cho là bom khói nhằm vào ngư dân Anh, khiến hải quân Hoàng gia Anh phải huy động lực lượng tới bảo vệ ngư dân nước mình.

Hai trong số tàu cá Anh bị tấn công hôm 28-8. Ảnh: PA

Theo đoạn băng ghi hình do đài truyền hình France 3 (Pháp) và mạng xã hội đăng tải, khoảng 35 thuyền đánh cá loại nhỏ của ngư dân Pháp đã đe dọa 5 tàu đánh cá lớn của Anh vào rạng sáng ngày 28-8 (giờ địa phương) trên vùng nước quốc tế ngăn cách giữa Anh và khu vực các nước còn lại của châu Âu, ngay gần ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc nước Pháp. Trong đoạn băng hình cho thấy hai tàu đánh cá nhỏ của Pháp đã tiếp cận gần và ít nhất một chiếc thuyền của Pháp đã đâm trực diện vào tàu đánh cá của Anh.

Giới chức Pháp cho biết không có thương vong trong cuộc đụng độ, và cảnh báo sự cố va chạm này là hành động nguy hiểm. Còn Liên đoàn Tổ chức đánh bắt thủy hải sản Anh đã kêu gọi hải quân Hoàng gia Anh cần bảo vệ những tàu cá nước này đang hoạt động hợp pháp trên các vùng biển. Bộ Môi trường Anh thông báo đang tiếp tục thảo luận với chính quyền Pháp để tổ chức đối thoại và ngăn chặn sự cố tương tự xảy ra.

Các ngư dân Pháp cho rằng tàu đánh cá của Anh đang có lợi thế thu về nguồn cung sò biển do chính phủ Pháp không cho phép đánh bắt cá trong khoảng thời gian từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 10 nhằm bảo tồn động vật biển. Nhưng chính phủ Anh không có quy định hạn chế này. Tàu thuyền lớn từ Anh và Xcốt-len thường đến vùng Vịnh Seine để đánh bắt và thu về nhiều mẻ cá lớn trong hạn ngạch cho phép. Ông Dimitry Rogoff, người đứng đầu Ủy ban đánh bắt thủy hải sản khu vực Normandy của Pháp trả lời phỏng vấn báo Guardian (Anh) rằng “ngư dân Anh được quyền đánh bắt cá bất kỳ thời gian nào trong năm, người Pháp không ngăn cản quyền đánh cá của Anh, nhưng ít nhất Anh cũng cần quy định hạn chế đánh bắt cá đến đầu tháng 10 để ngư dân Pháp và Anh cùng chia sẻ khu vực đánh bắt cá”.

Căng thẳng giữa tàu cá của ngư dân hai nước trên vùng Vịnh Seine đã diễn ra hơn một thập kỷ qua. Ngành công nghiệp đánh bắt sò biển của Anh trị giá khoảng 120 triệu bảng Anh và hỗ trợ việc làm cho 1.200 người một năm. Theo luật của Liên minh châu Âu (EU), Anh không được phép khai thác trong khoảng 20 km cách bờ biển Pháp. Ngư dân Anh được quyền đánh bắt sò biển trong khoảng 65 km tại vùng nước quốc tế thuộc Vịnh Seine – trong khi ngư dân Pháp chỉ có quyền đánh bắt từ tháng 10 đến tháng 5 theo quy định của chính quyền Pháp. Cuộc tranh cãi âm ỉ giữa hai nước bùng nổ vào năm 2012 khi tàu đánh cá của Anh bị tàu thuyền của ngư dân Pháp tấn công bằng đá. Ngư dân Pháp cáo buộc tàu đánh cá Anh đã hoạt động gần sát khu vực bờ biển Pháp. Hải quân Pháp buộc phải can thiệp giải tán đụng độ. Sau đó, ngư dân Pháp đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình yêu cầu tẩy chay sản phẩm sò biển của Anh, đồng thời thực hiện nhiều cuộc va chạm khác. Năm 2016, đại diện các tàu khai thác cá của Pháp và Anh đã đạt thỏa thuận không chính thức về việc không đánh bắt cá vào giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10, và một số tàu nhỏ của Anh vẫn có thể hoạt động vào thời gian trên. Tuy nhiên, hiện nay, tàu thuyền lớn của Anh tiếp tục đánh bắt cá trong thời gian mà ngư dân Pháp không được phép đánh bắt.

Trên thực tế, cuộc chiến trên Vịnh Seine đang cho thấy tương lai khó khăn của ngành thủy hải sản Anh. Nếu tiến trình đàm phán Brexit giữa Anh và EU không đạt được thỏa thuận nào, tất cả các quy định chung về quản lý đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển châu Âu sẽ không áp dụng đối với Anh. Như vậy, nhiều doanh nghiệp thủy hải sản của Anh sẽ không thể tiếp cận thị trường bán lẻ châu Âu. Điều này đòi hỏi chính phủ Pháp, Anh và Ireland cần ngồi lại đàm phán để đưa ra biện pháp có lợi cho ngư dân các nước.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuoc-chien-so-bien-giua-tau-ca-anh-va-phap/