'Cuộc chiến' pháp lý

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại La Hay, Hà Lan, đã mở phiên tòa xét xử tranh cãi pháp lý giữa Iran và Mỹ về việc Washington nối lại các lệnh trừng phạt, làm hủy hoại nền kinh tế của Tehran. Các luật sư của hai bên đã chuẩn bị đầy đủ lập luận và hồ sơ, sẵn sàng cho một 'cuộc đối đầu nảy lửa'.

Nộp đơn kiện Mỹ lên ICJ, Iran đặt mục tiêu kêu gọi các thẩm phán của tòa yêu cầu Washington lập tức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Luật sư của Iran nói rằng, Mỹ đã công khai tuyên truyền một chính sách nhằm hủy hoại nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế và các công ty của Iran, vì vậy, chắc chắn ảnh hưởng tới các công dân Iran. Tehran khẳng định, việc Mỹ khôi phục các lệnh trừng phạt từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) là vi phạm Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) do Mỹ và Iran ký kết từ năm 1955. Lấy dẫn chứng nhiều nước châu Âu ủng hộ quan điểm của Iran chỉ trích những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Tehran mang tính chính trị, Iran bày tỏ quan điểm nghi ngờ tính pháp lý của các biện pháp này.

Ðáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo khẳng định quyết tâm đối đầu với Iran trong cuộc chiến mới này, đồng thời cáo buộc đơn kiện của Iran là can thiệp chủ quyền của Mỹ trong việc thực hiện những hành động hợp pháp, gồm cả việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, vốn là điều cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Người đứng đầu nhóm luật sư đại diện Chính phủ Mỹ, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ J.Newstead khẳng định, những yêu cầu của Iran nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước TAER; và ICJ không có quyền tài phán trong vụ này.

ICJ được Liên hợp quốc lập ra năm 1946, chuyên giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Các phán quyết của tòa mang tính ràng buộc, nhưng lại không có biện pháp chế tài để thực thi. Trong nhiều thập niên kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, cả Mỹ và Iran đều bỏ qua các phán quyết của ICJ. Iran từng phớt lờ một vụ kiện của Mỹ năm 1980 tại ICJ liên quan vụ Tehran bắt giữ các nhà ngoại giao Mỹ, mà tòa phán quyết là bất hợp pháp. Trong một vụ khác, ICJ đã phán quyết rằng Hiệp ước TAER vẫn có hiệu lực dù văn kiện này được ký trước cách mạng Hồi giáo. Tuy nhiên, năm 2003, tòa phán quyết rằng các hành động của Mỹ chống các cơ sở khai thác dầu của Iran cũng như các vụ tiến công của Iran vào tàu Mỹ đều không vi phạm Hiệp ước TAER.

Bất chấp hàng loạt cảnh báo về hệ lụy của việc từ bỏ JCPOA, cũng như thực tế không có bằng chứng xác thực cho những cáo buộc chống Iran, tháng 5 vừa qua, Nhà trắng đã chính thức tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ D.Trump tái áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt đơn phương nghiêm ngặt đối với Iran. Các động thái của Washington tác động tiêu cực đến nền kinh tế Iran: đồng nội tệ mất một nửa giá trị, hàng loạt tập đoàn quốc tế phải ngừng hoạt động tại Iran. Với gói trừng phạt thứ hai của Mỹ, có hiệu lực đầu tháng 11 tới và nhằm vào lĩnh vực năng lượng, kinh tế Iran khó tránh khỏi chao đảo khi nguồn thu chính từ "vàng đen" bị siết lại.

Các động thái đối đầu từ phía Mỹ không chỉ tác động trực tiếp tới nền kinh tế Iran, mà còn đặt Tổng thống H.Rouhani trước sức ép trong nước, khi phải trả lời chất vấn của các nghị sĩ về cách giải quyết tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay. Tổng thống Rouhani khẳng định, những vấn đề kinh tế rất nghiêm trọng, nhưng nguy hiểm hơn chính là nguy cơ nhiều người mất niềm tin vào tương lai Iran và hoài nghi sức mạnh của quốc gia Hồi giáo. Những vấn đề nảy sinh từ các cuộc biểu tình hồi tháng 1, khi nhiều người Iran bày tỏ bất bình về giá cả tăng cao, là một trong các lý do thúc đẩy Iran khởi kiện Mỹ vi phạm Hiệp ước TAER.

Nghe tranh tụng trong bốn ngày, nhưng ICJ dự kiến phải mất vài tháng để quyết định liệu có nên ra phán quyết về đề nghị của Tehran hay không. Trong khi một phán quyết cuối cùng cho vụ kiện này có thể mất tới vài năm. Những chính sách và quan điểm cứng rắn mà Mỹ và Iran đáp trả lẫn nhau dự báo dẫn tới một "cuộc chiến pháp lý" dai dẳng và phức tạp. Thực tế, đây chỉ là một trong những động thái cho thấy sự không khoan nhượng giữa hai quốc gia từng có lịch sử đối đầu.

THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/37469502-cuoc-chien-phap-ly.html