Cuộc chiến pháp lý về vấn đề bản quyền sáng chế giữa Qualcomm với Apple

Đầu tuần này, Tòa án Phúc Châu (Trung Quốc) đã ra phán quyết cấm bán 1 loạt điện thoại iPhone trên lãnh thổ nước này liên quan đến vụ tranh chấp bản quyền giữa 2 Hãng công nghệ iPhone và Qualcomm kéo dài dai dẳng từ năm 2017 tới nay. Phán quyết mới này của tòa án Trung Quốc đã khiến không ít người ngạc nhiên.

Tòa án tại Phúc Châu đã nghiêng về phía Qualcomm và phán quyết rằng Apple đã vi phạm 2 bằng sáng chế của hãng sản xuất chip di động lớn nhất toàn cầu liên quan đến ứng dụng thay đổi kích thước hình ảnh và quản lý ứng dụng trên màn hình cảm ứng. Với quyết định mới nhất của Tòa án Trung Quốc về việc cấm nhập khẩu 7 dòng iPhone từ iPhone 6s đến iPhone X, Qualcomm đang có được lợi thế trong cuộc chiến pháp lý về vấn đề bản quyền sáng chế với Apple.

Phán quyết bất ngờ của Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những thị trường chính của Apple. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, số iPhone bán ra tại Trung Quốc chiếm tới 18% tổng lượng iPhone bán ra trên toàn thế giới. Phán quyết trên được công bố vào ngày 10-12, tuy nhiên, theo CNN, nó đã có hiệu lực từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, trên trang web chính thức của hãng tại Trung Quốc, Apple cho hay vẫn sẽ tiếp tục bán những mẫu iPhone 6s đến iPhone X hiện đang có sẵn tại thị trường nước này trong thời gian đợi kháng cáo. Tuy nhiên, lệnh cấm bán mới không áp dụng cho những phiên bản iPhone 2018 và chúng vẫn đang được bán bình thường.

Apple cho rằng, Qualcomm đã tính phí sử dụng công nghệ quá cao, vi phạm pháp luật, do vậy họ đã ngừng trả tiền bản quyền cho Qualcomm. Cụ thể, Qualcomm muốn thu phí dựa trên giá của thiết bị do đối tác bán ra, nhưng Apple cho rằng họ chỉ nên thu phí dựa trên mức giá của linh kiện sử dụng công nghệ. Sự chênh lệch giữa hai cách tính có thể lên tới vài trăm USD cho mỗi thiết bị.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đưa ra phán quyết có lợi cho Qualcomm. Ngoài Trung Quốc, Qualcomm đang theo đuổi vụ kiện tại Munich và Mannheim, Đức, cũng như Ủy ban Thương mại Quốc tế tại Washington. Nếu thành công, Qualcomm có thể khiến iPhone bị cấm hoặc dừng bán ở những thành phố này.

Hồi tháng 9, thẩm phán tòa thương mại tại Mỹ xác định Apple vi phạm bản quyền, nhưng từ chối yêu cầu cấm bán iPhone của Qualcomm. Quyết định mới nhất của phía Trung Quốc đã gây “sốc” khi không ít người cho rằng tòa án sẽ phản đối lời đề nghị cấm bán iPhone từ phía Qualcomm. Không thể khẳng định rằng phán quyết này có phải một “đòn” chính trị hay không, khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở mức đỉnh điểm căng thẳng của cuộc chiến thương mại, công nghệ bây giờ cũng là một lĩnh vực cạnh tranh đặc biệt của 2 quốc gia này.

Hơn thế, vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của Hãng Huawei Mạnh Vãn Châu dường như “đổ thêm dầu” vào cuộc chiến nảy lửa giữa 2 cường quốc, đặc biệt sự việc trên xảy ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đạt được một thỏa thuận thương mại kéo dài 90 ngày, trong khi tìm kiếm một hiệp ước chung mang tính lâu dài.

Cuộc chiến pháp lý dai dẳng

Cả hai công ty công nghệ iPhone và Qualcomm đều đang đâm đơn kiện lẫn nhau tại các tòa án trên thế giới. Mỗi bên đều đã giành được một số thắng lợi nhất định, tuy nhiên con số thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ USD. Những tranh chấp ban đầu của Apple và Qualcomm đã bắt đầu từ năm 2014 nhưng phải tới năm 2017, cuộc chiến pháp lý giữa 2 bên mới thật sự bắt đầu.

Cuộc tranh chấp giữa Apple và Qualcomm bắt đầu từ năm 2017, khi Apple bất ngờ đâm đơn kiện công ty sản xuất chip, cho rằng Qualcomm chưa trả phí độc quyền khi đưa chip của mình vào điện thoại iPhone. Trước đó, Qualcomm đã bị Ủy ban Thương mại Mỹ FTC cáo buộc vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh khi “mua chuộc” các công ty điện thoại, đặc biệt là Apple, dùng độc quyền chip của mình.

Qualcomm và Apple được cho là đã có những thỏa thuận riêng, trong đó có điều khoản rằng nếu Apple sử dụng độc quyền modem không dây của Qualcomm thì sẽ được giảm giá cho chi phí liên quan tới giấy phép sở hữu trí tuệ. Qualcomm hiện nắm giữ nhiều bằng sáng chế về công nghệ di động.

Tuy nhiên, trong đơn kiện, Apple cho biết hãng sản xuất chip đã từ chối trả tiền sau khi Apple có cuộc thảo luận với KFTC, cơ quan chống độc quyền của Hàn Quốc. Tới tháng 1-2018, sau một thời gian điều tra, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra phán quyết yêu cầu Qualcomm bồi thường cho Apple 1,2 tỷ USD.

Tiếp đó, 2 công ty công nghệ lại tiếp tục kiện liên quan tới vấn đề tranh chấp bằng sáng chế riêng biệt. Qualcomm cũng từng yêu cầu tòa án liên bang Hoa Kỳ cấm bán điện thoại iPhone trong một vụ kiện. Tới khoảng tháng 6-2018, một thẩm phán trong Ủy ban Thương mại Quốc tế đã tìm được bằng chứng cho rằng Apple đã vi phạm nghiêm trọng quyền bản quyền liên quan với công nghệ tiết kiệm pin của Qualcomm. Sau đó, Apple đã ngừng sử dụng chip của Qualcomm cho các sản phẩm iPhone của mình, thay vào đó, hãng đã hợp tác cùng với Intel.

Tới tháng 9-2018, Qualcomm tiếp tục đệ trình lên tòa án Tối cao ở San Diego (Mỹ), cáo buộc Apple trao các bí mật về chip của Qualcomm cho Intel để gia tăng hiệu năng của chip Intel trang bị trên iPhone. Cho dù Qualcomm không cung cấp bằng chứng nào, nhưng đã chỉ ra các đoạn trao đổi giữa kỹ sư của Apple và Intel đã được phát hiện ra trong quá trình điều tra.

Apple đã không còn sử dụng các loại chip mạng của Qualcomm trên iPhone mà chuyển sang đối tác Intel

Khả năng làm hòa?

Sau khi Tòa án Trung Quốc đưa ra phán quyết ngày 10-12, nhiều người cho rằng đã đến lúc Apple và Qualcomm nên ngồi lại đàm phán với nhau. Để được tòa án rút lệnh cấm bán, Apple có 2 sự lựa chọn: Hoặc đạt được thỏa thuận với Qualcomm, hoặc tiếp tục theo đuổi cuộc chiến pháp lý. Trước đây, năm 2011, Motorola Mobility từng thắng kiện Apple, dẫn tới lệnh cấm bán iPhone và iPad tại Đức. Tuy nhiên Apple đã kháng cáo, và ở phiên tòa tiếp theo đã thắng kiện để tòa phải hủy quyết định trên.

Còn về phía Qualcomm, chắc chắn họ cũng muốn kết thúc sớm vụ tranh chấp với Apple. Tiền bản quyền là khoản thu lớn nhất của hãng này. Cho rằng mức phí Qualcomm đòi hỏi là vô lý, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp dừng trả tiền cho Qualcomm. Con số thiệt hại của Qualcomm ước tính từ 2,5 đến 4,5 tỷ USD, theo thống kê của Larson.

Sau khi hai công ty tranh chấp, Apple đã không còn sử dụng các loại chip mạng của Qualcomm trên iPhone mà chuyển sang đối tác khác là Intel. Việc mất một khách hàng lớn, có doanh số hàng triệu máy mỗi năm có thể gây ảnh hưởng mạnh tới doanh số của Qualcomm.

Quyết định mới nhất của phía Trung Quốc đã gây “sốc” khi không ít người cho rằng tòa án sẽ phản đối lời đề nghị cấm bán iPhone từ phía Qualcomm. Không thể khẳng định rằng phán quyết này có phải một “đòn” chính trị hay không, khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở mức đỉnh điểm căng thẳng của cuộc chiến thương mại, công nghệ bây giờ cũng là một lĩnh vực cạnh tranh đặc biệt của 2 quốc gia này.

Minh Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/cuoc-chien-phap-ly-ve-van-de-ban-quyen-sang-che-giua-qualcomm-voi-apple/793431.antd