Cuộc chiến Oscar tranh Đạo diễn xuất sắc: Ai thua cuộc đều tiếc nuối

Tờ Vanity Fair khẳng định hạng mục Đạo diễn xuất sắc ở Oscar năm nay đặc biệt vì không chỉ thể hiện sự đa dạng về giới tính, màu da mà cả 5 người đều rất xứng đáng được vinh danh.

Trong cuộc đua đến Oscar lần thứ 90, khi hai đạo diễn Jordan Peele (Get Out) và Greta Gerwig (Lady Bird) không nhận được đề cử Quả cầu vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất đã làm dấy lên làn sóng phản đối.

Điều này đã châm ngòi cho những lời chỉ trích khi cho rằng Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood không công bằng, có thành kiến và thiếu sự ghi nhận đối với các nhà làm phim nữ và da màu.

Bởi thế, sau khi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ công bố danh sách đề cử của Oscar năm 2018, hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất đã làm thỏa mãn mọi luồng quan điểm.

Từ giới phê bình đến công chúng đều gật gù đồng ý với tính công bằng, khách quan của danh sách gồm 5 đạo diễn, đại diện 5 dòng phim và thể loại phim hoàn toàn khác nhau. Ghi nhận tính khác biệt, đa dạng cùng sự cống hiến của mỗi đạo diễn vào nền điện ảnh trong năm qua là điều mà Oscar lần thứ 90 đã làm được.

5 đạo diễn xuất sắc nhất năm 2017 do Viện Hàn Lâm bình chọn. Ảnh: EW.

Chính vì không có bất kỳ sự tranh cãi hay thiếu thuyết phục nào từ danh sách đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất năm nay nên dù ai trong số 5 người chiến thắng đều xứng đáng, và bất kỳ ai thua cuộc đều đem lại sự tiếc nuối cho công chúng yêu điện ảnh.

Cây bút phê bình Richard Lawson khẳng định hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất ở Oscar năm nay thật đặc biệt. Bởi lẽ, mỗi đạo diễn đều tài năng và có cái tôi khác biệt trong cách làm phim và để lại dấu ấn mạnh mẽ qua tác phẩm của mình. Quan trọng hơn hết là chưa ai trong số 5 đạo diễn này từng chạm tay vào tượng vàng Oscar hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.

Trước thềm lễ trao giải Oscar diễn ra vào ngày 4/3 (giờ địa phương Mỹ) sắp tới, tờ Vanity Fair phân tích rõ hơn vào những gì mà mỗi đạo diễn làm được để chứng tỏ mình xứng đáng góp mặt trong danh sách đề cử.

Chritopher Nolan - Dunkirk

Christopher Nolan có 20 năm trong nghề, tạo nên 10 bộ phim điện ảnh đình đám, trong đó có 3 tác phẩm nằm trong danh sách 100 bộ phim vĩ đại nhất thế kỷ 21, 8 phim có tổng doanh thu vượt ngưỡng 3 tỷ USD. Trong đó, Inception sở hữu 8 đề cử Oscar, nhận 4 giải, Memento với 2 đề cử Oscar.

Nolan là một trong số ít đạo diễn có thể cân bằng được tính thương mại và tính nghệ thuật. Anh có thể cảm hóa khán giả và giới chuyên môn một cách dễ dàng.

Từ một đạo diễn chưa từng qua bất kỳ lớp đào tạo đạo diễn nào, khởi đầu sự nghiệp với bộ phim độc lập Following (1998), Christopher Nolan bắt đầu được chú ý với tác phẩm tâm lý lắt léo Memento (2000), mở đầu ra một thương hiệu đạo diễn chuyên làm phim đánh đố trí não người xem.

Ông cũng là người gầy dựng lại và định hướng thay đổi quan điểm của công chúng về dòng phim siêu anh hùng, vốn chỉ có đánh đấm cùng cốt truyện đơn giản, nhân vật nhạt nhòa.

Christopher Nolan có sự đột phá về công nghệ và cách kể chuyện trong Dunkirk.

Với những siêu phẩm khoa học viễn tưởng như Inception hay Interstellar, Christopher Nolan- người nổi tiếng là vị đạo diễn cầu toàn bậc nhất Hollywood đã đem đến những chuẩn mực và trải nghiệm điện ảnh mới mẻ cho người xem, bên cạnh những câu chuyện siêu thực, khoa học viễn tưởng.

Với tác phẩm thứ 10, bộ phim sử thi Dunkirk mang phong cách kể chuyện ấn tượng cùng những bước đột phá về công nghệ hình ảnh và âm thanh, liệu có đủ đem lại đề cử và thậm chí là chiến thắng cho Christopher Nolan?

Jordan Peele - Get Out

Trong số 5 đạo diễn được đề cử, có lẽ cái tên Jordan Peele để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Bởi đây là bộ phim đầu tay của một đạo diễn trẻ da màu xuất thân từ danh hài, và tác phẩm anh đem đến Oscar lại là một bộ phim kinh dị, chủ đề hiếm hoi được Viện Hàn Lâm đánh giá cao.

Trong lúc dòng phim kinh dị đang đi vào lối mòn, đạo diễn trẻ Jordan Peele đã thổi luồng gió mới tới cho khán giả bằng tác phẩm kinh dị thuộc hàng xuất sắc mang tên Get Out.

Xuất thân từ làng hài và từng “gây bão” với show hài Key & Peele, Jordan Peele được biết đến như một diễn viên tài năng, đồng thời cũng là một nhà phê bình phim ảnh có tiếng với giọng điệu hóm hỉnh, duyên dáng.

Lần đầu tiên ngồi ghế đạo diễn một tác phẩm điện ảnh, anh đã thành công xuất sắc từ doanh thu đến hàng loạt các giải thưởng danh giá. Điều mà Jordan Peele được giới phê bình ghi nhận và tán thưởng là tính châm biếm sâu cay về thực trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ thông qua những chi tiết ấn tượng.

Jordan Peele tiên phong trong xu hướng làm phim kinh dị mang yếu tố châm biến nạn phân biệt chủng tộc ở Hollywood.

Đạo diễn 38 tuổi người Mỹ gốc Phi cho biết: “Ý tưởng này đến với tôi từ mong muốn cống hiến gì đó cho dòng phim kinh dị, ly kỳ theo cách độc đáo của riêng tôi.

Đây là một bộ phim phản ánh những nỗi sợ có thật về cách nước Mỹ đối xử với vấn đề phân biệt chủng tộc. Và ý tưởng rằng chính sự kỳ thị chủng tộc là một con ác quỷ."

Dù là bộ phim đầu tay nhưng Jordan Peele đã đi tiên phong cho dòng phim kinh dị châm biếm sâu cay ở Hollywood. Không chỉ vậy, anh còn gửi đi “bức tâm thư” hùng hồn về sự phân biệt chủng tộc đang bị ngụy trang, che đậy bởi những giá trị giả dối mà nhiều người da trắng dựng lên.

Greta Gerwig - Lady Bird

Greta Gerwig từng tham gia diễn xuất vào 25 bộ phim, đồng biên kịch cho 5 dự án phim nhưng Lady Bird mới là tác phẩm điện ảnh đầu tiên mà cô đảm nhận với tư cách đạo diễn.

Cô đồng thời cũng là tác giả kịch bản của phim. Gerwig thực tế đã là gương mặt quen thuộc trong dòng phim độc lập của điện ảnh Mỹ trong suốt gần một thập kỷ qua. Mỹ nhân 34 tuổi nổi tiếng qua những bộ phim của đạo diễn Noah Baumbach như Greenberg (2010), Frances Ha (2012) hay Mistress America (2015).

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực diễn xuất, Greta Gerwig còn góp công lớn vào chất hài hước vừa đời thường, vừa độc đáo của chính Frances Ha và Mistress Americatrong vai trò đồng biên kịch.

Mỹ nhân phim độc lập Greta Gerwig biến câu chuyện của chính mình trở thành một tác phẩm sống động và chân thực Lady Bird.

Chính vì Lady Bird lấy cảm hứng từ chính tuổi trẻ ẩm ương, nổi loạn của Greta Gerwig nên bộ phim đầy sống động từ đầu đến cuối với đủ mọi trạng thái cảm xúc: vui buồn, tức giận, nực cười và hoài niệm. Tất cả được đặc tả một cách gần gũi, tự nhiên và không hề khiên cưỡng.

Chỉ với 93 phút, Greta Gerwig đã tạo nên một câu chuyện tuổi thiếu niên mà bất kỳ ai xem phim gần như đều thấy mình trong đó. Nét tinh tế và chân thật của Lady Bird đã góp phần đưa Greta Gerwig trở thành người phụ nữ thứ năm nhận được đề cử Oscar cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất trong vòng 90 năm qua.

Nếu vào ngày 4/3 tới, Greta Gerwig giành chiến thắng, cô sẽ là nữ đạo diễn thứ hai trong lịch sử nâng cao tượng vàng Oscar trên tay sau Kathryn Bigelow với The Hurt Locker năm 2010.

Paul Thomas Anderson - Phantom Thread

Là ứng cử viên đến muộn, ít tiếng tăm và không được kỳ vọng mấy tại cuộc đua năm nay, thế nhưng Phantom Thread lại được xem là "chú ngựa ô" của Oscar năm nay khi bất ngờ giành được 6 đề cử ở các hạng mục quan trọng.

Trong lúc điện ảnh thế giới dần đeo đuổi những chủ đề vĩ mô hoặc phản ánh những vấn đề nhức nhối, bản chất của xã hội thì Anderson lại chọn cách quay về chủ đề tình yêu nhẹ nhàng trong một bối cảnh năm 1950, dẫn dắt khán giả vào thế giới thời trang của một xưởng may nhỏ ở Anh.

Phantom Thread không phải bộ phim quá đỉnh cao của đạo diễn đại tài Paul Thomas Anderson, một trong những nhà làm phim sở hữu phong cách riêng biệt bậc nhất của Hollywood đương đại. Nhưng đây là bộ phim đẹp đẽ, và nhẹ nhàng nhất của Anderson trong nhiều năm qua.

Paul Thomas Anderson tạo nên tác phẩm nhẹ nhàng nhưng đầy tinh tế xen kẽ giữa tình yêu và thời trang.

Trong thế hệ đạo diễn cùng thời ở Hollywood, khó ai có thể vượt qua Paul Thomas Anderson về khía cạnh phân tích tâm lý nhân vật. Anh luôn khiến khán giả rung động vì cách ông bóc tách từng lớp tâm hồn mỗi nhân vật, gợi mở cho người xem những bi kịch trong con tim họ.

Vị đạo diễn 47 tuổi người Mỹ là người sở hữu những bộ phim vĩ đại. Tài năng của Anderson được chú ý từ Boogie Nights (1997) sau đó là những tác phẩm như Magnolia (1999), phim tình cảm Punch-Drunk -Love (2002), The Master (2012).

Đặc biệt nhất tác phẩm kinh điển There Will Be Blood (2007), từng được tờ New York Times vinh danh là bộ phim điện ảnh xuất sắc nhất thế kỷ 21. Nặng nề và khốc liệt, bộ phim nhận 8 đề cử Oscar và chiến thắng ở 2 hạng mục.

Giành giải đạo diễn ở Liên hoan phim Cannes, Venice và Toronto nhưng Paul Thomas Anderson lại chưa từng chạm tay tượng vàng. Sau những thước phim khốc liệt, mang tầm ảnh hưởng lớn thì liệu một bộ phim tinh tế giữa tình yêu và thời trang có giúp anh đạt được giải thưởng Oscar lần đầu tiên hay không?

Guillermo del Toro - The Shape of Water

Trước khi có được 13 đề cử Oscar với bộ phim The Shape of Water, đạo diễn Guillermo del Toro cũng đã đoạt giải Đạo xuất sắc nhất tại giải thưởng tiền Oscar GDA (Directors Guild of America Awards) do Hiệp hội Đạo diễn Mỹ bình chọn.

Cùng với Alejandro G. Inã́rritu và Alfonso Cuarón, Guillermo del Toro là ba tên tuổi thành công nhất của điện ảnh Mexico ở Mỹ. Ông có một sự nghiệp điện ảnh đa dạng với rất nhiều thể loại từ phim độc lập kinh phí thấp đến phim bom tấn.

Guillermo del Toro mang trong mình một tình yêu lớn dành cho những loài quái vật, để rồi biến chúng trở thành những bộ phim giả tưởng, có sức nặng thay vì dòng phim kinh dị thông thường như Hellboy, Pan's Labyrinth.

Guillermo del Toro tạo nên một vũ trụ quái vật độc đáo và mang đậm tính nghệ thuật.

Điểm đặc biệt chung trong hầu hết dự án của ông chính là chủ đề xuyên suốt: những câu chuyện cổ tích hiện đại mang màu sắc kinh dị phản ánh xã hội hiện thực.

Sau nhiều tranh cãi quanh bộ phim kinh dị Crimson Peak, một số khán giả lo sợ Guillermo Del Toro đang thiên dần vào những dự án bom tấn mang tính giải trí cao phục vụ cho thị hiếu khán giả để sinh lời cho nhà sản xuất nhiều hơn là những câu chuyện thần thoại kinh dị được đầu tư kỹ lưỡng ở mọi mặt.

Tuy nhiên, The Shape of Water với 13 đề cử Oscar đã hoàn toàn chứng minh tài năng của ông vẫn thuộc hàng đỉnh cao sau nhiều thập kỉ làm phim. Ở đó, khán giả nhìn thấy chiều sâu của một câu chuyện mang đậm chất nhân bản, và nổi bật là tình yêu đẹp đẽ từ sâu bên trong mỗi tâm hồn, vượt trên sự khác biệt về giống loài.

Dù có nhiều yếu tố bạo lực nhưng đây lại là một tác phẩm đẹp và giàu chất thơ hơn bất cứ bộ phim nào trước đó của del Toro. Guillermo del Toro cùng với “vũ trụ” quái vật của riêng mình liệu có thể lập nên kỳ tích ở mùa giải Oscar năm nay?

Phương Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-chien-oscar-tranh-dao-dien-xuat-sac-ai-thua-cuoc-deu-tiec-nuoi-post822424.html