Cuộc chiến ở lộ Vòng Cung

TP Cần Thơ (tỉnh Cần Thơ trước đây) là nơi tập trung các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự mạnh của quân đội Mỹ và ngụy quân Sài Gòn, như: Vùng 4 chiến thuật, quân đoàn 4, trung tâm chỉ huy các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…

Tại chiến trường Cần Thơ, địch chọn lộ Vòng Cung là con đường án ngữ vòng ngoài, là vành đai để bảo vệ TP Cần Thơ. Chỉ tính riêng tuyến lộ Vòng Cung, địch đóng trên 100 đồn, bốt và sử dụng không quân, pháo binh đánh phá ác liệt; thậm chí rải chất độc hóa học, biến vùng này thành “vành đai trắng”.

Đối với ta, Khu ủy Khu 9 và Tỉnh ủy Cần Thơ cũng chọn lộ Vòng Cung làm nơi tập kết lực lượng, làm bàn đạp tấn công vào TP Cần Thơ và các khu vực quân sự của đế quốc Mỹ. Vì vậy, lộ Vòng Cung là con đường tranh chấp ác liệt nhất giữa ta và địch, không chỉ của tỉnh Cần Thơ mà của cả vùng Tây Nam Bộ.

 Bộ đội Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông Cần Thơ tiến vào đánh chiếm TP Cần Thơ trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Bộ đội Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông Cần Thơ tiến vào đánh chiếm TP Cần Thơ trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đầu tháng 1-1968, Thành ủy Cần Thơ phân công cán bộ vào nội đô nghiên cứu, nắm tình hình. Các cán bộ đội biệt động được đưa vào nội đô để nắm địa bàn, đi thực địa các căn cứ quân sự của Mỹ, vẽ sơ đồ các căn cứ địch, xác định hướng và đường đi để làm nhiệm vụ dẫn đường cho LLVT ta tiến vào thành phố, đánh các mục tiêu đã định trước trong nội thành.

Theo kế hoạch đã định, chiều 29-1-1968 (tức 30 Tết), các cánh quân triển khai thần tốc vượt lộ Vòng Cung bằng nhiều hướng: Rạch Sung, Xà No và Trường Tiền tiến vào chiếm lĩnh các vị trí xuất kích. 0 giờ ngày 30-1 (tức Giao thừa Tết Mậu Thân), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy và Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Cần Thơ, quân ta đã triển khai kế hoạch tấn công vào TP Cần Thơ theo 4 hướng. Đúng 3 giờ ngày 31-1-1968 (rạng sáng Mồng Hai Tết), Đội biệt động TP Cần Thơ kết hợp với Đại đội 20 (Tiểu đoàn Tây Đô) đánh vào đơn vị cảnh sát dã chiến ở cầu Đầu Sấu, mở đường cho Tiểu đoàn Tây Đô tấn công theo kế hoạch đã định. Các mũi của Tiểu đoàn Tây Đô phối hợp với LLVT tại chỗ đánh vào tòa lãnh sự Mỹ, cơ quan tình báo Mỹ, tiểu khu Phong Dinh, nhà của tư lệnh vùng IV chiến thuật, trại Phan Bội Châu, hậu cứ của liên đoàn 67 truyền tin vùng IV chiến thuật, sân bay Lộ Tẻ… Rạng sáng 6-2-1968, Tiểu đoàn Tây Đô và các LLVT ta tiến công, bao vây bức hàng, bức rút hầu hết các đồn bốt địch trên tuyến lộ Vòng Cung và lộ Sóng Lươn tới đồn Rạch Cam, giải phóng một số xã, ấp trong và ngoài lộ Vòng Cung...

Bị tiến công bất ngờ vào đầu não và một số trung tâm căn cứ quân sự, địch hốt hoảng, điên cuồng phản kích. Trước sức ép của ta, ngày 8-2-1968, Mỹ điều động cấp tốc lữ đoàn 2 của sư đoàn 9 bộ binh đến tăng viện và cùng với sư đoàn 21, các tiểu đoàn biệt động quân số 42, 43, 44 của địch tổ chức phản kích ta quyết liệt ở các xã thuộc huyện Châu Thành, Ô Môn, ác liệt nhất là địa bàn lộ Vòng Cung, cửa ngõ vào TP Cần Thơ. Địch lần đầu tiên dùng máy bay B-52 ném bom rải thảm trong và ngoài lộ Vòng Cung, đưa Vòng Cung trở thành “vùng trắng”. Sau những ngày chiến đấu ác liệt, ta tạm thời rút lui và trụ lại ở vùng ven theo lộ Vòng Cung để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho các đợt tấn công tiếp theo.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ đã gây cho Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bất ngờ, hoang mang và bị thiệt hại nặng. Thắng lợi của quân và dân tỉnh Cần Thơ, TP Cần Thơ đã góp phần cùng quân và dân miền Nam tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; làm thất bại hoàn toàn chiến lược Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

HOÀNG HỒNG PHƯƠNG (theo tài liệu của Thành ủy Cần Thơ)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50nam-tong-tien-cong-va-noi-day-xuan-mau-than1968/tu-lieu-hien-vat/cuoc-chien-o-lo-vong-cung-532777