Cuộc chiến Mỹ - Iran chỉ một chút nữa là khai hỏa

Cựu đại sứ Việt Nam tại Iran nhận định chính sách của Mỹ đối với Iran có thể nói là cứng rắn nhất từ trước tới nay nhưng chiến tranh không phải là vấn đề dễ dàng quyết định.

Mỹ đã suýt tiến hành không kích nhằm vào Iran sau khi Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ tại khu vực eo biển Hormuz hôm 20/6. Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã hủy kế hoạch tấn công "10 phút" trước giờ dự kiến diễn ra.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran không mới nhưng những diễn biến lần này khiến nhiều người lo sợ nguy cơ xảy ra một cuộc chiến Vùng Vịnh mới. Zing.vn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Thạch, Tổng biên tập Tạp chí Đối ngoại - Ban Đối ngoại Trung ương, nguyên đại sứ Việt Nam tại Iran, kiêm nhiệm Iraq và Syria (nhiệm kỳ 2014-2018).

Vẫn còn những chính trị gia tỉnh táo bên cạnh ông Trump

- Ông đánh giá như thế nào về sự leo thang căng thẳng lần này giữa Mỹ và Iran so với những lần trước?

- Căng thẳng Mỹ - Iran đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Chỉ còn một chút nữa, nếu như ông Trump không rút lại quyết định, là cuộc chiến đã được khai hỏa. Đây sẽ là ví dụ rất điển hình của căng thẳng nếu được đẩy lên có lúc sẽ đến điểm “không thể kiểm soát nổi” và căng thẳng sẽ chuyển sang chiến tranh.

Ông Nguyễn Hồng Thạch, nguyên đại sứ Việt Nam tại Iran. Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Hồng Thạch, nguyên đại sứ Việt Nam tại Iran. Ảnh: NVCC.

- Tổng thống Trump nói ông hủy kế hoạch tấn công sau khi nghe cuộc không kích có thể khiến 150 người chết. Vị tổng thống này vốn nổi tiếng với những quyết định bất ngờ, thậm chí bốc đồng, liệu lần này có tác động nào khác?

- Chúng ta đều không thể nói chắc điều gì vì đó là thông tin mật, nhưng cũng có thể các chuyên gia quân sự và ngoại giao của Mỹ đã thuyết phục tổng thống không thực hiện kế hoạch này. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mattis cũng đã chia sẻ trước đây rằng ông đã từng cố tình làm trái lệnh của tổng thống, không đẩy quan hệ với Iran đến bờ vực chiến tranh.

Chúng ta đã chứng kiến các bộ trưởng, thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ ra đi vì có quan điểm khác với tổng thống trong vấn đề Iran, nhưng chưa phải là tất cả. Với những vấn đề sống còn, chiến tranh hay hòa bình, vẫn còn những chính trị gia tỉnh táo để góp ý với ông Trump.

- Mỹ trước nay tuy nhiều lần cáo buộc Iran là mối đe dọa tại khu vực nhưng chưa từng đưa ra bằng chứng cụ thể. Vụ bắn rơi máy bay lần này thì chính Iran thừa nhận họ làm. Liệu đây có thể là cái cớ hoàn hảo để Mỹ tấn công?

- Thực ra thì Mỹ cố gắng đưa ra bằng chứng nhưng chưa tìm được bằng chứng thuyết phục. Bằng chứng mà Mỹ tuyên truyền nhiều nhất là mảnh tên lửa được lực lượng Houthi bắn sang Saudi Arabia. Mỹ cho triển lãm tại Washington và mời các nhà ngoại giao quốc tế đến, nhưng Iran vẫn khẳng định đó không phải là tên lửa Iran sản xuất.

Lần này phía Mỹ khẳng định là máy bay không người lái của Mỹ bay trong không phận quốc tế tại eo biển Hormuz, nhưng phía Iran tố cáo máy bay đi vào không phận Iran và là hành động xâm phạm lãnh thổ Iran. Cái này chắc Mỹ khó có bằng chứng chứng minh Iran sai.

Ngay sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964, Mỹ vin vào cớ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn công tàu chiến Mỹ ở vịnh Bắc Bộ, nhưng sau này cái cớ đó cũng được chứng minh là ngụy tạo. Đối với các sự kiện như thế này, cần phải có đầu óc tỉnh táo để phân tích đánh giá, tránh bị kéo vào một cuộc chiến vì những chứng cứ chưa rõ ràng.

Mỹ và Iran tuyên bố khác nhau về vị trí máy bay Mỹ bị Iran bắn hạ. Đồ họa: NYT.

Tình hình đang trên bờ vực chiến tranh

- Về phản ứng của Iran cho tới nay, ông đánh giá thế nào? Liệu họ có định leo thang thành chiến tranh?

- Tôi không nghĩ Iran muốn chiến tranh vì họ sẽ không được gì cả. Trong chính trị có phái này phái kia, đôi khi lợi dụng mâu thuẫn bên ngoài để củng cố địa vị bên trong, nhưng tôi không cho rằng lý thuyết đó đúng trong trường hợp Iran ở thời điểm này.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm cá nhân, tôi hiểu người Iran rất kiên quyết trong bảo vệ an ninh chủ quyền của mình. Họ sẽ không ngại phải chấp nhận chiến tranh ngay cả với Mỹ.

- Có ý kiến nói mâu thuẫn giữa Đại giáo chủ Ayatollah Khamenei cùng lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vốn có quan điểm "diều hâu", với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, một người ôn hòa hơn, trong việc xử lý quan hệ với Mỹ?

- Có các lực lượng chính trị khác nhau tại Iran nhưng không có lực lượng nào muốn đẩy đất nước vào chiến tranh để chiếm vị trí chính trị trong nước. Họ có thể khác nhau về cách giải quyết, cứng rắn hay mềm dẻo. Trong hệ thống chính trị Iran, Khamenei vẫn là lãnh tụ tối cao.

Đại giáo chủ Ayatollah Khamenei (trái), lãnh tụ tối cao của Iran, với Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP.

- Khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran là cao hay thấp, theo phân tích của ông?

- Chúng ta thấy tình hình đang trên bờ vực chiến tranh. Đôi khi chiến tranh có thể bùng nổ vì quyết định của một cá nhân, nên trả lời có hay không có chiến tranh lúc này thật sự là khó.

Chỉ có thể nói lợi ích của các bên là duy trì hòa bình. Chiến tranh sẽ không có người thắng. Tên lửa Mỹ sẽ san phẳng nhiều căn cứ của Iran, nhưng tên lửa Iran không phải không thể gây phương hại cho căn cứ của Mỹ ở khu vực và đồng minh của Mỹ. Đó chính là lý do mà đến giờ này các bên vẫn tránh một cuộc chiến.

Tuy nhiên, khó có ai có thể nói không thể xảy ra chiến tranh khi chỉ còn một chút nữa thôi chúng ta đã chứng kiến cuộc chiến Vùng Vịnh mới. Tôi vẫn tin là các chính trị gia còn đủ tỉnh táo để tránh cho khu vực một cuộc chiến mới. Các nỗ lực hòa bình sẽ được tiếp tục. Việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhận làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran là một trong những tín hiệu tốt cho khu vực. Mặc dù hiếm hoi nhưng khả năng thỏa hiệp giải quyết vấn đề đã bắt đầu le lói.

- Có ý kiến nói đáp trả Iran là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh Mỹ cần thể hiện sức mạnh tại khu vực, sau khi bị đánh giá là thất bại trong tranh giành ảnh hưởng tại chiến trường Syria trước Nga và Iran?

- Phái diều hâu bao giờ cũng muốn dùng chiến tranh để thay đổi cục diện, lấy lại những gì đã mất. Thế nhưng, những gì không lấy được bằng cuộc chiến tranh trước không dễ lấy lại bằng cuộc chiến tranh sau. Thực tế quan hệ quốc tế cho thấy nhiều khi người ta lại thắng lại trong hòa bình hơn là thắng trong cuộc chiến tranh mới. Như thế không nhất thiết chỉ có một cách để lấy lại vị thế đã mất tại Syria.

Chính sách cứng rắn chưa từng thấy

- Quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ vừa từ chức và Lầu Năm Góc đang không có người lãnh đạo chính thức. Liệu điều này có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ tại Iran, khi phe diều hâu tại Washington đang gia tăng ảnh hưởng?

- Chính sách của Mỹ đối với Iran có thể nói là cứng rắn nhất từ trước tới nay. Chính sách này không do Bộ Quốc phòng Mỹ mà do Nhà Trắng quyết định. Trong chính quyền của ông Trump, chính sách do chính ông quyết định. Nhiều khi ông quyết định xong rồi các bộ trưởng mới biết và có ý kiến.

Phe diều hâu trong chính quyền càng ngày càng có tiếng nói sau khi các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng có tiếng nói ôn hòa hơn lần lượt ra đi. Tuy nhiên, chiến tranh và hòa bình không phải là dễ dàng quyết định. Đây là vấn đề sinh tử của đất nước. Kéo đất nước vào một cuộc tấn công thì đơn giản, nhưng vào cuộc chiến thì khác. Tổng thống Johnson đã từng phải từ chức vì kéo nước Mỹ vào chiến tranh. Có là diều hâu cũng phải tính đến bài toán cuối cùng này của chính trị.

Tổng thống Donald Trump cùng các cấp dưới đứng sau: Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (trái) và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ảnh: AP.

- Căng thẳng lần này có thể xem là xuất phát từ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 từ tháng 5/2018, tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Tehran. Ông nhận định như thế nào về bước đi này của chính quyền Trump?

- Ông Trump có quan điểm phê phán thỏa thuận ngay từ khi còn là ứng cử viên tổng thống và quyết liệt thực hiện kế hoạch này ngay từ ngày đầu nhậm chức. Song cũng như cuộc tấn công dự kiến lần này, nhiều chính trị gia Mỹ và đồng minh của Mỹ khuyên ngăn. Tổng thống Trump lùi quyết định nhiều lần và cuối cùng vẫn thực hiện lời cam kết rút khỏi thỏa thuận. Như vậy, đây là đánh giá của ông Trump và các cộng sự gần gũi nhất. Một số cho rằng đó là những thành viên trong gia đình của tổng thống.

Nếu nhìn lại chính sách của Tổng thống Trump, có thể thấy ông xóa hết tất cả các thỏa thuận do người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Obama, cam kết. Từ thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA) đến vấn đề Trái Đất nóng lên, đến thỏa thuận hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rồi chương trình y tế Obama (Obamacare)... Dường như có một điều gì đó rất cá nhân. Cứ những gì ông Obama làm là sẽ bị hủy.

- Cục diện hiện nay tại Trung Đông có gì khác so với thời Obama?

- Cục diện khu vực so với thời Tổng thống Obama có thể nói là có phần có lợi hơn cho Iran khi nội chiến tại Syria kết thúc, vị thế của Tổng thống Assad, đồng minh của Iran, được khẳng định. Việc Mỹ thay đổi chính sách như chuyển đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel tại cao nguyên Golan, bán vũ khí cho Saudi Arabia…. chỉ làm tình hình căng thẳng lên như chúng ta thấy, chứ không làm cục diện thay đổi.

Có thể nói chính cục diện thay đổi có lợi cho Iran lại làm gia tăng những nỗ lực chống lại Iran như chúng ta thấy. Song những nỗ lực này cũng khó làm thay đổi được cục diện. Cục diện được hình thành sau các cuộc chiến và khi ai đó không chấp nhận cục diện sau cuộc chiến, họ hay “xóa bàn cờ chơi lại”, tổ chức một cuộc chiến khác để hòng thay đổi cục diện.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Vũ Mạnh (thực hiện)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-chien-my-iran-chi-mot-chut-nua-la-khai-hoa-post959064.html