Cuộc chiến kim chi

Không chỉ những influencer đình đám mà các học giả nổi tiếng của Hàn Quốc cũng đưa ra luận điểm chứng minh kim chi xuất phát từ xứ củ sâm để phản đối Trung Quốc.

Đầu tháng 12, tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin về việc món đồ chua của nước này được chứng nhận ISO và nói rằng ISO “là tiêu chuẩn quốc tế cho ngành sản xuất kim chi mà Trung Quốc dẫn đầu”.

Tại xứ tỷ dân, món này được gọi là Pao cai, được làm bằng bắp cải, thân cây mù tạt, đậu dài, ớt, cà rốt và gừng.

Việc tờ báo này nhắc đến từ “kim chi” đã khiến người Hàn Quốc cho rằng Trung Quốc đang cố gắng biến kim chi thành của mình, Guardian cho biết.

Món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc biệt phổ biến trong ẩm thực Tứ Xuyên. Do đó, truyền thông Trung Quốc cho rằng kim chi cũng có nguồn gốc từ nước này.

Theo SCMP, hành động này đã khiến Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, truyền thông cũng như cư dân mạng xứ củ sâm phản đối gay gắt.

 Lý Tử Thất bị dân mạng Hàn Quốc chỉ trích khi coi kim chi là của Trung Quốc.

Lý Tử Thất bị dân mạng Hàn Quốc chỉ trích khi coi kim chi là của Trung Quốc.

“Cuộc chiến kim chi” tiếp theo là giữa Hamzy - vlogger người Hàn Quốc - và blogger nổi tiếng Trung Quốc Lý Tử Thất.

Cuối tháng 11/2020, blogger nổi tiếng xứ Trung Lý Tử Thất sử dụng hashtag #ChineseCuisine và #ChineseFood (tạm dịch: Đặc sản Trung Quốc và Ẩm thực Trung Quốc) khi đăng video muối củ cải.

Việc Hamzy "thả like" một bình luận trên mạng ủng hộ quan điểm kim chi xuất phát từ Hàn Quốc đã khiến cộng đồng mạng đất nước tỷ dân phẫn nộ, đến mức cửa hàng trực tuyến ở Trung Quốc phải đóng cửa. Hamzy sau đó đã lên tiếng xin lỗi những người theo dõi ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Lý Tử Thất phải hứng chịu làn sóng chỉ trích ngược lại từ cư dân mạng Hàn Quốc.

Mới đây, cuộc tranh cãi càng kéo dài với bài quảng cáo của học giả Seo Kyoung-duk đăng trên mặt trang New York Times, khẳng định kim chi xuất phát từ Hàn Quốc.

Nhiều tranh cãi nổ ra xoay quanh việc khẳng định xuất xứ của món kim chi.

"Có tài liệu cho rằng món ăn quan trọng trong ẩm thực của Hàn Quốc này có từ cuối thời Tam Quốc (năm 57 TCN đến năm 668 SCN). Mặc dù vậy, một số người coi tài liệu tham khảo này là về quá trình lên men nói chung, bao gồm cả rau lên men", học giả Cho Hong-sik viết trong bài báo “Kim chi và Bản sắc Quốc gia Hàn Quốc", đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc vào tháng 12/2006.

Ông giải thích thêm dù ớt đỏ được du nhập vào Hàn Quốc từ Nhật Bản vào cuối những năm 1500, phải mất 200 năm sau nó mới được sử dụng rộng rãi, còn cải thảo chỉ xuất hiện từ cuối thế kỷ 19.

Trước cải thảo, củ cải là loại rau chính được dùng làm kim chi. Ngày nay có hơn 200 loại, mặc dù kim chi cải thảo được biết đến nhiều nhất bên ngoài Hàn Quốc.

Việc làm kim chi, được gọi là "kimjang", từng là một hoạt động chung của làng và đã được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của Unesco vào năm 2013, được nhiều người coi là cơ sở khẳng định nguồn gốc Hàn Quốc của nó.

Kim chi được coi là một phần không thể thiếu trong văn hóa xứ Hàn. Nó được coi là một “biểu tượng ẩm thực tiêu biểu cho cuộc sống hàng ngày của người Hàn Quốc”.

Kim chi từ lâu đã gắn liền với văn hóa Hàn Quốc.

Song Ha-seul-lam - cựu giám đốc nghiên cứu và phát triển thực phẩm Hàn Quốc tại Mingles, nhà hàng hai sao Michelin ở Seoul, hiện là bếp trưởng của Chợ Mamalee ở Hong Kong - nói: “Người Hàn Quốc thường nói rằng: 'Nếu có kim chi và cơm, bạn có một bữa ăn'. Hai món này đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của người Hàn Quốc suốt nhiều thế kỷ".

"Kim chi đã đi rất sâu vào văn hóa Hàn Quốc, không chỉ giới hạn ở món ăn mà còn là một phong cách sống nói chung", ông nói thêm.

Chính văn hóa này sẽ là cơ sở bảo vệ vững chắc cho quan điểm kim chi xuất phát từ Hàn Quốc.

"Bởi vì kim chi không phải là một món ăn tầm thường, mà là một trong những biểu tượng văn hóa phổ biến nhất của bản sắc dân tộc Hàn Quốc, nên nó có độ nhạy cảm đặc biệt cao khi được đưa lên diễn đàn quốc tế", Cho Hong-sik viết.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chien-kim-chi-post1178517.html