Cuộc chiến không khói súng Nga-Ukraine trên Twitter

Là tâm điểm của truyền thông thế giới, xung đột Nga-Ukraine cũng trở thành chủ đề bị lan truyền thông tin sai lệch một cách chóng mặt trên mạng xã hội Twitter.

Mạng xã hội Twitter là mảnh đất màu mỡ của nhiều đối tượng lan truyền các thông tin sai lệch một cách chóng mặt, đặc biệt là về xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: AFP)

Mạng xã hội Twitter là mảnh đất màu mỡ của nhiều đối tượng lan truyền các thông tin sai lệch một cách chóng mặt, đặc biệt là về xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: AFP)

Twitter, với tư cách là một nền tảng được các chính trị gia, người nổi tiếng và các công ty sử dụng, nhưng cũng đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho những thông tin sai lệch lan truyền chóng mặt về xung đột Nga-Ukraine.

Twitter cho phép người dùng bày tỏ suy nghĩ của họ một cách tự do trên nền tảng bằng cách sử dụng hashtag, thúc đẩy mọi người tham gia các phong trào. Thông qua mạng xã hội này, thông tin được phổ biến một cách rộng rãi và nhanh chóng.

Vì vậy, ngay khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra đã trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế, trong đó Twitter là một nền tảng xã hội lan truyền nhiều thông tin về cuộc xung đột này. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc chiến đầu tiên được dư luận quốc tế quan tâm. Thông tin về các cuộc nổi dậy ở địa phương trong Mùa Xuân Arab* năm 2010, đặc biệt là ở Ai Cập và Tunisia, là những vấn đề quốc tế đầu tiên tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Đến nay, xung đột Nga-Ukraine đang là sự kiện toàn cầu lớn nhận được sự quan tâm và hành động nhanh chóng của quốc tế. Vai trò của truyền thông xã hội đã góp phần thúc đẩy các hành động nhanh chóng từ các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, vô số thông tin lan truyền trên Internet đã gây khó khăn cho việc phân biệt thật giả, đồng thời đặt ra thách thức trong việc tìm ra sự thật.

"Đại dương" thông tin

Một cuộc kiểm tra 950.000 tweet trên Twitter cho thấy đã có vô số tuyên bố trái chiều được đưa ra, làm dấy lên tranh cãi về những sự thật liên quan tình hình Nga-Ukraine.

Các tài khoản chính thức của Nga, Ukraine và một số bộ trưởng đã đăng nhiều thông tin, tạo ra một số chủ đề "nóng" trên Twitter, làm dấy lên các cuộc tranh luận sôi nổi trong cư dân mạng. Nhiều chủ đề liên quan cuộc chiến và thuyết âm mưu trên Twitter đã trở nên phổ biến. Đáng chú ý, nhiều tranh luận hướng đến việc có hay không cuộc tấn công hạt nhân của Nga nhằm vào Ukraine.

Các thông tin sai lệch được lan truyền một cách chóng mặt, thậm chí sau khi ghi nhận tính không chính xác, chúng vẫn không được xóa bỏ. Điều này cho thấy một lỗ hổng lớn trong chính sách của Twitter, đặc biệt là trong giai đoạn xung đột xảy ra, việc tiếp cận thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu dễ dàng hơn bao giờ. Twitter cần phải tạo ra các chính sách bảo vệ thông tin phù hợp hơn đối với các khu vực chiến sự, để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Ông Adam Rawnsley, nhà nghiên cứu cấp cao tại Daily Beast, đã chỉ ra tin đồn thất thiệt liên quan việc Mỹ tạo ra các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học bí mật ở Ukraine. Thông tin chưa kiểm chứng này đã thu hút nhiều người dùng.

Đáng nói, một khi mọi người đều tương tác và bàn luận về chủ đề này, thuật toán của Twitter sẽ khiến nó được lan truyền nhanh chóng hơn. Đối với người dùng, việc tích lũy nhiều thông tin sai lệch có thể khiến họ tin vào "thông tin sai sự thật".

Thống kê cho thấy, đã có 20.000 lượt tương tác trên Twitter và 17.000 tài khoản bàn luận thuyết âm mưu về các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học.

Các nền tảng truyền thông xã hội đã làm nảy sinh “cuộc chiến kỹ thuật số”, khiến nó trở thành cuộc chiến được giới trẻ quan tâm và theo dõi nhiều nhất.

Cuộc chiến truyền thông xã hội làm dấy lên rất nhiều tranh cãi nảy lửa và gây sự hoài nghi trên khắp thế giới. Twitter đã kêu gọi các tổ chức quốc tế nhanh chóng phản ứng với cuộc chiến này, tuy nhiên nó vẫn không ngăn cản được tin giả lan truyền trên phạm vi toàn cầu.

Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov. (Nguồn: Getty Images)

Tổng tư lệnh mặt trận không gian ảo của Ukraine

Ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine cũng là Bộ trưởng trẻ nhất của Ukraine, đã sử dụng mạng xã hội làm công cụ lôi kéo các hãng công nghệ lớn nhất thế giới về phía nước mình trong cuộc xung đột với Nga.

Vị Bộ trưởng trẻ tuổi này công khai đối đầu với Nga trên các nền tảng kỹ thuật số và kêu gọi người dân nhận thức rõ các hành động của Nga. Ông Mykhailo Fedorov đã viết một lá thư cho tất cả những gã khổng lồ công nghệ lớn trên thế giới để tạm ngừng dịch vụ của họ ở Nga và yêu cầu giúp đỡ công dân Ukraine càng nhiều càng tốt.

Phương thức này đã chứng minh hiệu quả khi cả FacebookYouTube đã chặn các cơ quan truyền thông nhà nước của Nga, còn Google vô hiệu hóa vài tính năng trên bản đồ Google Maps để bảo đảm an toàn cho người dân tại Ukraine. Apple cũng thông báo dừng bán sản phẩm tại Nga và gỡ ứng dụng của hai hãng thông tấn Nga, RT Sputnik News, khỏi App Store trên toàn cầu, trừ Nga.

Hơn nữa, thông qua khả năng huy động thông tin, ông Mykhailo Fedorov còn sử dụng Twitter như một nền tảng để cải thiện niềm tin của người dân Ukraine. Điều này thể hiện mặt tích cực của khả năng tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội trong thời điểm xung đột.

Việc làm của ông Mykhailo Fedorov cho thấy tiếng nói của các bộ trưởng và quan chức chính phủ trên mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn chiến sự.

Ví dụ này cũng đặt ra vấn đề cần chú trọng và làm nổi bật hơn nữa những tài khoản của các chính khách trên Twitter. Trong khi đó, việc chia sẻ tràn lan nội dung của công dân đăng tải nên chăng cần giảm bớt để đảm bảo Twitter có thể chia sẻ thông tin giúp ích cho các nỗ lực nhân đạo, hơn là lan truyền các nguồn thông tin chưa được kiểm chứng.

Cách thức ngăn chặn thông tin sai lệch

Một là, Twitter phải kiểm tra hashtag của người dùng thường xuyên và tìm kiếm thông tin sai lệch có thể lan truyền trên nền tảng để làm giảm sự lo lắng của mọi người về chiến tranh.

Hai là, tất cả các tài khoản lan truyền các tin tức giả mạo cần phải bị đình chỉ hoặc cấm đăng bài. Twitter nên kêu gọi mọi người tuân theo các nguyên tắc cộng đồng bằng cách sử dụng các chính sách tốt hơn.

Ba là, số lượng người được phép tham gia vào các chủ đề thảo luận trên Twitter của các quan chức chính phủ cần hạn chế. Điều này cho phép truyền bá thông tin chính xác đến quần chúng và kiềm chế sự xúi giục bạo lực.

Bốn là, Twitter cần nỗ lực gỡ bỏ thông tin sai và kiểm tra thực tế các bài đăng, đặc biệt là ở các vùng chiến sự. Thông tin sai lệch trong các khu vực chiến sự có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các quyết định được đưa ra.

Bởi các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter có tác động rất lớn tới nhận thức toàn cầu về chiến sự, thậm chí đến cả việc đưa ra quyết định ở cấp Liên hợp quốc trong thời gian chiến sự. Do đó, Twitter nên đảm bảo rằng, nó là một nền tảng cho sự thật trong thời chiến.

*Mùa Xuân Ả Rập là làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Arab, bao gồm Tunisia, Algérie, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritania, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Morocco.

(theo Modern Diplomacy)

Thúy Huyền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-chien-khong-khoi-sung-nga-ukraine-tren-twitter-180641.html