Cuộc chiến không khoan nhượng

Châu Âu đang đối mặt 'thách thức kép' khi mối đe dọa từ các cuộc tiến công khủng bố ngày càng gia tăng, giữa lúc cơn bão Covid-19 với những hậu quả nặng nề cũng đang khiến các quốc gia trong khu vực chao đảo.

An ninh được thắt chặt ở thủ đô Viên (Áo).

An ninh được thắt chặt ở thủ đô Viên (Áo).

Châu Âu đang đối mặt "thách thức kép" khi mối đe dọa từ các cuộc tiến công khủng bố ngày càng gia tăng, giữa lúc cơn bão Covid-19 với những hậu quả nặng nề cũng đang khiến các quốc gia trong khu vực chao đảo.

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã tung ra chương trình chống khủng bố mới, qua đó khẳng định quyết tâm của "lục địa già" sẵn sàng đương đầu với chủ nghĩa khủng bố, cực đoan.

Chương trình chống khủng bố của EC gồm những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lan truyền của các tư tưởng cực đoan trên in-tơ-nét, cải thiện an ninh ở các khu vực công cộng, củng cố biện pháp kiểm soát an ninh biên giới và mở rộng quyền hạn của Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol). Theo đó, các nền tảng mạng xã hội có nghĩa vụ dỡ bỏ những nội dung cổ xúy chủ nghĩa khủng bố trong vòng một giờ đồng hồ sau khi những nội dung này bị đánh dấu vi phạm. Các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ ghi lại và số hóa dữ liệu xuất, nhập cảnh giữa các nước trong khu vực tự do đi lại Sen-ghen với bên ngoài; đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia thứ ba nhằm chống lại những mối đe dọa khủng bố. Bên cạnh đó, EC đề xuất cung cấp cho Europol nhiều phương tiện hiện đại để hỗ trợ các nước EU tiến hành những cuộc điều tra liên quan tới khủng bố.

Các cuộc tiến công khủng bố xảy ra gần đây tại Pháp và Áo gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, giới chức các nước châu Âu không được phép lơ là dù chỉ một giây trong cuộc chiến chống khủng bố đầy rẫy cam go này. Pháp là một trong những quốc gia đi đầu trong các nỗ lực đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố tại "lục địa già". Bộ Nội vụ Pháp tuyên bố, nước này sẽ triển khai một loạt biện pháp quy mô lớn và chưa từng có tiền lệ để chống khủng bố, trong đó có việc điều tra hoạt động của 76 nhà thờ Hồi giáo. Nếu kết quả điều tra cho thấy nhà thờ nào chứa chấp phần tử Hồi giáo cực đoan, nhà thờ đó có thể sẽ phải đóng cửa. Trong khi đó, Thủ tướng Áo X.Cuốt-dơ cho rằng, EU cần có một kế hoạch đồng bộ và quyết liệt hơn nhằm đối phó với các tay súng thánh chiến người nước ngoài, cũng như những đối tượng muốn gia nhập tổ chức khủng bố.

Chống khủng bố không còn là cuộc chiến mới mẻ với châu Âu, song giờ đây cuộc chiến này đã bước vào giai đoạn khác. Hoạt động khủng bố ngày càng trở nên manh động, táo bạo, tinh vi. Bộ trưởng Nội vụ Pháp G.Ðác-ma-nanh nhận định, những phần tử cực đoan không hành động theo khuôn mẫu khủng bố thông thường, rất nhiều trường hợp hành động đơn lẻ chứ không liên kết với một nhóm nào đó. Phương thức tiến công này gieo rắc sự sợ hãi, bất an thường trực cho người dân châu Âu, bởi bất cứ ai cũng có nguy cơ trở thành mục tiêu bị tiến công. Tình báo Pháp hiện đang theo dõi hơn tám nghìn đối tượng nằm trong diện có khả năng đe dọa an ninh quốc gia do cực đoan hóa.

Mặc dù các nước châu Âu thời gian qua luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ, siết chặt an ninh, song các biện pháp này dường như là chưa đủ để ngăn chặn những vụ tiến công thương tâm. Chủ tịch Hội đồng châu Âu C.Mi-sen cho rằng, muốn ngăn chặn các mối đe dọa xuất phát từ những phần tử bị tiêm nhiễm các tư tưởng tôn giáo cực đoan, cần có sự hợp lực từ các cơ sở tôn giáo. Ông C.Mi-sen đề xuất, châu Âu nên thành lập một học viện đào tạo các giáo sĩ Hồi giáo, nhằm bảo đảm thông điệp mà các giáo sĩ truyền đạt đến các tín đồ Hồi giáo không mang tư tưởng thù hận. Cùng với đó, việc xóa bỏ các rào cản và bất công xã hội, các định kiến về chủng tộc, tôn giáo ở châu Âu là vô cùng cần thiết, bởi lẽ, chính những định kiến, những hành động mang tính chia rẽ, bài xích này là "mảnh đất màu mỡ" cho sự hình thành và truyền bá tư tưởng cực đoan.

Bằng những biện pháp quyết liệt nhằm đẩy lùi bóng ma khủng bố, cực đoan, các nước châu Âu đang chứng minh tinh thần "không khoan nhượng" trước cái ác. Cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn dài và nhiều chông gai, rất cần sự chung tay góp sức của mọi quốc gia, mọi khu vực để có thể tìm ra những giải pháp toàn diện, dài hơi, bền vững, giúp triệt tiêu tận gốc tư tưởng cực đoan.

ÐỨC DUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/cuoc-chien-khong-khoan-nhuong-629643/