Cuộc chiến khó lường trong lòng nước Mỹ, quyết định cân não trước nguy cơ

Fed phát tín hiệu tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát đang ở mức cao nhất 40 năm. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ bắt đầu sụt mạnh.

Fed đã có những sai lầm và cuộc chiến chống lạm phát hiện chông gai hơn bao giờ hết cũng như khó dự đoán khi mà nguy cơ suy thoái kinh tế đã xuất hiện và mẫu thuẫn trong nội bộ lên cao.

Quyết tâm của chủ tịch

Chứng khoán Mỹ vừa có một phiên mất gần 1.000 điểm, mạnh nhất trong 2 năm qua trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng nhanh lãi suất để chống lạm phát, hiện ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua: 8,5% ghi nhận trong tháng 3 vừa qua. Đây là phiên giảm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

“Một phiên giảm điểm mạnh hiếm hoi. Thị trường chứng khoán không còn dễ ăn như 2022”, một nhà đầu tư trên thị trường Mỹ chia sẻ.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 900 điểm sau khi Chủ tịch Fed có bài phát biểu xác nhận việc kiềm chế lạm phát là “hoàn toàn cần thiết” và việc nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản có thể diễn ra vào tháng 5. Bài phát biểu ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường.

Chủ tịch Fed xoay hướng chính sách, chuyển sang đẩy nhanh việc tăng lãi suất để chống lạm phát.

Không chỉ lãi suất có thể tăng mạnh, giới đầu tư còn chú ý đến thời gian mà Fed sẽ giảm lượng tài sản trong bảng cân đối kế toán, thắt chặt định lượng và cách thức thắt chặt chính sách tiền tệ, nhằm giảm lượng thanh khoản trong nền kinh tế.

Giới đầu tư cũng lo về khả năng lãi suất các hợp đồng repo, mua lại chứng khoán đã bán, tăng vọt lên đỉnh giống như hồi giữa tháng 9/2019. Khi đó, lãi suất repo lên tới 10%. Rủi ro lãi suất có thể trở thành rủi ro tín dụng trên thị trường tài chính khi mà người đi vay không chi trả được nợ khi đến hạn.

Theo ông Powell, mục tiêu của Fed là sử dụng các công cụ của mình để đưa cung và cầu trở lại đồng bộ mà không dẫn tới suy thoái kinh tế và Fed sẽ cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu đó.

Điều cấp thiết của Fed lúc này là phải khôi phục sự ổn định về giá cả. Bởi bất kỳ một nền kinh tế nào đều không thể hoạt động nếu không có sự ổn định về giá.

Một vấn đề nữa mà nước Mỹ đang đối mặt là nhu cầu tuyển dụng rất căng thẳng. Mỹ muốn chiến đấu hạ tỷ lệ lạm phát thông qua các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ thì họ sẽ phải chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Không chỉ nhắc đến khả năng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5, ông Powell cũng nói đến điều này về cuộc họp trong tháng 6, như một nỗ lực để kiểm soát lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ.

Fed được cho là đã mắc sai lầm khi không tăng lãi suất sớm hơn và kết quả là lạm phát tăng quá cao. Cuộc chiến Nga-Ukraine đã đảo lộn mọi tính toán của Ngân hàng Trung ương Mỹ với việc giá lương thực và năng lượng bị đẩy lên quá cao.

Nội bộ chia rẽ

Nỗ lực của Fed nhằm kéo lạm phát đi xuống và tạo dư địa chính sách vốn đã cạn kiệt trong vài năm qua. Một cú hạ cánh mềm liệu có thực hiện được hay không vẫn còn là một câu hỏi, đặc biệt khi mà chính sách tiền tệ gần đây không còn cho thấy hiệu quả như trước trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.

Điều khó khăn đối với ông chủ Fed ở vào thời điểm hiện tại chính là sự chia rẽ trong nội bộ tổ chức này. Nhiều thành viên không muốn tăng lãi suất nhanh do lo ngại nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.

Chứng khoán Mỹ sụt giảm từ đỉnh.

Sự chia rẽ trong nội bộ Fed cũng giống như hồi tháng 9/2019, khi lần đầu tiên trong 10 năm Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách ngày 30-31/7/2019. Khi đó, chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed có thể bắt đầu một chuỗi cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế giảm tốc

Cũng trong cuộc họp giữa tháng 9/2019, có tới 3 quan chức cấp cao của Fed đã biểu quyết không hạ lãi suất. Đó là sự bất đồng sâu sắc nhất trong nội bộ Fed kể từ tháng 12/2014.

Trước đó, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã gọi các quan chức ngân hàng trung ương này là "mấy thằng đần" đồng thời yêu cầu Fed hạ nhanh lãi suất xuống 0%, thậm chí là xuống âm.

Trong các cuộc họp chính sách còn lại trong năm 2022, nhiều khả năng sự chia rẽ sẽ tiếp tục xảy ra trong nội bộ Cục Dự trữ liên bang Mỹ khi mà các phát biểu bên lề cho thấy các thành viên có quan điểm khác nhau về tốc độ tăng lãi suất.

Cú sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch xảy ra của cổ phiếu Mỹ trong phiên cuối tuần qua cho thấy sự lo ngại của giới đầu tư.

Giới đầu tư lo ngại, Fed có thể lại một lần nữa sai lầm và cái giá phải trả có thể là sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ và xa hơn là sự suy giảm vị thế của nước này. Trước đó, Fed đã kiên quyết không tăng lãi suất trong suốt năm 2021 dù lạm phát ở trên mục tiêu 2% của cơ quan này.

Fed đã chấp nhận để phát tăng cao hơn so với mức bình thường nhằm thúc đẩy thị trường việc làm. Trong hầu hết các phát biểu ông Powell cho rằng, lạm phát tăng cao chỉ là tạm thời và sẽ giảm khi dịch bệnh qua đi và qua đó chấm dứt tình trạng gián đoạn nguồn cung…

Tuy nhiên, gần đây, ông chủ Fed đã thừa nhận các dự báo đó là đáng thất vọng và Fed buộc phải thay đổi chiến thuật.

Những động thái sắp tới của Fed được dự báo sẽ gây biến động trên thị trường và sớm nhất sẽ là sau cuộc họp kéo dài hai ngày từ 3-4/5.

M. Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoc-chien-kho-luong-trong-long-nuoc-my-quyet-dinh-can-nao-truoc-nguy-co-2012749.html