Cuộc chiến hồi sinh

2 giờ 20 phút chiều ngày 3/4 trước cổng Bệnh viện Bạch Mai một nhóm y bác sĩ của khoa Cấp cứu A9 đang trực chiến trong trang phục bảo hộ chống dịch. Những khuôn mặt được che kín bởi khẩu trang và kính phòng hộ nhưng trạng thái phấp phỏng, cùng hướng ánh nhìn về hẳn một phía, cho những người đứng quanh cảm giác có điều gì bất thường đang sắp xảy ra…

Đội đặc nhiệm 15 phút trước khi đón ca bệnh nguy kịch

Đội đặc nhiệm 15 phút trước khi đón ca bệnh nguy kịch

Cùng thời điểm ấy, trong khoa Cấp cứu A9, các nhân viên y tế và bác sĩ đang gấp rút chuẩn bị những phương tiện kỹ thuật tốt nhất để tiếp nhận ca cấp cứu nguy kịch, có khả năng tử vong.

Thời khắc đặc biệt

Tiếng còi hụ của xe cứu thương rú lên từng chặp, chiếc xe nhanh chóng đỗ lại ngay sát nhóm áo trắng. Mọi thao tác diễn ra trong tích tắc, nhanh gọn, dứt khoát, bệnh nhân được chuyển xuống cáng của Bệnh viện Bạch Mai. Cô gái nằm trên cáng gương mặt nhợt nhạt. Người ta nghe tiếng hô của trưởng nhóm: “Sờ mạch xem nào, sao lại nhợt nhạt thế”. Đó là hiệu lệnh của PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9.

Rất nhanh chóng và chuyên nghiệp, bệnh nhân được đánh giá mất mạch cảnh và mạch bẹn. “Ngừng tim rồi. Ép tim”, vừa dứt lời, cử nhân điều dưỡng Lê Quang Trí ra hiệu cho đồng đội giữ chặt cáng, rồi rất nhanh, nhảy lên đứng trên bệ cáng thực hiện ép tim liên tục cho bệnh nhân. Ông Trời quả biết thử thách lòng người, đúng lúc đó trời mưa nặng hạt, chiếc ô được bung ra che cho bệnh nhân còn ê kíp bác sĩ, điều dưỡng cứ thế giành giật từng giây phút với tử thần trong màn mưa. Lạnh! Nhưng cảm giác ai cũng nóng bừng cơ thể vì tập trung cao độ.

Anh Toàn chăm sóc người vợ vừa qua cơn bạo bệnh

Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh vẫn chưa thôi ngạc nhiên về sức sống kỳ diệu của cô gái trẻ. Anh bảo, bệnh nhân này quá đặc biệt ở khả năng sống sót của cô ấy, với cả thế giới chứ không chỉ Việt Nam.

Nhớ lại quãng thời gian gấp gáp ấy, điều dưỡng Trí chia sẻ: “Khi ra đón bệnh nhân, chuyển từ cáng xe cấp cứu sang cáng của chúng tôi, với phản xạ nghề nghiệp và nhạy cảm của người làm chuyên ngành cấp cứu rất nhanh qua quan sát bệnh nhân, cảm nhận lâm sàng chúng tôi phát hiện ngay tình trạng rất nguy hiểm của bệnh nhân, lập tức xử lý theo quy trình đã thống nhất. Phản xạ của người làm cấp cứu giúp chúng tôi ngay tức thì ép tim để tìm kiếm cơ hội sống cho bệnh nhân và khẩn trương chuyển vào khu kỹ thuật cao của khoa có trang thiết bị hỗ trợ”.

Điều dưỡng Trí đã liên tục ép tim theo đúng nhịp độ của kỹ thuật, bởi nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Trời mưa, ép tim trong trạng thái vừa giữ thăng bằng vừa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và độ lún của lồng ngực là thách thức không nhỏ với chàng cử nhân điều dưỡng có 15 năm trong nghề, từng ép tim cứu sống cả ngàn bệnh nhân.

Chu trình đó phải liên tục mới hy vọng hồi sinh được trái tim đã ngừng đập. Chưa đến 5 phút cho quãng đường chừng gần 300m từ vùng đệm từ cổng bệnh viện vào đến khoa Cấp cứu mà Trí và đồng đội thấy nó dài bất tận. Bệnh nhân đang nguy kịch, chiếc cáng thêm Trí trở nên nặng chịch lúc leo dốc, nhóm cấp cứu người phụ trách bóp bóng oxy, kiểm soát đường thở, người lo đường truyền thuốc, tất cả hò nhau cố gắng để dồn lực đẩy cáng nhưng cũng không được gián đoạn quá trình ép tim.

Đến sảnh khoa chỗ ngoặt vào cửa, Trí vừa giữ nhịp ép tim vừa nghiêng người sang 1 bên né góc cửa. Anh để ý thấy gương mặt bệnh nhân không có gì thay đổi so với lúc đầu, nó khiến anh lo lắng và ra sức nỗ lực cấp cứu để giữ mạng sống cho cô.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi thăm bệnh nhân ngày thứ 5 sau ca cấp cứu hi hữu

Hy vọng sống sót của bệnh nhân rất mong manh, kíp cấp cứu vẫn rất nỗ lực với một tinh thần thép. Sau hơn 2 giờ ép tim liên tục, quyết tâm của họ đã được đền đáp, tim bệnh nhân đập lại.

Trong cấp cứu, ngừng tim rất nguy hiểm vì không có máu lên não và các cơ quan khác, chỉ cần 4-5 phút không được ép tim, không có máu nuôi não thì dù sau đó tim đập lại nhưng sẽ chết não. Phản xạ đầu tiên của người thầy thuốc là phải phát hiện bệnh nhân ngừng tim, tiếp đó thực hiện ép tim đúng kỹ thuật. Gần 15 phút nỗ lực của đội đặc nhiệm kể từ khi đón bệnh nhân, tim cô gái đã đập trở lại.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi vẫn không giấu được xúc động khi nhớ lại những giây phút đặc biệt nhất trong cuộc đời 30 năm khoác áo blouse của mình. Vừa trực tiếp chỉ huy, vừa chứng kiến lứa học trò trẻ nỗ lực tận cùng vì sinh mệnh người bệnh, ông bảo: “Trong cuộc đời làm nghề y tôi gặp nhiều bệnh nhân đặc biệt, nhiều bệnh nhân rơi vào tình thế rất gian nan, mỗi bệnh nhân có cái khó riêng. Nhưng ca bệnh này đặc biệt bởi bệnh nhân đến viện đã ngừng tim, hoàn cảnh chúng tôi đang bị cách ly cả bệnh viện, muôn vàn khó khăn. Bệnh nhân chuyển đến từ vùng an toàn vào vùng dịch, tâm trạng người vùng dịch cấp cứu người vùng lành cũng rất khó tả. Cả một đội quân kéo ra để chờ bệnh nhân ở vùng đệm. Với tinh thần và ý chí lúc ấy đặc biệt lắm, trong khi khoa còn hơn 20 bệnh nhân nặng khác cũng đang điều trị”.

Những phút giây sinh tử...

Trưa đó, nhận thông báo từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông xin hội chẩn và hỗ trợ chuyên môn về bệnh nhân nữ trẻ tuổi, chẩn đoán sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non, sau khi hội chẩn PGS Chi đồng ý tiếp nhận bệnh nhân vì ông biết, phải hành động khẩn cấp mới có hy vọng cho ca bệnh chết dễ hơn sống này. Ông thừa nhận, các bác sĩ A9 của mình vô cùng đặc biệt, rất xuất sắc. Với kinh nghiệm hàng chục năm làm công việc cấp cứu hồi sức bệnh nhân nặng, ông nhanh chóng lên phương án chặt chẽ, bố trí mỗi người vào một nhiệm vụ khác nhau sao cho phối hợp hiệu quả nhất.

11 chàng trai tinh nhuệ, khỏe mạnh trở thành đội đặc nhiệm, thiện chiến nhất tham gia trận đánh ngàn cân treo sợi tóc. “Trời mưa nặng hạt, lạnh, người chạy theo cầm ô che, một người đứng lên bệ dưới của thành cáng để ép tim, những người còn lại mỗi người một việc cùng ra sức cho kịp cuộc đua không cân sức với tử thần là hình ảnh mà chúng tôi làm nghề nhiều năm thấy rất xúc động trước tinh thần của anh em đồng nghiệp. Tôi đi phía sau cáng chỉ huy, mọi mệnh lệnh hết sức ngắn gọn, chính xác. Tinh thần lúc ấy chỉ hướng đến cứu người bệnh, không có một ý nghĩ gì khác chen vào”, ông bùi ngùi nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt đó.

Trên mạng xã hội lan truyền clip đội đặc nhiệm “nhà A9” giành giật mạng sống của bệnh nhân với thần Chết khiến người xem không khỏi xúc động vì liên tưởng đến những hình ảnh ngỡ chỉ có trong tác phẩm điện ảnh thế giới. Nhưng không, những thước phim sinh tử ấy hiện diện trong cuộc sống này, ngay giữa vùng phong tỏa bởi dịch COVID-19, khiến người xem bồi hồi, nhịp đập nơi trái tim trở nên gấp gáp hơn theo từng nhịp ép tim của điều dưỡng Lê Quang Trí. Đón tiếp những bệnh nhân nặng và xử lý những tình huống như vậy đã trở thành kỹ năng với độ thuần thục rất cao của những y bác sĩ khoa Cấp cứu A9.

Trí và đồng nghiệp đều hiểu tỷ lệ cứu sống bệnh nhân đã ngừng tim rất thấp, cả thế giới lẫn Việt Nam. Nhưng những nỗ lực vượt bậc của thầy thuốc giúp trái tim cô gái trẻ đập những nhịp đập hồi sinh. Lúc này Trí kiểm tra đồng tử bệnh nhân thấy co lại, anh quay sang báo cáo với lãnh đạo, mọi người vui tột cùng vì tin rằng cô gái ấy có cơ hội sống, dù rất mong manh. Nhiều biện pháp và kỹ thuật cấp cứu hồi sức lập tức được triển khai.

Điều dưỡng Trí và bệnh nhân đặc biệt

Ban Giám đốc bệnh viện, lãnh đạo khoa Cấp cứu và nhiều bác sĩ, chuyên gia đã hội chẩn toàn viện để đưa ra phương án điều trị tích cực nhất. Do bệnh quá nặng và nguy cơ chảy máu cao vì trải qua các cuộc phẫu thuật nên dù ECMO (tim, phổi nhân tạo) đã sẵn sàng cũng chưa thể thực hiện. Tình trạng bệnh nhân xấu đi nhanh chóng, các chỉ số sống đều ở mức nguy hiểm…

Đến 16 giờ 20 phút, bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn lần 2. Kíp cấp cứu tiếp tục thực hiện ép tim. Hy vọng sống sót của bệnh nhân mong manh, leo lét như ngọn đèn trước gió. Khó khăn lúc này nhân lên gấp bội…

Theo quy trình, nếu ép tim tối đa 60 phút mà người bệnh không hồi phục, sẽ kết thúc cấp cứu, bệnh nhân tử vong. “Nhưng bệnh nhân còn rất trẻ, tiền sử khỏe mạnh, chúng tôi có linh tính rằng bệnh nhân vẫn còn cơ hội cứu”, PGS.TS Nguyễn Văn Chi chia sẻ. Ông luôn ở bên cạnh học trò trong giây phút 9 phần chết, 1 phần sống đó của người bệnh. Ông tin vào nỗ lực của đồng nghiệp, tin vào chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ A9, tin vào sự may mắn của nữ bệnh nhân còn rất trẻ đang nằm kia. Và hơn cả, không nguôi trong tâm trí những thiên thần áo trắng hình ảnh con thơ khát sữa mẹ, thôi thúc họ bằng mọi giá giữ lại sinh mạng người phụ nữ lần đầu họ gặp…

Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh nhớ lại, khi đó anh và các đồng nghiệp đã liên tục thay nhau ép tim cho bệnh nhân. 15 phút, 30 phút rồi 60 phút... toàn thân rã rời, hai cánh tay tê dại, ai cũng ấp ủ trong lòng tia hy vọng nhịp tim cô gái trẻ sẽ hồi sinh bởi cuộc đời còn 3 đứa trẻ cần mẹ, còn người chồng đứng như hóa đá ngoài phòng bệnh ngóng tin vợ.

“Việc ép tim cho bệnh nhân suốt 2 tiếng đồng hồ nhằm kích thích tim, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các biện pháp cấp cứu khác có hiệu quả. Khoa đã gặp và cứu được nhiều trường hợp nguy kịch nhưng thời gian ép tim đến 2 giờ đồng hồ là hiếm trong y học”, bác sĩ Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.

Hy vọng sống sót của bệnh nhân rất mong manh, kíp cấp cứu vẫn rất nỗ lực với một tinh thần thép. Sau hơn 2 giờ ép tim liên tục, quyết tâm của họ đã được đền đáp, tim bệnh nhân đập lại. Nhưng sản phụ vẫn trong tình trạng rất nặng, chức năng sống ở mức nguy hiểm, các thuốc vận mạch hỗ trợ đều ở liều quá cao. Nhiều thời điểm tưởng rằng người mẹ ấy không thể vượt qua…

Và điều kỳ diệu đến...

Nhờ sự kiên trì và nỗ lực hết sức của các kíp trực, nhiều kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao đã được thực hiện cùng với sự hỗ trợ của các chuyên khoa khác trong bệnh viện, cùng niềm tin tưởng tuyệt đối của gia đình đối với các bác sĩ, nên sau 2 ngày người bệnh đã có các dấu hiệu tích cực. Dần dần sức khỏe bệnh nhân đã tốt hơn, liều các thuốc vận mạch giảm dần, tình trạng rối loạn đông máu được kiểm soát, toan hóa máu cải thiện, các tạng suy được phục hồi, đặc biệt, bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh lại.

Điều dưỡng Trí ép tim cho bệnh nhân trên cáng đang di chuyển giữa trời mưa (ảnh cắt từ clip)

“Trong cuộc đời làm nghề y tôi gặp nhiều bệnh nhân đặc biệt, nhiều bệnh nhân rơi vào tình thế rất gian nan, mỗi bệnh nhân có cái khó riêng. Nhưng ca bệnh này đặc biệt bởi bệnh nhân đến viện đã ngừng tim, hoàn cảnh chúng tôi đang bị cách ly cả bệnh viện, muôn vàn khó khăn”. PGS.TS Nguyễn Văn Chi

Bên giường bệnh, 5 ngày sau ca cấp cứu sinh tử của vợ, anh Hoàng Văn Toàn vẫn chưa hết bần thần khi nghĩ về những khoảnh khắc tưởng như người vợ trẻ đã rời xa mãi mãi. Nắm lấy đôi bàn tay mềm mại nhưng đôi chỗ bầm tím vì lấy ven truyền nhiều lần, anh thủ thỉ điều gì đó, chỉ thấy qua khung cửa kính, một nụ cười nhè nhẹ hiện lên trên gương mặt cô gái trẻ. Cô không nhớ mình đã đi qua những thời khắc đặc biệt của cuộc đời thế nào.

Cô chỉ nhớ mình sinh thêm một thiên thần, bé đang nằm viện. Nhớ ngôi nhà nhỏ còn 2 đứa con thơ chờ mẹ. Điều đó cho thấy dù cận kề cái chết, dù hơn 2 tiếng sống nhờ nỗ lực ép tim liên tục của các y bác sĩ, não của cô không hề bị ảnh hưởng - một điều quá đỗi diệu kỳ. Thời khắc vợ chồng đoàn tụ, nhìn vợ với chằng chịt dây nhợ, dịch truyền, nước mắt không ngừng rơi trên gương mặt sạm đen vì mệt mỏi và lo toan của anh Toàn.

Ngày nào PGS.TS Nguyễn Văn Chi cũng gặp chồng bệnh nhân vì anh Toàn ở trong khoa. Lúc đầu người chồng vô cùng tuyệt vọng khi biết tình hình sức khỏe của vợ. Ông vẫn không quên giây phút nhận thông tin chuẩn bị tình huống xấu nhất cho vợ, người chồng bỏ chạy ra ngoài, đôi vai người đàn ông ấy rung lên từng chặp. Tiếng nấc nghẹn nén vào tận tâm can. “Những thời điểm vô cùng khó khăn đó anh ấy rất tuyệt vọng nhưng vẫn luôn tin tưởng chúng tôi. Tôi thường nói với anh ấy, anh hãy tin chúng tôi, dù thế nào chúng tôi cũng cố gắng đến cùng” - PGS.TS Nguyễn Văn Chi nhớ lại.

Và lời hứa vào thời khắc tưởng như sinh ly tử biệt của bệnh nhân đã thành hiện thực. Sự sống được hồi sinh. Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc, nói chuyện bình thường, nhưng vẫn tiếp tục điều trị thận, giám sát thiếu máu do mất máu nhiều nên cần một thời gian hồi phục.

Hơn 20 năm làm công việc cứu người, chiến đấu ở nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết thật mong manh, bác sĩ Nguyễn Đức Vinh vẫn chưa thôi ngạc nhiên về sức sống kỳ diệu của cô gái trẻ. Anh bảo, bệnh nhân này quá đặc biệt ở khả năng sống sót của cô ấy, với cả thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Bởi lẽ một bệnh nhân ép tim kéo dài mà sống sót và hồi phục nhanh như vậy là điều cực kỳ đặc biệt, y văn thế giới cũng không có nhiều ca được ghi nhận như vậy…

Bệnh viện Bạch Mai đã kết thúc những ngày phong tỏa nhưng người thuyền trưởng Nguyễn Văn Chi vẫn ở lại A9. Đối với ông và những đồng nghiệp trẻ, bệnh viện giống như ngôi nhà của mình, ở đó hay trở về nhà vẫn cảm giác ấm áp như gia đình. Những ngày dịch dã, ông và học trò luôn xác định đây là cuộc chiến và mỗi nhân viên y tế là một chiến sĩ, mặc dù biết có hiểm nguy nhưng không bác sĩ nào sợ hãi mà lùi lại, tất cả đều xông lên phía trước không ngần ngại.

Nguy cơ lây COVID-19 là có thật đối với hệ thống y tế, bác sĩ là những người đối mặt trước tiên. Giọng ông chùng xuống khi nhớ về đồng nghiệp của mình năm xưa đã ngã xuống trong cuộc chiến đầy chết chóc và nước mắt với dịch bệnh SARS năm 2003: “Chúng tôi có rất nhiều trải nghiệm chống dịch năm đó, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã ngã xuống, áo blouse của chúng tôi đã nhuốm máu của những đồng nghiệp chống dịch SARS, có cả bác sĩ và điều dưỡng đã hy sinh”.

Cuộc chiến với tử thần là cuộc chiến không ngừng nghỉ, có những câu chuyện về sự sống và cái chết được kể không phải bằng lời nói mà bằng tiếng rì rầm của máy móc, bằng sự hối hả đến nghẹt thở của những con người vắt kiệt sức mình vì đồng loại. Và hơn cả bằng sự nhạy cảm và thấu hiểu từ trái tim chất chứa yêu thương. Tôi muốn kể câu chuyện như thế ở nơi có những con người lặng lẽ ẩn mình đến mức, nhiều khi ngay chính bệnh nhân được cứu sống cũng không biết đến họ...

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cuoc-chien-hoi-sinh-1650524.tpo