Cuộc chiến hồi sinh tê giác trắng phương bắc từ hai con cái cuối cùng

Các nhà bảo tồn đang nỗ lực để bắt đầu quá trình thụ tinh trong ống nghiệm cho loài tê giác trắng Bắc Phi, vốn đã tuyệt chủng về mặt kỹ thuật và hiện chỉ còn 2 cá thể cái tồn tại.

 Zacharia Kipkirui là một nhân viên bảo vệ tại khu bảo tồn dành riêng cho 2 con tê giác trắng phương bắc cuối cùng trên Trái Đất. Ông đang cố gắng để làm Fatu - con ít tuổi hơn - bình tĩnh lại sau khi nó được đưa vào chuồng, chuẩn bị cho quá trình lấy trứng. Fatu và Najin là cháu gái và con gái của Sudan - con tê giác trắng đực cuối cùng trên thế giới và đã chết vào năm 2018.

Zacharia Kipkirui là một nhân viên bảo vệ tại khu bảo tồn dành riêng cho 2 con tê giác trắng phương bắc cuối cùng trên Trái Đất. Ông đang cố gắng để làm Fatu - con ít tuổi hơn - bình tĩnh lại sau khi nó được đưa vào chuồng, chuẩn bị cho quá trình lấy trứng. Fatu và Najin là cháu gái và con gái của Sudan - con tê giác trắng đực cuối cùng trên thế giới và đã chết vào năm 2018.

Các nhân viên cố gắng tìm cách dụ Fatu vào vị trí được định sẵn trong chuồng. Họ gắn bó với hai con tê giác này 24/7 tại khu bảo tồn Ol Pejeta ở Kenya, cách thủ đô Nairobi 250 km về phía bắc. Những hình ảnh này được chụp vào tháng 12/2019 bởi nhiếp ảnh gia Justin Mott, khi anh đến đây ghi lại quá trình lấy trứng từ hai con tê giác cái nhằm chuẩn bị cho việc thụ tinh trong ống nghiệm, với tinh trùng của những con tê giác đực đã chết trước đây.

Sau khi Najin được gây mê nhẹ, các nhân viên cố gắng điều khiển con vật nặng tới 4 tấn vào vị trí, trước khi bác sĩ thú y gây mê liều cao hơn nhằm chuẩn bị cho quá trình lấy trứng. Đã từng có một đợt lấy trứng hồi tháng 8, nhưng việc này được lặp lại một lần nữa vào tháng 12 vừa rồi, để tăng khả năng hồi sinh loài vật được coi là đã tuyệt chủng về mặt kỹ thuật (không còn khả năng sinh sản tự nhiên).

Trong quá trình gây mê, Fatu được nhân viên y tế của cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya theo dõi sức khỏe. Những nhiệm vụ như thế này là sự phối hợp của rất nhiều bên, gồm các nhà khoa học châu Âu, các nhân viên bảo vệ động vật của chính phủ Kenya và nhân viên của khu bảo tồn.

Hộp đựng các loại thuốc cần thiết cho quá trình lấy trứng từ tê giác. Thuốc mê, thuốc an thần, thuốc khẩn cấp đều được áp dụng với một tiêu chuẩn cụ thể, được tối ưu hóa nhằm có thể dùng nhiều lần mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của hai con tê giác trắng cuối cùng. Các nhân viên chăm sóc ở khu bảo tồn hết sức lo lắng, vì nếu có gì xấu xảy ra, dân số loài này sẽ giảm đi một nửa.

Tinh trùng của Sudan - con đực cuối cùng chết hồi tháng 3/2018, được lưu trữ trong khí nitơ lỏng kể từ khi được thu thập hồi năm 2014. Thứ quý giá này sẽ được vận chuyển từ Kenya đến Viện nghiên cứu Vườn thú và Động vật hoang dã ở Leibniz, Đức, để phục vụ công tác nhân giống.

Robert Hermes và Thomas Hildebrandt, hai nhà nghiên cứu đến từ Leibniz, đang dùng máy siêu âm để lấy trứng từ Fatu. Tinh trùng sử dụng để thụ tinh cho trứng của Najin và Fatu đến từ 2 cá thể tê giác trắng đực đã qua đời trước đây (không phải từ Sudan).

Najin - mẹ của Fatu - đang nằm nghỉ tại khu bảo tồn khi các nhà khoa học đang tiến hành lấy trứng từ Fatu. Kenya từng có tới 20.000 con tê giác vào những năm 1970, nhưng quãng thời gian dài với tình trạng săn bắn trái phép tràn lan khiến cho số lượng loại này chỉ còn lại 650 cá thể, và gần như toàn bộ là tê giác đen.

Ông Thomas Hildebrandt sử dụng kính hiển vi để kiểm tra những mẫu trứng, ngay sau khi chúng được lấy ra ngày 17/12. Đây là lần thứ 2 nhóm của ông tiến hành lấy trứng của tê giác trắng phương bắc, việc chưa từng được thực hiện trước đây.

Bước tiếp theo trong quá trình, trứng của Najin và Fatu sẽ được chuyển lên máy bay, đi tới thủ đô Nairobi rồi chuyển tiếp tới phòng nghiên cứu tại Italy, nơi chúng được thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của các con tê giác đực đã chết, và các phôi thai thành công sẽ được đặt vào tê giác cái sống trong môi trường nuôi nhốt ở các sở thú ở châu Âu.

Sau khi "xong việc", các nhân viên tại khu bảo tồn đưa hai mẹ con Najin và Fatu trở lại khu vực mà chúng sinh sống. Cả hai được bảo vệ bởi các nhân viên an ninh có vũ trang suốt 24/7.

Quốc Thăng
Ảnh: Washington Post

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-chien-hoi-sinh-te-giac-trang-phuong-bac-tu-hai-con-cai-cuoi-cung-post1037545.html