Cuộc chiến hạ bệ đồng USD: Không dễ

Đồng USD có sức mạnh vì có khả năng thanh toán khắp thế giới và vì Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang tiến hành xung đột thương mại cùng lúc với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… Một số các giải pháp được các nước đưa ra nhằm đối phó lại Mỹ là đe dọa hoặc đã tiến hành loại bỏ đồng USD ra khỏi các giao dịch ngoại thương.

Đánh giá về cuộc chiến hạ bệ đồng USD của nhiều quốc gia trên thế giới, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định, ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, đồng USD vẫn rất mạnh và ý định phế truất đồng USD của các nước chưa thể thành hiện thực.

Phân tích cụ thể, vị chuyên gia nhận định, chính sách "nước Mỹ trên hết", thực hiện bảo hộ cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể coi là một sai lầm, đi ngược lại cái chung và trước sau gì Mỹ cũng sẽ bị cô lập, các nước trừng phạt đáp trả.

Dù vậv, ở thời điểm này, không thể coi đồng USD bị suy thoái và đồng tiền này cũng chưa bị giảm sút nhiều vì kinh tế Mỹ vẫn còn rất mạnh, trong khi sự liên kết của các đồng tiền chung trên thế giới, của các nước có đồng tiền mạnh vẫn chưa đáng kể dù đó đang là một xu hướng, vì thế chưa thể tạo nên sức áp đặt tương xứng với nền kinh tế Mỹ.

"Đồng USD vẫn rất mạnh. Thị trường chứng khoán, giá trị đồng tiền của Mỹ vẫn được nâng lên, trong khi giá trị đồng tiền của các nước bị Mỹ trừng phạt như đồng rúp Nga, nhân dân tệ của Trung Quốc... lại giảm giá.

Điều đó chứng tỏ sức mạnh của USD vẫn còn bao trùm thế giới và đóng vai trò chi phối nhưng về lâu dài, vị thế đồng USD có thể bị ảnh hưởng. Nếu đồng tiền của các nước mạnh lên, các quốc gia liên kết lại với nhau như EU-Trung Quốc, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran, Nga-Trung Quốc... thì sẽ tạo ra sức mạnh.

Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ, như đã nói, USD vẫn ở thế thượng phong, vẫn chiếm 80% lượng giao dịch thanh toán trên thế giới. Các nước dẫu có nhen nhóm thanh toán song phương với nhau nhưng cũng chỉ chiếm 10-12%. Sự rời rạc ấy chưa thể đối trọng được với Mỹ.

Hạ bệ USD là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự liên kết giữa các đồng tiền và sự phối hợp giữa các khu vực phải mạnh mẽ, chặt chẽ và đồng bộ hơn nữa", TS Cao Sĩ Kiêm chỉ rõ.

USD vẫn là đồng tiền mạnh

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dẫn chứng sự bắt tay của một số quốc gia nhằm hạ bệ đồng USD nhưng một lần nữa nhấn mạnh, tác động của chúng đến USD là không đáng kể.

Theo đó, cả Nga và Trung Quốc đều xem xét khả năng chuyển sang ngoại tệ khác trong các giao dịch dầu mỏ. Đồng thời, từ năm ngoái, hai quốc gia này đã thiết lập một hệ thống thanh toán cân đối giữa đồng nhân dân tệ và đồng rúp để giảm bớt các nguy cơ thanh toán đối với dầu mỏ và các mặt hàng khác.

Việc bán dầu và khí đốt của Nga cho Trung Quốc cũng đã được thực hiện bằng đồng rúp và nhân dân tệ.

Những biện pháp của Nga và Trung Quốc, theo TS Cao Sĩ Kiêm, khiến cả hai quốc gia cùng được lợi nhưng hai nước không phải chỉ thanh toán với nhau mà còn phải thanh toán khắp thế giới.

Nếu các nước không chấp nhận dùng đồng nhân dân tệ và rúp làm thanh toán quốc tế thì cũng chưa thể tác động gì đến USD. Và thực tế đúng là như vậy vì đồng USD từ lâu đã là đồng tiền quốc tế và các nước đã chấp nhận, thay đổi điều này không dễ.

"Đồng tiền của Nga và Trung Quốc chưa mạnh, quy mô kinh tế của Nga và Trung Quốc cũng chưa thể sánh được với Mỹ.

Quy mô kinh tế của Nga chỉ có hơn 1.000 tỷ USD, Trung Quốc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng dân số đông, thu nhập bình quân đầu người chưa phải là cao.

Trong khi đó, có nhiều điều kiện để đồng USD trở thành đồng tiền quốc tế và không dễ gì thay đổi điều này. Một đồng tiền mạnh đòi hỏi phải có sức mạnh về kinh tế và thanh toán. Đồng USD có sức mạnh vì có khả năng thanh toán khắp thế giới và vì Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới nên chắc chắn, vì thế của nó chưa bị suy chuyển nhiều", TS Cao Sĩ Kiêm phân tích.

Một dẫn chứng khác, sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, Mỹ đã đe dọa trừng phạt các tập đoàn, các nước vẫn làm ăn với Iran. Trong bối cảnh đó, EU khuyến khích các doanh nghiệp của khối tiếp tục hợp tác với Iran, đồng thời tuyên bố sẽ kích hoạt một bộ luật nhằm bảo vệ các công ty châu Âu khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Dù vậy, vẫn không thể tránh khỏi việc hàng loạt tập đoàn lớn của châu Âu rút khỏi thị trường Iran.

"Mấu chốt nằm ở lợi ích kinh tế. Nếu bị thiệt hại kinh tế, doanh nghiệp sẽ tự xử lý, không thể kêu gọi, ép buộc hay áp đặt chính trị đối với họ. Điều đó cũng cho thấy giá trị quá lớn của đồng USD", vị chuyên gia nói.

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, nếu xu hướng giảm sự phụ thuộc vào USD tiếp tục được nâng lên, kinh tế các nước phát triển hơn, đồng thời sự phối hợp về tiền tệ giữa các nước chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất hơn thì có thể gây áp lực cho đồng USD.

Tuy nhiên, áp lực ấy đến nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào sức mạnh kinh tế của các nước có được phục hồi và nâng lên hay không, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế và đang đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

"Nếu Mỹ rút khỏi WTO, họ có thể sẽ củng cố trong nước nhưng điều đó cũng có nghĩa là Mỹ tách mình ra khỏi thế giới, tự cô lập mình. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nước Mỹ, kể cả đầu tư, thương mại và thanh toán tài chính, ngân hàng", ông lưu ý.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/cuoc-chien-ha-be-dong-usd-khong-de-3365306/