Cuộc chiến giữa các đại ca tranh giành lãnh địa 'vàng tặc'

Cuộc chiến đẫm máu giữa 28 đối tượng là đại ca, đầu gấu của các băng nhóm đào đãi vàng trái phép đã khiến 1 người chết, hàng chục người bị thương.

Ngày 3/10/1997 (cách đây đúng 21 năm), tại bãi vàng Nước Nác (thôn 4, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà my, tỉnh Quảng nam) đã diễn ra cuộc chiến đẫm máu giữa 28 đối tượng là đại ca, đầu gấu của các băng nhóm đào đãi vàng trái phép, khiến 1 người chết, hàng chục người bị thương.

Đến nay, 27 đối tượng đã bị xét xử và thi hành án. Riêng Vũ Đức Thắng (SN 1965, quê phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên), đối tượng duy nhất còn lại đã bỏ trốn và bặt vô âm tín cho đến ngày 11/3/2014 thì bị lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm Công an Quảng Nam bắt giữ.

Lều lán của “vàng tặc” ở miền Tây, Quảng.

Đại ca ở bãi vàng Nước Nác

Những năm 1990, nhiều người đổ về miền tây tỉnh Quảng Nam khai thác vàng với giấc mộng làm giàu. Tại bãi vàng Nước Nác, hàng chục nhóm đã lập "đại bản doanh" với hơn 300 vàng tặc ngày đêm đào bới.

Khai thác vàng bất hợp pháp, phần đông phu vàng có lý lịch bất hảo nên chuyện đâm chém, tranh giành lãnh địa và cướp bóc xảy ra liên tục.

Một số băng nhóm đình đám ở “xứ sở vàng” do các đại ca cầm đầu như Đỗ Duy Lệ (quê Nam Định), Vũ Đức Thắng (Thái Nguyên), Lê Xuân Thu, Ngô Thu Sương (Quảng Nam)... Trong quá trình đào đãi vàng tại đây, do tranh giành lãnh địa nên giữa các băng nhóm này thường xảy ra mâu thuẫn.

Trong đó, nhóm của Đỗ Duy Lệ oai hùng nhất. Để thống lĩnh “xứ sở vàng”, Lệ thường câu kết với các chủ lán khác như Lưu Văn Luận, Lưu Văn Thanh (quê Thái Nguyên), Hoàng Văn Sỹ (Hà Tĩnh), Ngô Văn Chiến, Nguyễn Văn Minh… chuyên dùng hung khí nóng như dao, mã tấu, kiếm, gậy… để uy hiếp, cướp bóc tài sản của các lán trại khác.

Khi thấy băng nhóm nào khai thác được bột đá (còn gọi là sái, có chứa vàng chưa xử lý), Lệ thường đến tìm cách “phạt” để thu bột đá rồi đưa đi phân kim, bán để tiêu xài.

“Con giun xéo lắm”

Theo hồ sơ của Công an Quảng Nam, chỉ trong hai tháng 8 và 9/1997, nhóm của Lệ đã 5 lần chiếm đoạt xái vàng hoặc trấn áp, bắt phải nộp phạt mới tha mạng.

Đầu tháng 8/1997, Hoàng Văn Sỹ phát hiện 3 đống bột đá của Lê Xuân Thu khai thác để tại bãi Nước Nác bèn kể cho Lệ nghe. Lệ liền cùng Sỹ, Luận, Thanh, Chiến, Minh… mang hung khí đi cưỡng đoạt.

Đến nơi, Lệ cắm thánh giá vào đống bột đá của Thu và dõng dạt tuyên bố: “Chỗ nào có thánh giá là chỗ đó của tao!”. Mặc dù rất tức giận nhưng do yếu thế nên Thu đành ngậm bồ hòn để Lệ lấy gọn 90m3 bột đá (trị giá khoảng 27 triệu đồng) mà mình vừa bỏ bao công sức đưa từ dưới đáy hầm lên.

Chưa dừng lại đó, cuối tháng 8/1997, Lệ lại bảo Luận, Thanh, Chiến, Minh, Sỹ đi cùng với mình đến chiếm đoạt 8m3 bột đá mà Thu vừa khai thác được.

Lần này, Thu nhất quyết không cho. Mặc kệ, Lệ cùng 16 tên đàn em dùng dao, rựa, búa, gậy, kẻ đứng canh, người nhào vào hốt sạch đống bột đá của Thu.

Lần đó, bọn của Lệ phân kim bột đá được 15 chỉ vàng rồi chia nhau tiêu xài. Giữa tháng 9/1997, Phạm Anh Tuấn và Nguyễn Xuân Kỳ (người Lâm Đồng) đang đứng ở máy xay đá của mình thì bất ngờ phát hiện một số tên lạ mặt đột nhập và lấy đi 2 máng thủy ngân đang lọc vàng bột của mình chạy về hướng lán của Cao Trọng Tiến, một đồng bọn của Đỗ Duy Lệ.

Thấy thế, Kỳ liền cầm một viên đá ném về phía những người lấy trộm máng thủy ngân, tuy nhiên viên đá lại trúng vào lán của Tiến. Đang ngủ nhưng nghe có tiếng động nên Tiến thức giấc.

Quen cuộc sống giang hồ nên Tiến liền cầm mã tấu và đèn pin chạy ra khỏi lán. Thấy Tuấn, Kỳ đang nhìn về lán của mình, nghi 2 người họ ném đá nên cất tiếng hỏi: “Sao tụi mầy lại ném đá?”.

Không để Tuấn, Kỳ trả lời, Tiến liền đi đến rút 2 máng thủy ngân còn lại ở máy xay của Tuấn, Kỳ và đưa mã tấu kề vào cổ của Kỳ bắt Kỳ dẫn về lán của mình. Tại đây, Tiến tiếp tục đánh Kỳ và giữ lại không cho Kỳ ra về.

Khoảng 4 tiếng đồng hồ sau, Kỳ nhờ một số người hành nghề cõng chuyến báo với Mạnh, Tuấn đến gặp Tiến van xin giúp. Khi đến, Tiến yêu cầu nộp phạt 2 triệu đồng mới thả cho Kỳ về.

Không còn cách nào khác, Tuấn, Kỳ, Mạnh đành phải cắn răng lạy lục, van xin nhiều lần thì Tiến mới hạ giá xuống còn 500 ngàn đồng. Khi Tuấn giao nộp đầy đủ số tiền theo yêu cầu thì Tiến mới cho Kỳ ra và trả lại 2 máng thủy ngân.

Hoạt động khai thác vàng sa khoáng ở khu vực miền núi, biên giới tỉnh Quảng Nam vẫn nóng từ hàng chục năm nay.

Những cánh rừng đại ngàn biên giới bị “đại náo” bởi những “đoàn quân” đi tìm vàng. Mọi xó xỉnh, ngóc ngách, núi đồi, sông suối, không nơi nào không bị bọn “vàng tặc” mò tới.

Chúng lùng sục khắp nơi, đào bới, chặt phá cây rừng để lấy đất, đá đãi vàng, thậm chí còn dùng tời quay bằng loại dây cáp sắt phi 20 để đưa đất từ trên núi xuống, hoặc mở những miệng giếng vào sâu trong lòng núi từ 200 - 300m để lấy đất, đá.

Công nghệ khai thác vàng sa khoáng của “vàng tặc” rất đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Đầu tiên là tìm nguồn nguyên liệu, khi xác định những khu vực trong đất, đá có vàng sa khoáng, chúng bắt đầu đưa quân lên làm lán trại, xác định “chủ quyền” bãi vàng, lắp đặt máy móc, thiết bị.

Những máy móc, dụng cụ dùng vào việc khai thác vàng chủ yếu có: Máy xay đá, máy nổ, máy phát điện, mô tơ bơm nước. Ngoài ra, “vàng tặc” còn lắp đặt cả hệ thống dẫn nước dài hàng trăm mét đường ống để bơm nước từ dưới suối lên đãi vàng.

Tùy theo năng lực tài chính, mỗi chủ lán có thể đầu tư cho việc khai thác vàng, ít thì chừng 50 triệu, nhiều thì từ 150 đến 200 triệu, trong đó bao gồm tiền mua máy móc thiết bị, dụng cụ khai thác, sinh hoạt, lương thực thực phẩm.

Nếu “trúng mánh” thì chỉ trong vòng 1 đến 2 tháng là hoàn vốn. Nhiều chủ vàng đã nhanh chóng giàu lên nhờ máu “liều” và cả vận may, nhưng cũng có những chủ lán sau một thời gian lăn lộn, phiêu bạt trên các cánh rừng vẫn làm ăn thua lỗ, thợ thuyền bỏ đi hết, đành phải ngậm ngùi “sang” lại máy móc cho “đồng nghiệp”, vốn liếng không còn đành phải làm thuê cho các chủ lán khác kiếm cơm.

Từ năm 1997 đến nay, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có nhiều văn bản, chỉ thị nghiêm cấm việc khai thác vàng sa khoáng ở các huyện miền núi, biên giới.

Các lực lượng chức năng, trong đó có Bộ đội Biên phòng cũng đã tiến hành nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng đào đãi vàng sa khoáng trái phép ra khỏi địa bàn; tổ chức phá hủy hàng trăm lán trại, máy móc, dụng cụ đào đãi vàng.

Hàng trăm chủ lán, đối tượng làm thuê đã bị trục xuất khỏi địa bàn. Nhưng qua một thời gian ngắn nằm im nghe ngóng, dân làm vàng lại “ùn ùn” kéo lên biên giới.

Tác quai tác quái

15 giờ ngày 22/9/1997, Đỗ Duy Lệ từ lán của Lê Minh Huỳnh về lán của Trịnh Thị Hòa, người yêu của Lệ thì thấy Ngô Thu Sương cùng một số người khác chơi bài. Lệ liền dùng cây đánh Sương với mục đích cướp tiền. Biết Lệ là tên cướp khét tiếng nên những người chơi bài đều bỏ chạy.

Lệ ung dung lật chiếu lấy tiền của các con bạc để lại. Chưa thỏa lòng tham, Lệ liền đến bên Sương đưa tay vào túi áo của Sương lấy 700 ngàn đồng. Sau đó, Lệ còn đánh Sương và đuổi Sương ra khỏi lán.

Ra khỏi lán của Hòa, Sương chạy thục mạng về lán của mình kể cho mọi người nghe rằng mình bị Lệ cướp 1,4 triệu đồng. Trưa ngày 25/9, Lệ nghe tin Sương nói mình lấy 1,4 triệu đồng, nhiều gấp đôi số tiền thực tế đã lấy nên cầm búa và rủ Thanh, Luận, Chiến, Sỹ, Minh đến lán của Trần Duy Nhất tìm Ngô Thu Sương để “tính sổ” tội phao tin đồn nhảm.

Sau khi đánh Sương, Lệ cho đàn em trói Sương đưa về lán của Lệ. Khi Sương van xin thì Lệ bắt Sương phải “bồi thường danh dự” cho mình bằng cách viết giấy nợ Lệ 10 cây vàng và buộc đến này 5/10 Sương phải trả 10 cây vàng này cho Lệ.

Bị dồn vào đường cùng, không thể nhịn nhục được nữa nên Ngô Thu Sương rủ Vũ Đức Thắng, Lê Xuân Thu, Trần Duy Nhất và các chủ lán khác hợp sức lại chống trả lại băng nhóm của Đỗ Duy Lệ. Sau khi hạ quyết tâm phục hận, các đại ca giang hồ phân công nhiệm vụ cho từng người một.

Lê Xuân Thu có nhiệm vụ vẽ sơ đồ, vị trí các lán của Lệ, Tiến, Duấn. Những người khác được phân công liên hệ các nhóm đào đãi vàng khác để xin quân chuẩn bị cho trận đánh. Đến chiều ngày 2/10, băng nhóm của Thu đã tập hợp được gần 100 tên.

Sau khi tập hợp được lực lượng, Thu lấy giấy có vẽ sẵn sơ đồ vị trí các lán của đối phương để chỉ cho đồng bọn cách thức tấn công. Về thời điểm tấn công, băng nhóm của Thu thống nhất từ 3 đến 4 giờ ngày 4/10, thời điểm mà bọn của Lệ ngủ say do hút thuốc phiện. Về hung khí thì bọn chúng chuẩn bị quả nổ, mã tấu, dao, gậy, kiếm.

Thu được giao nhiệm vụ dùng quả nổ để báo thức. Về lực lượng “tác chiến”, bọn chúng lên kế hoạch chặt chẽ như sau: nhóm thứ nhất do Ngô Thu Sương và Vũ Đức Thắng, Vi Văn Thắng cầm đầu với hơn 14 người có nhiệm vụ bao vây lán của Trịnh Thị Hòa để đánh Đỗ Duy Lệ đang ngủ tại đây.

Khi tấn công vào lán của thị Hòa, nhóm này sẽ lục soát lấy lại giấy nhận nợ 10 cây vàng của Sương do Lệ đang tạm giữ; nhóm thứ hai do Trần Duy Nhất, Trần Hòa Sơn, Trần Văn Lộc, Trần Ngọc Tư cầm đầu với hơn 20 người có nhiệm vụ đánh lán của Lệ và bắt giữ Lưu Văn Thanh; nhóm thứ ba do Thu, Trần Phong Trắc, Phan Văn Vinh, Nguyễn Ngọc Tịnh cầm đầu gồm khoảng 15 người có nhiệm vụ vây đánh lán Đinh Văn Duấn và bắt trói Duấn…

Sau khi họp thống nhất phương án, ngay trong đêm đó các tên cầm đầu trong nhóm về lán tập hợp quân của mình để phổ biến nội dung và phân công người chuẩn bị hung khí, phương tiện đánh nhau. Tại lán của Trần Duy Nhất, Trần Hòa Sơn và Nguyễn Văn Thành làm được 7 quả nổ.

Sơn giữ một quả nổ và giao cho Trần Ngọc Tư, Đoàn Chín, Ngô Tấn Tường, Lê Văn Lầu, Trần Hoàng Quy, Phan Anh Kiệt mỗi người một quả để sử dụng khi tấn công nhóm của Đỗ Duy Lệ.

Nam Phương

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/cuoc-chien-giua-cac-dai-ca-xu-so-vang-d80136.html