Cuộc chiến gian nan chống tin giả

Vấn nạn tin giả đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Nó được ví như một dịch bệnh và môi trường thuận lợi để chúng lan truyền nhanh chóng chính là mạng xã hội. Trong thời đại kỷ nguyên số, một trong những nhiệm vụ quan trọng của truyền thông truyền thống là kiểm chứng những thông tin đó và cung cấp cho độc giả những thông tin sự thật đa chiều.

Tin giả, hậu quả thật

Tin giả bao giờ cũng gay cấn, gây tò mò hơn so với tin thật. Đó là lý do tin giả lan truyền nhanh chóng và rộng rãi hơn nhiều. Con người dường như có bản ngã tự động truyền bá tin tức giả mạo. Những kết luận này được công bố trong một nghiên cứu trên tạp chí Science vào tháng 3/2018.

Tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (MIT), các nhà nghiên cứu đã phân tích 126.000 câu chuyện được ba triệu người đăng tải lại với tổng số 4,5 triệu lần trên mạng xã hội. Dữ liệu được sử dụng kéo dài từ năm 2006 đến 2017. Nghiên cứu đưa ra kết quả rất đáng lo ngại. Những thông tin đặc biệt liên quan đến Cơ quan tình báo Mỹ, các cuộc điều tra của Quốc hội… đều được lan truyền với tốc độ chóng mặt dù thông tin chưa được xác thực. Đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Khi người dân còn đang cân nhắc bầu cho ứng cử viên nào thì hàng loạt thông tin chưa được kiểm chứng rõ ràng đã được phát tán trên mạng xã hội, mạng Internet với tốc độ lan truyền khủng khiếp. Những tiêu đề như: “Đức Giáo hoàng ủng hộ Trump”, “Hillary bán vũ khí cho IS”, “Ông Trump dành được đa số phiếu phổ thông” (trên thực tế bà Hillary mới là người thắng phiếu phổ thông)… đã thu hút sự chú ý rất lớn của mọi người, vượt qua cả những tin tức chính thống.

Bên cạnh đó, một loạt các nghiên cứu khác cũng cho thấy vấn nạn tin giả ngày càng gia tăng là một vấn đề nghiêm trọng cả về chất và lượng thông tin chứ không chỉ là một phương diện biểu hiện của báo lá cải. Ngoài những ảnh hưởng đối với chính trị, tin tức giả mạo trên phương tiện truyền thông xã hội có thể khiến những phát ngôn thù hận biến thành bạo lực trong cộng đồng nhanh hơn.

Điển hình như vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử New Zealand hiện đại vào hồi đầu năm nay. Hung thủ đã nhắm tới các tín đồ Hồi giáo đang đi lễ ngày thứ sáu hằng tuần tại đền thờ Al Noor ở trung tâm thành phố Christchurch trước khi tiếp tục tấn công một đền thờ khác ở khu ngoại ô Linwood. Đối tượng này tự nhận là một người ủng hộ thuyết “người da trắng thượng đẳng”. Trước và trong khi hành động, đối tượng đã đăng tải một bài viết dài thể hiện quan điểm cực đoan trên tài khoản Twitter và phát trực tiếp hình ảnh vụ việc trên Facebook cá nhân. Các hình ảnh và nội dung này sau đó được lan truyền chóng mặt trước khi các nền tảng trực tuyến can thiệp và gỡ bỏ. Truyền thông xã hội đang ngày càng bị lạm dụng để tuyên truyền cho các tư tưởng hận thù mù quáng.

Các nước mạnh tay chống nạn tin giả

Để đối phó với tình hình tin giả tràn lan như hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh tay.

Năm ngoái, Chính phủ Đức đã thông qua một đạo luật yêu cầu các mạng xã hội phải loại bỏ các bài viết có nội dung, ngôn từ kích động thù địch hay thông tin sai sự thật. Các trang mạng xã hội này sẽ có thời hạn 24 giờ để xóa bỏ các nội dung bị cấm, nếu không sẽ bị phạt tới 50 triệu Euro.

Cùng với Đức, Malaysia là một trong số không nhiều quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức ban hành và cho thực thi Luật chống tin giả. Luật này được thông qua hồi tháng 4/2018 nhằm kết tội những người cố ý tạo và phát tán tin giả. Cụ thể, bất kỳ ai phạm tội có thể bị phạt tù tới sáu năm chịu mức phạt lên tới 500 nghìn Ringgit và ngồi tù lên đến 6 năm. Đáng chú ý, luật này còn áp dụng cả với người nước ngoài nếu tin giả họ phát tán gây ảnh hưởng tới Malaysia hoặc công dân của họ.

Tháng 3/2019, Tổng thống Vladimir Putin đã ký đạo luật áp dụng những hình phạt khắt khe đối với các công dân Nga truyền bá những gì chính quyền coi là tin giả hoặc những người thể hiện “sự thiếu tôn trọng trắng trợn” đối với Nhà nước trên mạng. Theo đó, các cá nhân sẽ bị phạt tới 400.000 Ruble (tương đương 6.100 USD) khi lan truyền những thông tin giả trên mạng, có nguy cơ dẫn tới hành vi vi phạm an ninh trật tự quy mô lớn. Những người có hành vi thiếu tôn trọng với Nhà nước, người dân, Quốc kỳ và Hiến pháp Nga trên mạng Internet có thể bị phạt hơn 1.500 USD. Những cá nhân tái phạm có thể phạt tù 15 ngày. Bên cạnh đó, luật mới cho phép nhà chức trách có quyền chặn các trang web nếu không tuân thủ yêu cầu gỡ bỏ thông tin trong vòng 24 giờ mà chính quyền cho là sai sự thật.

Gần đây nhất, ngày 1/4 vừa qua, Quốc hội Singapore bắt đầu xem xét áp dụng “Dự luật bảo vệ trước tin giả và thao túng trên mạng”. Nếu được thông qua, luật mới sẽ trao cho Chính phủ đảo quốc sư tử quyền xử lý tin giả mạnh tay hơn như phạt tới một triệu đô la Singapore (hơn 17 tỷ đồng) và mức tù tối đa 10 năm đối với các trường hợp lan truyền tin giả nghiêm trọng nhất.

Truyền thông chung tay

Giải quyết vấn nạn tin tức giả mạo không chỉ yêu cầu các quốc gia có thái độ nghiêm túc, hành động quyết liệt, có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu, mà còn đòi hỏi trách nhiệm từ chính các cơ quan truyền thông, báo chí.

Trong nỗ lực nhằm xác minh thông tin được phát tán trên Internet và để những thông tin này trở nên hữu ích cho hoạt động đưa tin, hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) đã thành lập một nhóm chuyên trách có tên gọi D-Watch. Nhiệm vụ của nhóm là theo dõi các trang web và mạng xã hội liên tục từ 9h đến 23h hàng ngày. Sau đó, nhóm sẽ báo cáo định kỳ về Trung tâm tin (đơn vị đầu não của Ban Thời sự) những thông tin có giá trị về mặt tin tức. Trung tâm tin nhận thấy cần phải đưa tin dựa trên cơ sở thông tin nhận được từ nhóm D-Watch, sẽ chỉ đạo bộ phận tin tức cử phóng viên tới hiện trường xảy ra sự kiện. Các phóng viên có nhiệm vụ kiểm chứng thông tin tại hiện trường, sau đó viết tin bài và chụp ảnh cũng như ghi hình nếu cần thiết.

Đối với hãng thông tấn hàng đầu AAP của Australia, bên cạnh tiếp tục thông tin nhanh chóng về các sự kiện, hãng này còn thành lập hệ thống kiểm định tin tức trên website, Apple News, Facebook và Google News. Với hệ thống trên, AAP có khả năng kiểm tra lại những tuyên bố của các nhân vật có ảnh hưởng đến công chúng là đúng hay sai. Từ đó, AAP tăng cường niềm tin của khách hàng và củng cố thêm thương hiệu.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap đã thành lập ủy ban kiểm chứng thông tin vào tháng 4/2018 và trở thành một bộ phận của phòng tin tức. Các phóng viên nước ngoài và tất cả các nhà báo có thể gắn cụm từ “kiểm chứng sự thật” vào các bài báo khi họ gặp phải những vấn đề cần sự tách biệt rõ ràng giữa sự thật và không đúng sự thật. Mục đích của họ nhằm không giới hạn việc kiểm chứng thông tin ở những lĩnh vực hay vấn đề nhất định nào.

Ngọc Ly

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/cuoc-chien-gian-nan-chong-tin-gia-d2068662.html