Cuộc chiến giá trên thị trường gạo châu Á

Châu Á đang chứng kiến cuộc đua tranh xuất khẩu gạo khi các nước như Ấn Độ và Việt Nam đẩy mạnh các nỗ lực tăng doanh thu xuất khẩu. Song cuộc cạnh tranh này có thể gây áp lực cho giá gạo trên toàn cầu khiến những nước thắng cuộc cũng sẽ chịu tổn thiệt, theo tờ Nikkei Asian Review.

Giá gạo thường xuất khẩu của Thái Lan đã giảm 9% so với hồi tháng 1 năm ngoái, chỉ còn khoảng 400 đô la/tấn. Ảnh: Nikkei Asian Review

Thái Lan, từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong hơn 3 thập kỷ, giờ đây đối mặt với triển vọng xuất khẩu gạo u ám. Xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm xuống 11 triệu tấn trong năm 2018 từ mức 11,6 triệu tấn trong năm 2017. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này có thể giảm xuống còn 10 triệu tấn trong năm 2019.

Các công ty xuất khẩu gạo Thái Lan thậm chí còn bi quan hơn. Họ dự báo xuất khẩu gạo của nước này sẽ giảm xuống còn 9-9,5 triệu tấn, chủ yếu do các rủi ro từ bên ngoài.

Năm 2017, Chính phủ Thái Lan đã tận dụng nhu cầu gạo tăng lên trên toàn cầu để đẩy mạnh xuất khẩu, giúp giảm bớt lượng gạo tồn kho khổng lồ, một "di sản" của chương trình thu mua lúa gạo trợ giá của cựu Thủ tướng Thái Lan Minister Yingluck Shinawatra. Sau khi lên cầm quyền vào năm 2011, chính phủ của bà Yingluck Shinawatra bắt đầu mua lượng gạo khổng lồ của nông dân ở mức giá cao để dự trữ, khiến nguồn cung toàn cầu suy giảm, đẩy tăng giá gạo.

Bà đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014 và phải trốn chạy ra nước ngoài ba năm sau đó ngay trước khi bị kết án 5 năm tù vì những bê bối trong chương trình thu mua lúa gạo trợ giá. Giữa lúc tình hình chính trị trong nước rối ren, Thái Lan đã không dự liệu được sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Ấn Độ, Việt Nam và các nước xuất khẩu gạo khác ở châu Á.

Tại Ấn Độ, nơi lực lượng nông dân đông đảo là một bộ phận cử tri quan trọng, Thủ tướng Narendra Modi đã bắt chước chính sách của bà Yingluck Shinawatra để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri ở các miền quê trước thềm cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5 tới. Cách đây hai tháng, chính phủ ông Narendra Modi đã thông báo trợ giá 5% cho gạo non-basmati xuất khẩu, loại gạo không phải là gạo basmati (gạo thơm có hạt thon dài).

Chương trình trợ giá này sẽ kết thúc vào cuối tháng 3, là một nỗ lực để thúc đẩy xuất khẩu gạo nhằm giảm lượng gạo tồn kho ngày càng lớn ở Ấn Độ bằng cách giúp các nhà xuất khẩu hạ giá để gạo của nước này có tính cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Nhiều lần trong năm 2018, hàng chục ngàn nông dân Ấn Độ từ khắp đất nước đã tuần hành đến thủ đô New Delhi yêu cầu xóa nợ và điều chỉnh giá nông sản tăng lên. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi muốn xoa dịu cơn oán giận của nông dân trước thềm cuộc tổng tuyển cử nên đã thông báo hàng loạt chương trình phúc lợi dành cho họ ngoài biện pháp hỗ trợ giá cả nông sản.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm 2019, tăng so với mức ước tính gần 6,1 triệu tấn trong năm 2018. Trong khi có nhiều nước châu Á muốn giải phóng các kho gạo dự trữ của họ, một cuộc chiến giá đang hình thành. Giá gạo thường xuất khẩu của Thái Lan đã giảm 9% so với hồi tháng 1 năm ngoái, chỉ còn khoảng 400 đô la/tấn.

Dù giảm giá vào năm ngoái nhưng giá trung bình của gạo thường Thái Lan vẫn cao hơn gạo thường của Việt Nam đang ở mức 380 đô la/tấn và cũng cao hơn gạo thường Ấn Độ đang được chào bán 372 đô la/tấn. Hơn nữa, tình hình chính trị ở Indonesia, một khách hàng lớn của gạo Thái Lan, cũng đang diễn tiến bất lợi cho các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan.

Năm ngoái, chính phủ Indonesia đã nhập khẩu đến 3 triệu tấn gạo, cao hơn mức thông thường 1 triệu tấn gạo/năm. Nỗ lực này rõ ràng để tránh nguy cơ thiếu gạo, có thể dẫn đến giá gạo tăng, gây tốn kém thêm cho người dân và có thể khiến cử tri bất mãn trước thềm cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 4 tới.

“Điều này có nghĩa là Indonesia giờ đây đã tích trữ đủ gạo và sẽ không mua thêm nhiều gạo trong năm nay”, một quan chức ở Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nói. Khi giá gạo suy giảm, các nước sản xuất gạo của châu Á chuyển sang trồng và xuất khẩu các loại gạo đặc sản để bảo đảm lợi nhuận. “Chúng tôi sẽ không tập trung vào số lượng mà là chất lượng. Chúng tôi sẽ không xuất khẩu gạo thường nữa nhưng chúng tôi tìm cách thâm nhập vào phân khúc cao của thị trường với gạo có chất lượng hảo hạng”, Adul Chotinisakorn, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, nói.

Việt Nam cũng đang đi theo con đường tương tự. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2018 ước đạt 3,03 tỉ đô la, tăng 16,1% về giá trị so với năm 2017. Giá gạo xuất khẩu năm 2018 cũng tăng mạnh, từ 452 đô la/tấn năm 2017 lên 502 đô la/tấn trong năm 2018, trong đó tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm tới 80%.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/284426/cuoc-chien-gia-tren-thi-truong-gao-chau-a.html