Cuộc chiến dòng chảy

Dự án đường ống dẫn khí đốt qua biển Baltic mang tên 'Dòng chảy phương Bắc 2' đã trở thành một trong những dự án năng lượng gây nhiều tranh cãi nhất trên thế giới. Một liên minh gồm tập đoàn Gazprom của Nga cùng với các tập đoàn của Đức, Hà Lan và Pháp đang có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu thứ 2 nối Nga và Đức qua biển Baltic. Dự án này gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ châu Âu, giữa châu Âu với Mỹ, và đã thấp thoáng bóng dáng của một cuộc chiến thương mại khác, đó là cuộc chiến trong lĩnh vực khí đốt.

Ống dẫn khí đốt được sử dụng cho Dự án "Dòng chảy phương Bắc 2". Ảnh: Sputnik

Những mạch ngầm chính trị

Hiện châu Âu có hai nguồn cung khí đốt. Một là nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga đến từ các mỏ tại khu vực Tây Siberi thông qua một hệ thống đường ống dẫn rất dài. Hai là nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ được vận chuyển bằng tàu, đắt hơn nhiều so với giá cả sản phẩm cùng loại của Nga. EU sẽ phải cần tới cả hai nguồn cung này trong một thời gian dài.

Vấn đề là đang có thêm dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Trong nhiều năm qua, dự án này đã gây ra nhiều rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ cũng như giữa các nước châu Âu với nhau. Đức ủng hộ mạnh mẽ dự án này. Đan Mạch có ý định dừng việc xây dựng đường ống ngầm dẫn khí đi qua lãnh hải của mình. Ba Lan thì cho rằng dự án này không mang tính cạnh tranh và lo ngại châu Âu sẽ phụ thuộc quá mức vào Nga trong vấn đề an ninh năng lượng. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn có lý do khác để "ác cảm" với đường ống dẫn dầu này, đó là ông muốn gia tăng xuất khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ sang châu Âu. Đặc biệt, Ukraine coi dự án này như là cách Nga sẽ thắt dây thòng lọng vào cổ họ. Cho dù nhiều ý kiến khác nhau là vậy, công việc nạo vét đã bắt đầu và các công nhân chuẩn bị đặt các đường ống dẫn ngầm dưới biển Baltic.

Tổng thống Nga Putin là người hiểu rõ sự liên quan giữa khí đốt tự nhiên và quyền lực chính trị. Theo ông, khí đốt tự nhiên phải trở thành một thứ vũ khí, một yếu tố quan trọng hậu thuẫn cho quyền lực chính trị. Nếu tuyến đường ống ngầm dưới biển của dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" đi vào vận hành, Ukraine sẽ mất đi nguồn thu nhập đáng kể từ việc trung chuyển năng lượng qua đất nước này. Các câu chuyện thời Chiến tranh Lạnh cho thấy Điện Kremlin luôn biết tính toán giữa chính trị và kinh tế, ví dụ việc cung cấp khí đốt cho châu Âu luôn được duy trì ngay cả khi quan hệ hai bên "băng giá". Khí đốt không chỉ sưởi ấm thế giới thực tại mà còn ảnh hưởng tới mối quan hệ chính trị giữa hai bên.

Sự ổn định của các khoản thu từ việc bán khí đốt ở miền Tây Siberia cho các nước công nghiệp phát triển của châu Âu là nguồn tài chính rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga vốn luôn phải đối mặt với sự trừng phạt vì vấn đề Ukraine, Crimea hay Syria. Trong vấn đề khí đốt, người ta có thể đọc được các con bài của Putin. Trung Quốc đã nổi lên là thị trường tiêu thụ thay thế cho các khách hàng cũ của Nga. Trong sự thay đổi này, chỉ còn vấn đề về khoảng cách và giá cả là đáng quan tâm.

Mức độ của cuộc chiến

Tình hình đang trở nên phức tạp với nhiều yếu tố đan xen chằng chịt. Trên thị trường, khí đốt hóa lỏng từ Mỹ cạnh tranh với khí đốt tự nhiên của Nga, và hai nhà cung cấp năng lượng này lại đang cùng phải cạnh tranh với khí đốt của vùng Vịnh Persic. Phương Tây có thể ung dung chờ xem các biến động của thị trường và tận dụng thời cơ hưởng lợi nếu các đường ống dẫn dầu và khí đốt tự nhiên của Kremlin bớt bị phụ thuộc vào vị trí địa lý của Ukraine. Không loại trừ khả năng ông Putin đang lợi dụng tất cả những điều trên để khắc phục những hậu quả của các sự kiện xảy ra trong những năm 1989-1991 mà ông đánh giá là "thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20". Putin thường xuyên ám chỉ đến vấn đề này khi đề cập đến tình hình và những nỗ lực của Nga muốn duy trì ảnh hưởng vượt ra ngoài các đường biên giới hiện tại.

Trước đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rất nỗ lực để cô lập ông Putin và lên tiếng phàn nàn rằng “Dòng chảy phương Bắc 2” có thể sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga, và sẽ cô lập Ukraine. Về phần mình, Nga đã đưa ra lập luận cho rằng mối quan tâm của Mỹ đối với Ukraine là nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận. Trong mắt Nga, Mỹ muốn dừng thỏa thuận này để họ có thể bán được nhiều hơn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của họ sang châu Âu. Và ông Trump đã phải thừa nhận điều đó.

Hồi tháng 7-2018, tại châu Âu, ông Trump đã chỉ trích việc Đức ủng hộ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” sau khi thừa nhận sự thực là Mỹ muốn tăng phần bán LNG sang châu Âu và sẽ cạnh tranh với khí đốt của Nga. Thông điệp với hàm ý trái chiều của ông đã gây ra sự khó hiểu. Tuy nhiên, nó đưa đến một kết luận quan trọng: Chính quyền Trump không muốn sử dụng đến vũ khí lớn nhất mà họ có để ngăn chặn đường ống này, đó là các lệnh trừng phạt.

Theo giới nghiên cứu, mức độ lệ thuộc của châu Âu vào Nga không cao như chỉ trích của Tổng thống Mỹ. Nếu căn cứ vào số liệu của năm 2017, chỉ có 31% lượng khí đốt tiêu thụ ở 28 nước thành viên EU là đến từ Nga, tức là từ Gazprom. Mức độ phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trên toàn châu Âu, không kể Anh, là 33%. Đây là một tỷ lệ hoàn toàn có thể chấp nhận được và không cho thấy có biểu hiện rủi ro đặc biệt nào. Trong khi đó, cũng cần lưu ý rằng quan hệ đối tác giữa châu Âu và Nga trong lĩnh vực năng lượng đã có từ lâu.

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” đi ngầm dưới lòng biển Baltic, dài 1.200 km, cho phép chuyển tải mỗi năm 55 tỷ m3 khí đốt đi thẳng từ Nga sang Đức. Dự án trị giá 9,5 tỷ euro này dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí tự nhiên từ Nga sang Đức từ năm sau.

Vào thời điểm nguồn dự trữ nhiên liệu ở Biển Bắc đang cạn dần, thị trường khí đốt châu Âu là một thách thức lớn. Theo những dự báo từ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” mà cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng giám sát, châu Âu sẽ phải tìm cách bù đắp thiếu hụt khoảng 120 tỷ m3 nhiên liệu từ nay đến năm 2035. Trong bối cảnh này, rõ ràng Mỹ và Nga là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Liệu cuộc chiến tranh khí đốt có diễn ra hay không, điều này còn phụ thuộc vào Tổng thống Mỹ và khả năng kháng cự của các tập đoàn châu Âu.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuoc-chien-dong-chay/