Cuộc chiến đất hiếm: Trung Quốc tăng sản lượng quyết đấu Mỹ!

Khi căng thẳng Mỹ - Trung vẫn là 'đống bùng nhùng' như hiện tại, đất hiếm được xem là một dạng 'vũ khí răn đe' của Bắc Kinh.

Trung Quốc, nơi nắm giữ trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, sẽ mở rộng sản xuất lên mức kỷ lục, trong bối cảnh quốc gia này đang này tìm cách duy trì sự thống trị toàn cầu trong lĩnh vực này.

Cụ thể, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc vừa ra thông báo nâng hạn ngạch sản xuất đất hiếm trong năm 2019 là 132.000 tấn, cao hơn 10% so với năm ngoái. Nếu Trung Quốc có thể đạt được hạn ngạch này thì đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp sản lượng đất hiếm mà Trung Quốc sản xuất đạt mức cao kỷ lục.

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ năng lượng tái tạo, nhà máy lọc dầu, điện tử và công nghiệp thủy tinh.

Giới quan sát chuyên theo dõi ngành công nghiệp Trung Quốc đã lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Washington bằng cách hạn chế khai thác và phát triển các mỏ khai thác, từ đó hạn chế nguồn cung.

Không phải không có lý do cho những lo ngại đó khi Trung Quốc chiếm tới 70% thị phần đất hiếm toàn cầu, và cung cấp tới 80% sản lượng đất hiếm nhập khẩu của Mỹ.

Công trường khai thác đất hiếm Lianyungang ở thành phố Lianyungang, thuộc tỉnh Giang Tô -Trung Quốc.

Công trường khai thác đất hiếm Lianyungang ở thành phố Lianyungang, thuộc tỉnh Giang Tô -Trung Quốc.

Lý do chính mà Bắc Kinh giải thích cho việc mở rộng khai thác là để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong nước. Đất hiếm là thành phần không thể thiếu trong việc sản xuất các nam châm hiệu suất cao được sử dụng trong động cơ xe điện.

Đáng chú ý, Trung Quốc hiện chiếm khoảng một nửa sản lượng xe điện của thế giới. Thông thường, sản lượng của các dòng xe chạy điện tăng khoảng 20% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm.

"Nếu Trung Đông có dầu, thì Trung Quốc có những mỏ đất hiếm vô tận", cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - cha đẻ của chính sách cải cách và mở cửa - đã tự hào nói như vậy. Cùng với sự phát triển của kinh tế, Trung Quốc đã mua công nghệ khai thác, chiết xuất và xử lý đất hiếm, và cuối cùng hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín, tinh chế.

Phía bên kia, một mặt Mỹ chỉ có duy nhất một mỏ khai thác đất hiếm Mountain Pass, mặt khác, quốc gia này lại thiếu các kỹ thuật tinh chế và xử lý. Đối với hầu hết các sản phẩm cần chế biến tinh hơn thì xứ cờ hoa vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Khi căng thẳng với Mỹ được cho là lên đến đỉnh điểm, hồi tháng 5 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm một nhà sản xuất nam châm hàng đầu tại tỉnh Giang Tây - trung tâm sản xuất đất hiếm tại Trung Quốc.

Khi đó ông Tập đã nhấn mạnh rằng đất hiếm là một "tài nguyên chiến lược quan trọng" của Trung Quốc. Tại thời điểm đó, Chủ tịch Tập cũng cho biết về kế hoạch hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ!

Ở một khía cạnh nào đó, việc Trung Quốc quyết định mở rộng nguồn cung được cho là sẽ gây áp lực giảm giá đất hiếm. "Điều này có thể làm giảm lợi nhuận của các công ty liên quan và sẽ gây ra tác động tiêu cực đến việc xây dựng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như việc xây dựng một nhà máy phân tách mà chủ đầu tư là một công ty tư nhân của Mỹ," giám đốc điều hành một công ty công nghệ cho biết.

Trước đây, Bắc Kinh đã tạm thời hạn chế sản xuất đất hiếm khi quốc gia này tìm cách bảo tồn tài nguyên chiến lược, cũng như bảo vệ môi trường. Do đó, nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu trong nước và vào năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu gần gấp ba lần khối lượng của năm trước đó. Mỹ bất ngờ nổi lên như một quốc gia cung ứng!

Thế nhưng, cuộc đối đầu gần đây về quyền bá chủ công nghệ cao, cũng như những căng thẳng trong vấn đề thương mại đã phá vỡ chuỗi cung ứng này. Vào tháng 5, Blue Line - một công ty chuyên xử lý các sản phẩm đất hiếm có trụ sở tại Mỹ, đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty Lynas của Úc - nhà sản xuất vật liệu đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, để xây dựng một cơ sở phân tách ở bang Texas.

Mặc dù cơ sở mới của Blue Line dường như là một phần trong nỗ lực "tách rời" khỏi Trung Quốc, nhưng hạn ngạch mở rộng từ Bắc Kinh dường như mang động lực ngăn chặn những “vị khách” mới đến từ Mỹ, từ đó đảm bảo vị thế thống trị của Trung Quốc.

An Chi

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/cuoc-chien-dat-hiem-trung-quoc-tang-san-luong-quyet-dau-my-161227.html