'Cuộc chiến' của những người mắc ám ảnh gây hại

Vợ vừa sinh con gái nhỏ, anh Trung (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) ở Long Biên, Hà Nội chỉ dám đứng từ xa nhìn, nhất định không lại gần, không bế con.

Người đàn ông này luôn phải đấu tranh với những suy nghĩ đáng sợ như: “Tôi sẽ ném con ra ngoài cửa sổ”, “Con bé sẽ bị tôi ôm ghì tới mức ngạt thở”... Cuối cùng, không thể chịu đựng nổi, anh dọn ra ngoài ở thuê dù rất thương nhớ vợ con.

Nỗi đau kỳ lạ của người cha

Anh Trung là một trong những người bị ám ảnh gây hại cần sự trợ giúp của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (PPRAC), Hà Nội. Những suy nghĩ đáng sợ xuất hiện từ hồi anh còn là sinh viên. Mỗi lần ra đường, Trung luôn nghĩ mình sắp đâm vào ai đó. Nếu thấy người gặp tai nạn, anh cho rằng có thể do mình gây ra. Mỗi lúc cầm dao, kéo mà trong nhà có cháu nhỏ, trong đầu anh xuất hiện ý nghĩ: Mình có thể sắp dùng vật này làm hại em bé. Sợ hãi bản thân, nhiều khi Trung phải dừng việc mình đang làm, chạy vào phòng đóng chặt cửa hoặc bỏ ra ngoài.

Khi bắt đầu đi làm, nhờ tìm hiểu trên mạng, Trung nhận ra mình cần sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. Thạc sỹ Lã Linh Nga - Giám đốc PPRAC - cho biết, sau một thời gian trị liệu, Trung đã dần có cuộc sống bình thường, không còn phải lảng tránh người thân, bạn bè vì sợ làm hại họ. Rồi anh kết hôn, cuộc sống êm đềm cho tới khi con gái đầu lòng chào đời, khi đó ý nghĩ mình có thể làm hại con lại xuất hiện. Kinh sợ với ý nghĩ một ngày nào đó chính mình sẽ làm con bị tổn thương, ông bố này phải ra ngoài ở trong thời gian tiếp tục trị liệu.

Các trường hợp ám ảnh gây hại nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: IBTimes UK

Theo chuyên gia Linh Nga, những người bị ám ảnh gây hại luôn phải sống trong nỗi dằn vặt, giằng xé vì những suy nghĩ không mong muốn. Đối tượng mà họ hay có ý nghĩ làm hại nhất thường là chính những người thân thiết, gần gũi nhất. Mặc cảm tội lỗi, nỗi lo ý nghĩ sẽ biến thành hành động khiến họ luôn khổ sở, bế tắc, thậm chí tìm cách trốn chạy chính mình.

“Hiện chưa có con số thống kê tỷ lệ người mắc nhưng năm nào chúng tôi cũng tiếp nhận điều trị cho vài trường hợp. Nhiều người chưa thực sự hiểu về tình trạng của mình và nơi có thể trợ giúp nên ngày càng tự cô lập, thậm chí rời xa cả người thân vì sợ làm hại đến họ” - chuyên gia Linh Nga cho biết.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể liên quan đến những căng thẳng tâm lý, đặc điểm tính cách hay suy nghĩ tiêu cực, cầu toàn và một số trường hợp do vấn đề nội sinh, không thể xác định.

Bác sỹ, thạc sỹ Phùng Thanh Hải - Phó trưởng khoa Cấp tính nữ - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội) - giải thích, ám ảnh gây hại là một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế không hiếm gặp nhưng cộng đồng còn ít biết đến.

Bệnh nhân thuộc hai nhóm: Nhóm thứ nhất là những người có hoang tưởng bị hại, dẫn đến ý nghĩ phải làm hại người kia để tự vệ. Ý nghĩ này nung nấu khiến họ luôn sợ mình có thể làm điều không hay cho những người xung quanh. Nhóm thứ hai là những người bị rối loạn lo âu có tính chất ám ảnh, luôn nảy sinh ý nghĩ mình sắp tấn công người khác.

“Tôi từng điều trị cho một nữ công chức rơi vào khủng hoảng do luôn có ý nghĩ ném con xuống chân cầu thang mỗi lần bế bé từ tầng trên đi xuống, hoặc thả con vào hố ga, ao cá...” - bác sỹ Hải chia sẻ.

Giống như người nữ công chức trong câu chuyện của bác sỹ Hải, người cha trong câu chuyện nói trên cũng thuộc nhóm bệnh nhân thứ hai.

Mối nguy điều trị sai cách

Bác sĩ Hải cho hay, các trường hợp ám ảnh gây hại nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Khi ý nghĩ đó lấn át, người bệnh không còn kiểm soát được bản thân và có thể thực sự gây nguy hiểm cho chính mình và người khác. Nhiều gia đình có người thân bị ám ảnh này không nghĩ là do bệnh mà cho là bị ma ám, nên đốt tiền vào việc cúng bái, trong khi điều cần làm là đi khám để được điều trị kịp thời.

Còn theo chuyên gia Linh Nga, tuy khó mà khẳng định chứng ám ảnh gây hại cho người khác có thể được chữa khỏi hoàn toàn nhưng điều trị ổn định là việc khả thi. “Các bệnh nhân của tôi sau khi được trị liệu đều ổn định trong nhiều năm, có lúc bị lại nhưng họ tự vượt qua được hoặc biết tìm sự trợ giúp sớm” - chị nói. Việc điều trị, theo chị, cần phối hợp đồng thời giữa thuốc và liệu pháp tâm lý.

Những người tự nhận thấy bản thân có các dấu hiệu như luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ mình sẽ tấn công người khác, nhất là người thân, cần đến gặp bác sỹ chuyên khoa tâm thần hoặc nhà tâm lý càng sớm càng tốt để được hỗ trợ trị liệu - chuyên gia Linh Nga đưa ra lời khuyên.

Cũng theo chuyên gia Linh Nga, người bị ám ảnh gây hại cho người khác ý thức được suy nghĩ đó là vô lý và họ cố gắng chống lại những ý nghĩ này, nhất là khi được giải thích, trấn an. Trong khi đó, với những người có hoang tưởng bị hại thì thường không thể giải thích, đả thông bởi họ tin hoàn toàn vào việc có ai đó đang tìm cách tấn công mình. Trường hợp hoang tưởng thì thuốc là rất cần thiết, liệu pháp tâm lý ít có tác dụng.

Hoàng Phong

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/cuoc-chien-cua-nhung-nguoi-mac-am-anh-gay-hai/20171127100511908p1c160.htm