Cuộc chiến còn ở phía trước với tuyến đầu chống dịch Covid-19

23 năm trong ngành y, từng chứng kiến dịch SARS năm 2003, trực tiếp chinh chiến với dịch cúm H1N1 năm 2009 nhưng chưa lần nào bác sĩ Phong thấy dịch bệnh dữ dội như lần này.

Chiều 28 Tết Nguyên đán (23/1), khi mọi người đang nô nức về sum họp bên gia đình, lên kế hoạch cho những ngày Tết thì tại khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), một cuộc điện thoại gọi đến từ Hệ thống báo động bệnh truyền nhiễm.

Hai cha con người Trung Quốc đến từ Vũ Hán - tâm dịch của cả thế giới thời điểm đó - nhiễm virus corona. Lịch làm việc của đội ngũ y, bác sĩ tại đây thay đổi hoàn toàn kể từ khi tiếp nhận 2 ca bệnh đầu tiên này.

Mười ngày sau đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trở thành tuyến tiếp theo điều trị dịch Covid-19 tại thành phố khi tiếp nhận ca bệnh số 3 tại TP.HCM - Việt kiều Mỹ 73 tuổi.

Ba tháng kể từ người dương tính đầu tiên, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 268 ca nhiễm SARS-CoV-2. Cả nước "sống chung" với dịch trong gần 100 ngày qua, "sống khác" cùng quyết định cách ly toàn xã hội và đón nhận những tín hiệu khả quan từ việc chặn dịch.

Còn với những y, bác sĩ ở những tuyến đầu, cuộc chiến với dịch Covid-19 đã, đang và vẫn chưa dừng lại.

4h chiều tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D vẫn cùng các bác sĩ đầu ngành họp trực tuyến với Bộ Y tế. Cuộc họp kéo dài đã 3 tiếng.

Trong 2 tháng qua, ông cùng những đồng nghiệp của mình đã liên tục có những cuộc họp bàn, hội chẩn về tình trạng của các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được điều trị.

Thời điểm này, bệnh viện vẫn dốc sức chữa trị cho bệnh nhân số 91 - nam phi công người Anh của Vietnam Airlines. Người này nhập viện từ 18/3 và là một trong những ca bệnh Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam.

Theo bác sĩ Phong, ngoài những ê-kíp luôn túc trực bên bệnh nhân, còn có các chuyên gia hàng đầu từ Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM luôn có mặt 24/24 giờ để hội chẩn trực tuyến, tìm hướng điều trị tốt nhất.

"Khoa tôi có 6 bác sĩ, 12 điều dưỡng. Khoa Hồi sức cấp cứu hỗ trợ thêm 4 bác sĩ, 12 điều dưỡng. Bên cạnh đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng biệt phái 2 bác sĩ hồi sức qua bệnh viện tôi để cùng hợp tác làm việc. Tất cả đều được bố trí thời gian hợp lý để lúc nào cũng có 1-2 bác sĩ và 2-3 điều dưỡng túc trực trong phòng áp lực âm, chăm sóc cho bệnh nhân", ông Phong nói.

Quá trình điều trị cho bệnh nhân nặng, ông Phong cho biết một người phải sử dụng rất nhiều trang thiết bị. Máy móc, thuốc men, xét nghiệm… được các bệnh viện khác , đặc biệt là BV Chợ Rẫy hỗ trợ rất nhiều.

Ca đầu tiên mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận là ông Tạ Kiến Hòa (73 tuổi). Đội ngũ y, bác sĩ không bỡ ngỡ vì đã chuẩn bị từ trước khi quan sát, theo dõi dịch ở Vũ Hán và 6 ca bệnh của cả nước.

Tuy nhiên, điều khiến họ lo lắng là căn bệnh này quá mới mẻ, chưa có nhiều người được hiểu về nó và có những điểm chưa hề có trong phác đồ điều trị. Vậy nên các chuyên gia vừa điều trị bệnh nhân, vừa nghiên cứu tài liệu nước ngoài, xem phác đồ của Bộ Y tế để đưa ra phác đồ chuẩn nhất cho bệnh nhân.

"Thế giới có những nghiên cứu áp dụng làm được tốt nhưng đến mình làm không tốt và ngược lại, có những cái mình điều trị cho bệnh nhân này trên thế giới chưa ai làm. Chúng tôi vừa làm vừa học hỏi, điều trị thành công những ca bệnh sẽ rút ra rất nhiều kinh nghiệm thực tế trong điều trị Covid-19", Trưởng khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chia sẻ.

Bác sĩ Phong đã có 23 năm trong ngành y, từng chứng kiến dịch SARS năm 2003, trực tiếp chinh chiến với dịch cúm H1N1 năm 2009. Lần này là đợt "sống chung" với đại dịch thứ 3, nhưng ông thừa nhận "chưa có đợt nào dữ dội, cực khổ và mệt mỏi như lần này".

Thời gian đầu, những người điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân vẫn được về nhà nhưng hạn chế. Đến ngày 1/4, Thủ tướng yêu cầu tất cả nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải cách ly. Vậy là tất cả họ đều được bố trí ở tại một khách sạn ở quận Tân Bình để đảm bảo việc hạn chế lây nhiễm cho người thân. Khoảng 80 người của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã gần một tháng nay chưa về nhà.

Là điều dưỡng nữ, chị Hà Mai Thanh Hiền (34 tuổi) cùng những đồng nghiệp thay phiên nhau, túc trực 24/24h ở phòng bệnh cùng bệnh nhân.

Nhốt mình trong bộ bảo hộ tiêu chuẩn khi chăm sóc người bệnh, chưa đầy một giờ sau, cơ thể họ ướt đẫm mồ hôi. "Mặc bộ đồ đó nóng, vướng lắm, sàn phòng bệnh trơn, cộng thêm đeo mask (khẩu trang) che kín. Người nào từ phòng bệnh trở ra cũng đều bị ngấn đỏ hết. Có người còn bị dị ứng mask đỏ lằn nên phải chêm vải, dán băng keo cá nhân cho đỡ đau", chị Hiền kể.

Không chỉ điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ và điều dưỡng còn kiêm luôn nhiệm vụ an ủi tinh thần, động viên người bệnh.

"Người bệnh lo lắng, bất an vì không biết có sống nổi không khi thấy thế giới quá nhiều người tử vong vì dịch. Họ hoang mang lo lắng nên phản ứng không an lòng để điều trị. Mình phải biết điều đó, lúc nào cũng phải động viên, giải thích, chia sẻ cho bệnh nhân hiểu. Khi họ hiểu được rồi thì sẽ hợp tác giúp ích điều trị", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong nói.

Một điều trở ngại khi chăm sóc người bệnh nước ngoài là rào cản về ngôn ngữ. Không phải bệnh nhân nào cũng nói tiếng Anh, cộng thêm bệnh tình khiến họ mệt mỏi, nói tiếng được tiếng mất nên việc diễn đạt ý của người bệnh và bác sĩ đôi khi cũng gặp khó khăn.

Kỷ niệm mà ông Phong cùng đồng nghiệp nhớ nhất là ông Hòa, Việt kiều Mỹ. Người này về Việt Nam để thăm người chị và cũng để ăn Tết nhưng không ngờ chỉ quá cảnh 2 tiếng tại Vũ Hán mà đổi lại là 21 ngày cô lập ở bệnh viện.

Là người thầy thuốc, bác sĩ Phong cùng đồng nghiệp của mình hiểu rằng thành công trong điều trị không chỉ nằm ở thuốc hay chế độ dinh dưỡng, mà tâm lý cũng cần được trấn an song song. Do đó, khoa đã lên kế hoạch khi bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý vào phòng thì phải nán lại 1-2 tiếng để tâm sự, chia sẻ với bệnh nhân.

"Ngày xuất viện, ông Hòa nói xem bệnh viện này như là nhà, đội ngũ bác sĩ ở khoa Nhiễm được ông coi là người thân trong gia đình. Ông không dùng từ cảm ơn mà dùng từ tri ân lớn vì nơi đây đã mang ông ấy từ cõi chết trở về. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng", ông Phong kể lại.

Trong bài trò chuyện với Zing ngày ra viện, chính ông Tạ Kiến Hòa cũng bày tỏ sự biết ơn đối với đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc mình. “Một mình, tôi cảm thấy cô đơn, buồn bã, áp lực tâm lý vô cùng, các bác sĩ, điều dưỡng ngày ngày tới an ủi, trò chuyện. Họ đáp ứng mọi yêu cầu, tôi muốn trái cây có trái cây, muốn sữa có sữa”.

Phi công người Anh đang điều trị tại bệnh viện cũng để lại cho các bác sĩ nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Do khác biệt về văn hóa ẩm thực nên 3-4 ngày đầu nhập viện người này không chịu ăn.

"Đồ ăn đưa nhiêu ông ấy bỏ hết, sữa cũng không chịu uống. Hỏi ra thì bệnh nhân này nói thức ăn gia vị nhiều quá không ăn được. Vậy là hôm sau tôi nói nhân viên chiên trứng thôi, không bỏ gia vị nhưng rồi ông ta cũng không ăn. May mắn sau đó liên lạc được với một người trong đội bay của ông ấy, biết được ổng thích ăn gì nên đặt hàng đưa vào", bác sĩ Phong cười khi nhớ lại.

Với bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, trong 30 năm làm việc, ông không nhớ rõ có bao nhiêu bệnh nhân đã hồi phục, vượt qua lưỡi hái tử thần trở về với gia đình. Niềm hân hoan của họ khi xuất viện chính niềm hạnh phúc, một đóa hoa tô điểm cho cuộc sống của nhân viên y tế.

"Bất kể bệnh nhân là ai, người Việt hay người ngoại quốc, hầu hết họ đều muốn cảm tạ nhân viên y tế bằng cách này hay cách khác. Đối với chúng tôi, một lời cảm ơn cũng được coi như là phần thưởng quý giá cho thành quả đã đạt được", bác sĩ Hùng viết trên trang Facebook cá nhân khi nhận được lá thư từ 2 cha con người Trung Quốc cảm ơn lúc xuất viện.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới không chỉ được xem là nơi tiếp nhận các ca bệnh dương tính, sàng lọc và điều trị bệnh nhân Covid-19 tuyến đầu mà còn chịu trách nhiệm tham vấn, tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới, bao gồm cả Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị Covid-19 tại Cần Giờ.

Từ đầu mùa dịch đến nay, nơi đây điều trị khoảng 13 ca bệnh, trong đó điều trị cho đến khi bệnh nhân xuất viện là 4 ca, số còn lại khi tình trạng nhẹ hơn sẽ được chuyển xuống cho Củ Chi, Cần Giờ.

Ngoài những người đã được cử đến trực chiến tại hai bệnh viện trên, hàng ngày, bác sĩ từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vẫn được luân chuyển đến để điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phong còn được Sở Y tế TP.HCM giao nhiệm vụ tập huấn chuyên môn cho tất cả bệnh viện trong thành phố, bao gồm tập huấn quy trình cách ly, lấy mẫu và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Riêng việc mặc đồ bảo hộ đúng cách là một quy trình thật cẩn thận, cởi đồ thế nào cũng phải được hướng dẫn kỹ càng vì nếu sơ sẩy để tay chạm vào mặt ngoài sẽ bị lây nhiễm mầm bệnh.

Bảy ngày nay Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm nào mới, bác sĩ Phong vui mừng nhưng vẫn canh cánh nỗi lo ngại trước việc mở cửa biên giới trở lại.

"Người nước ngoài nhập cảnh về nhiều thì chúng ta càng phải có giải pháp và hết sức cẩn trọng. Tình hình dịch bệnh thế giới vẫn còn phức tạp thì mình vẫn chưa thể nào an tâm. Khoa Nhiễm D lại chuẩn bị tinh thần vì cuộc chiến chống dịch Covid-19 có lẽ vẫn sẽ còn dài", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong nói.

Hiện tại, bệnh nhân số 91 là ca duy nhất còn điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mà ông Phong cho rằng "không chỉ của riêng Nhiệt đới mà là bệnh nhân được tất cả chuyên gia đầu ngành của cả nước cùng nỗ lực điều trị".

"Bây giờ mình vẫn chưa dám nói được điều gì bởi đối với một bệnh nhân còn nằm hồi sức với một mớ dây nhợ thì nguy cơ rất là cao, có thể tắc phổi, nhiễm trùng… Chỉ biết rằng hiện giờ bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và mình có gì đó hy vọng trên 50% bệnh nhân sống được với thở máy, ECMO", bác sĩ Phong hy vọng.

Cùng lúc đó, tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi - tuyến dưới hỗ trợ tiếp nhận ca bệnh từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và người cách ly, bệnh nhân 206 - ca bệnh cuối cùng tại đây cũng đã được xuất viện...

Chiến sĩ phòng dịch ở cửa ngõ TP.HCM mong bữa cơm gia đình Sau 22 ngày giãn cách xã hội, các chiến sĩ, nhân viên y tế chốt trực ngày đêm ở cửa ngõ thành phố mong được trở về ăn bữa cơm bên gia đình.

Hoài Thanh
Đồ họa: Minh Hồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chien-con-o-phia-truoc-voi-tuyen-dau-chong-dich-covid-19-post1075602.html