Cuộc chiến chủng tộc chưa hồi kết quanh bộ phim 'Cuốn theo chiều gió'

Gần đây, kênh HBO Max đã tạm rút bộ phim bom tấn 'Cuốn theo chiều gió' năm 1939 ra khỏi danh sách chiếu vì cho rằng phim có tình tiết tranh cãi về vấn đề chủng tộc. Điều này không gây ngạc nhiên vì dù từng là bộ phim nổi tiếng nhất trong nền giải trí đại chúng Mỹ nhưng phim đã bị người Mỹ gốc Phi phản đối ngay từ đầu.

Phim bị người Mỹ gốc Phi phản đối vì khắc họa không đúng sự thật về chế độ nô lệ. Ảnh: Indiaexpress

Phim bị người Mỹ gốc Phi phản đối vì khắc họa không đúng sự thật về chế độ nô lệ. Ảnh: Indiaexpress

Theo tờ The New York Times, “Cuốn theo chiều gió” (Gone With The Wind) có lẽ là bộ phim giúp khán giả hiểu về thời Nội chiến Mỹ hơn bất kỳ sản phẩm văn hóa nào. Tuy nhiên, khi tạm bị rút khỏi danh sách chiếu của HBO Max, có vẻ như một tượng đài nữa của Liên minh miền Nam đã bị kéo đổ.

Với thế hệ trẻ ngày nay, “Cuốn theo chiều gió” dường như chỉ là bộ phim mà thế hệ ông bà họ yêu thích. Mặc dù có nhiều người cáo buộc HBO Max kiểm duyệt nhưng cũng có nhiều người trên mạng xã hội chê bộ phim này nhàm chán.

Động thái của HBO Max diễn ra một ngày sau khi tờ The Los Angeles Times đăng một bài bình luận của John Ridley, biên kịch phim “Twelve Years a Slave”, chỉ trích phim “Cuốn theo chiều gió” vì khuôn mẫu phân biệt chủng tộc và che giấu sự thật kinh hoàng về chế độ nô lệ. Ông kêu gọi bổ sung bối cảnh lịch sử về phim này.

Bình luận của ông John Ridley là lời chỉ trích mới nhất về “Cuốn theo chiều gió” – bộ phim dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Margaret Mitchell, cuốn sách mà từ khi xuất bản năm 1936 đã bị chỉ trích cho dù tác phẩm gây chấn động khi bán được gần 1 triệu cuốn chỉ trong 6 tháng.

Báo chí liên tục đưa tin về quá trình sản xuất phim dựa trên cuốn sách. Vào đêm chiếu mở màn, thêm 7 triệu cuốn đã được bán.

Nữ diễn viên Hattie McDaniel đã giành giải Oscar với vai diễn Mammy trong phim "Cuốn theo chiều gió". Ảnh: AP

Dù vậy, nhiều người Mỹ gốc Phi đã biểu tình bên ngoài rạp chiếu phim để phản đối bộ phim mà họ cho là kích động bạo lực, làm lan rộng ý kiến trái chiều và thậm chí còn làm chệch hướng một dự luật liên bang chống biện pháp hành hình không xét xử với người da đen.

Tác giả Margaret Mitchell đã bác bỏ các chỉ trích và nói sẽ không định để những người biểu tình tác động tới mình.

Năm 1936, Walter White, Thư ký Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP), đã bày tỏ lo ngại khi viết thư cho nhà sản xuất David O. Selznick và đề xuất ông thuê ai đó, tốt nhất là người Mỹ gốc Phi, để kiểm tra các sai sót có thể về thông tin và cách diễn giải.

Các nhà sản xuất “Cuốn theo chiều gió” đã thuê hai cố vấn kỹ thuật da trắng để đảm bảo tái hiện đúng ngữ giọng và phong cách người miền Nam nhưng bác bỏ các lo ngại do giới lãnh đạo Mỹ gốc Phi đặt ra.

Bộ phim đã cố gắng dọn dẹp một số yếu tố phân biệt chủng tộc trong cuốn tiểu thuyết. Phim cũng thay đổi một chi tiết nói về lần nữ chính Scarlett suýt nữa bị một gã đàn ông da đen cưỡng hiếp. Trong phim, người định cưỡng hiếp Scarlett là một người đàn ông da trắng.

Trong quá trình sản xuất, có một số lời kêu gọi người Mỹ gốc Phi tẩy chay bộ phim. Sau đó, biểu tình nổ ra bên ngoài rạp chiếu ở Chicago, Washington và các thành phố khác.

Biểu tình phản đối bộ phim. Ảnh: New York Times

Phản ứng về bộ phim trên báo chí của người da đen trái chiều, nhưng những ý kiến chỉ trích thì rất gay gắt. Tờ Chicago Defender đăng một bài bình luận gọi bộ phim là “vũ khí khủng bố chống người Mỹ da đen”. Ý kiến này cũng được phản ánh trên các tờ báo của người da đen như Pittsburgh Courier – tờ báo coi sự khắc họa các nhân vật da đen trong phim là “những người hầu vui vẻ, những kẻ cục mịch không biết nghĩ, vô dụng”.

Trong khi đó, báo chí của người da trắng đã đăng những bài viết hoan nghênh nồng nhiệt các buổi trình chiếu ra mắt bộ phim ở New York và Atlanta. Không mấy báo nào chú ý tới các cuộc biểu tình của người Mỹ gốc Phi hoặc lời chỉ trích từ phía cộng đồng da đen.

Ngay cả sau những năm 1960, bộ phim vẫn là tác phẩm văn hóa chuẩn mực được nhiều người Mỹ da trắng yêu mến, là biểu tượng của Hollywood thế hệ vàng và thậm chí là bản sắc của người Mỹ.

Đám đông bên ngoài rạp Astor ở New York vào buổi chiếu ra mắt phim "Cuốn theo chiều gió". Ảnh: AP

Năm 1975, kênh NBC đã chi kỷ lục 5 triệu USD (tương đương hơn 26 triệu USD ngày nay) để mua quyền chiếu bộ phim một lần. Phim được chiếu trong hai đêm và được 47% toàn bộ hộ gia đình Mỹ xem.

Với cộng đồng Mỹ gốc Phi, một số nghệ sĩ đã trực tiếp thách thức những thứ họ cho là phân biệt chủng tộc trong cuốn sách. Năm 2001, xảy ra vụ kiện bản quyền giữa những người bảo vệ di sản của tác giả Mitchell và nhà tiểu thuyết Alice Randall khi người này viết tác phẩm “The Wind Done Gone” (tạm dịch: Gió đã cuốn xong) “nhại” tác phẩm gốc. Trong tác phẩm mới, Alice đã kể chuyện dưới góc nhìn của người nô lệ, tìm cách cập nhật quan điểm chính trị phân biệt chủng tộc nhưng vẫn giữ nguyên chuyện tình của cặp nhân vật chính. Tác giả Alice đã thắng trong vụ kiện.

Các tổ chức khác đã thay đổi cách tiếp cận. Từ khi Trung tâm Lịch sử Atlanta tiếp quản Nhà Margaret Mitchell từ một tổ chức tư nhân năm 2006, trọng tâm đã chuyển từ góc nhìn văn học sang nhấn mạnh và vấn đề chủng tộc và lịch sử bị bóp mép cũng như những thông tin bị người Mỹ gốc Phi phản đối ngay từ đầu.

Nói tóm lại, từ khi cuốn tiểu thuyết ra đời, tới khi được chuyển thể thành phim và tới tận bây giờ, nước Mỹ vẫn chưa chấm dứt cuộc tranh cãi về vấn đề chủng tộc quanh tác phẩm “Cuốn theo chiều gió”.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-chien-chung-toc-chua-hoi-ket-quanh-bo-phim-cuon-theo-chieu-gio-20200616102846154.htm