Cuộc chiến chống thuốc phiện của Mỹ ở Afghanistan (Kỳ cuối: Hành động quân sự)

Mục tiêu của "Chiến dịch Iron Tempest" là xóa bỏ các phòng thí nghiệm heroin tại Afghanistan, trung tâm buôn lậu thuốc phiện lên đến 200 triệu USD/năm của Taliban, và nó liên quan đến khoảng 200 vụ tấn công tương tự. Nhưng, theo nghiên cứu mới của Trường Kinh tế London, Iron Tempest không giống như vẻ ngoài của nó. Mặc dù có mạng lưới tình báo tuyệt vời, chiến dịch trị giá hàng triệu USD đã ảnh hưởng không đáng kể đến Taliban và các mạng lưới buôn lậu ma túy ở Afghanistan.

Một nơi sản xuất heroin trước và sau cuộc tấn công của Chiến dịch Iron Tempest. Ảnh: BBC

Một nơi sản xuất heroin trước và sau cuộc tấn công của Chiến dịch Iron Tempest. Ảnh: BBC

Chặn đứng nguồn tài chính

Mục tiêu của Iron Tempest rất đơn giản. "Chúng tôi đang đánh Taliban, nhắm vào nơi đau đớn nhất, đó là vấn đề tài chính của chúng", chỉ huy lực lượng, tướng John Nicholson, giải thích trong một cuộc họp báo một ngày sau đợt ném bom đầu tiên mở màn chiến dịch. Khoảng 60% tài chính của Taliban đến từ buôn lậu ma túy nên việc tấn công các mạng lưới buôn lậu ma túy hoạt động trên khắp Afghanistan sẽ làm giảm doanh thu của nhóm nổi dậy, cũng như giảm nguồn cung heroin trên toàn thế giới.

Iron Tempest lấy cảm hứng từ hành động mà Mỹ đã thực hiện ở Syria, nơi các vụ đánh bom trên không nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ bất hợp pháp của IS đã phá hủy các giàn khoan, xe tải chở dầu và các máy móc hạng nặng khác. Chiến dịch đã làm giảm đáng kể doanh thu của IS và khiến nhóm cực đoan này khó có thể trả lương cho các tay súng chiến đấu của mình. Tuy nhiên, ở Afghanistan, chiến dịch này sẽ không hề đơn giản như các nhà hoạch định quân sự đã hy vọng.

Mỹ thực sự tấn công cái gì?

Đó là câu hỏi mà Tiến sĩ David Mansfield đã tự hỏi khi lần đầu tiên xem vụ không kích mở màn chiến dịch. Tiến sĩ Mansfield nghiên cứu ngành công nghiệp thuốc phiện Afghanistan trong hơn 2 thập kỷ.

Ông cho biết, việc sản xuất heroin để lại những dấu hiệu nhận biết nhất định và ông không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số đó. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ tuyên bố các cuộc tấn công là thành công. Do đó, kết luận của tiến sĩ Mansfield là đáng ngạc nhiên. Bất chấp những nguồn lực đáng kinh ngạc mà quân đội Mỹ đã đổ vào, tiến sĩ Mansfield và nhóm của ông giờ đây tin chắc, Không quân Mỹ đang sử dụng máy bay chiến đấu thế kỷ XXI để ném bom… những túp lều bùn.

Theo Tiến sĩ Mansfield, sản xuất heroin ở Afghanistan không phải là một quy trình công nghiệp. Các phòng tạm thời mà người Afghanistan tinh chế thuốc phiện không thực sự được mô tả là "phòng thí nghiệm". Heroin thường được sản xuất trong khu nhà ở bình thường ở Afghanistan - một bức tường thường được xây dựng bằng bùn bọc bên ngoài. Và, bởi vì nó liên quan đến khói độc hại, nó thường diễn ra ngoài trời. Điều đó khiến khó che giấu bởi vì nó thường gồm các hố lửa, thường xếp theo hàng. Một nơi chế biến đang hoạt động sẽ có các máy ép để chiết xuất morphine, nhiên liệu, than hoặc gỗ - để đốt cháy, và các thùng chứa hóa chất, cũng như con người và phương tiện đến và đi.

Quân đội Mỹ công bố 23 đoạn băng cho thấy, các cuộc tấn công vào các phòng thí nghiệm được cho là heroin. Tiến sĩ Mansfield cho rằng, rõ ràng chỉ cần nhìn vào là biết những nơi đó không sản xuất heroin. "Tôi không nhìn thấy các dấu hiệu hoạt động", ông nói. Hoạt động tình báo của Mỹ là tốt. Hầu hết các địa điểm bị đánh bom đã từng được sử dụng làm phòng thí nghiệm heroin trong quá khứ, nhưng chúng không hoạt động tại thời điểm xảy ra tấn công. Các phòng thí nghiệm mới ở nơi khác được lập chỉ trong vòng một vài ngày.

Thay đổi tư lệnh

Tiến sĩ Mansfield không phải là người duy nhất đặt câu hỏi về giá trị của chiến lược Iron Tempest. Ngay từ đầu trong chiến dịch, một số quan chức cấp cao của Mỹ đã không thoải mái về cách hoạt động của chiến dịch.

Vài tháng sau, Bộ trưởng Không quân Heather Wilson đã bày tỏ lo lắng về chi phí. "Chúng ta không nên sử dụng F-22 để phá hủy một nơi sản xuất ma túy ở Afghanistan", bà nói trong một hội nghị vào tháng 2-2018. F-22 là máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất trên thế giới. Mỗi chiếc có giá 140 triệu USD và tốn ít nhất 35.000 USD để bay trong 1 giờ. Đến tháng 8-2018, Trung tướng Jeffrey Harrigian, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm của Không quân Mỹ tại Doha, đã lo lắng rằng chính sách tấn công ở Afghanistan "không hoạt động tốt như ở Syria". Sau đó, vào ngày 2-9-2018, khi Tư lệnh lực lượng NATO và Mỹ tại Afghanistan, tướng Nicholson, đã bị thay thế bởi Tướng Austin "Scott" Millar, chiến dịch kết thúc.

Tầm ảnh hưởng của Iron Tempest?

Khi chiến dịch trên không kết thúc, quân đội Mỹ báo cáo, "việc sản xuất ma túy ở Afghanistan vẫn ở mức cao". Và cuộc khảo sát mới nhất của LHQ cho thấy thuốc phiện đã được trồng trên 263.000ha vào năm 2018 - giảm 20% so với năm 2017.

Nhưng sự suy giảm đó không phải vì hành động quân sự mà do hạn hán nghiêm trọng ở phía bắc Afghanistan và giá thấp hơn đáng kể sau vụ mùa kỷ lục của năm 2017. Tổng thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR), John Sopko đã gán cho Afghanistan biệt danh "quốc gia thuốc phiện". Ông cho rằng, sự tăng trưởng của nền kinh tế thuốc phiện rộng lớn này đã khiến Afghanistan ngày càng bất ổn. Thuốc phiện hiện chiếm khoảng 1/3 GDP của Afghanistan. Đó là nguồn thu tiền mặt lớn nhất của đất nước và cung cấp gần 600.000 việc làm toàn thời gian.

Mặc dù thực tế là quân đội Mỹ đã chi 1,5 triệu USD mỗi ngày cho cuộc chiến chống ma túy kể từ khi kéo quân đến Afghanistan tháng 10-2001, tương đương gần 9 tỷ USD cho đến nay, cũng như hơn 1 nghìn tỷ USD cho cuộc chiến nói chung tại Afghanistan, ông Sopko cho rằng, những con số này đã cho thấy thất bại của Mỹ tại quốc gia Nam Á này.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_205774_cuoc-chien-chong-thuoc-phien-cua-my-o-afghanistan-ky-cuoi-hanh-dong-quan-su-.aspx