Cuộc chiến chống thuốc lá và hành động mạnh mẽ bất ngờ của WHO

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, các chính phủ có thể hành động nhiều hơn nữa để giúp người dân từ bỏ thói quen nguy hại tới sức khỏe này.

Khói thuốc đã cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người trên thế giới mỗi năm.

Theo báo cáo của MPOWER, trong đó hơn 7 triệu ca tử vong là do hút thuốc lá trực tiếp, 1,2 triệu ca tử vong là do hút thuốc lá thụ động (do hít phải khói thuốc). Đau lòng hơn, có 165.000 trẻ em mỗi năm chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì thuốc lá thụ động.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất mà bất kỳ ai cũng có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: reuters.com)

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: reuters.com)

Báo cáo nhấn mạnh mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm ở hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới, song sự gia tăng dân số đồng nghĩa với việc tổng số người sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, chỉ có một số ít các quốc gia khác có nhiều hơn 2 biện pháp được thực thi ở mức độ tốt nhất, trong khi có 59 quốc gia vẫn chưa áp dụng một biện pháp MPOWER (gói giải pháp kiểm soát thuốc lá), nào.

MPOWER bao gồm 6 chiến lược chính, cụ thể là giám sát các chính sách kiểm soát thuốc lá, bảo vệ con người khỏi tình trạng hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc), cung cấp trợ giúp để cai thuốc lá, cảnh báo mọi người về tác hại của thuốc lá, thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, và tăng thuế thuốc lá.

Theo WHO, hút thuốc lá là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng mà thế giới từng đối mặt.

Tại Nhật Bản, ngày 1/7 vừa qua, luật cấm hút thuốc lá trong nhà tại các địa điểm công cộng bắt đầu có hiệu lực.

Luật này cũng cho phép lập các điểm hút thuốc ngoài trời tại những cơ sở này cũng như gắn biển cấm hút thuốc trong nhà. Những đơn vị vi phạm có thể bị phạt tối đa 4.600 USD (khoảng 105 triệu đồng).

Các cá nhân có thể bị phạt tối đa 2.700 USD (khoảng 63 triệu đồng) nếu hút thuốc tại khu vực cấm và không tuân thủ các cảnh báo của giới chức quản lý khu vực.

Từ ngày 1/4/2020, Nhật Bản sẽ áp dụng luật cấm hút thuốc tại các nhà hàng và doanh nghiệp.

Tại Mỹ, cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã công bố danh sách các nhà bán lẻ tại Mỹ bị phát hiện bán các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá điện tử cho nhóm người tiêu dùng ở độ tuổi vị thành niên.

Theo Giám đốc FDA Gottlieb, thuốc lá điện tử có thể đóng vai trò tích cực giúp những người trưởng thành nghiện thuốc chuyển sang sử dụng các sản phẩm ít có hại hơn so với những thuốc lá điếu thông thường.

Tại Việt Nam, chúng ta nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

Trước đó, bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch quy định từ 15/11/2018 một số trường hợp phải hạn chế, thậm chí cấm hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu.

Khi sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu.

Đối với lĩnh vực điện ảnh, quy định sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong các trường hợp tương tự như tác phẩm sân khấu. Ngoài ra các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định.

Nếu phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định thì việc phổ biến phim phải đảm bảo một trong các yêu cầu sau: Được phân loại để phổ biến theo lứa tuổi phù hợp dựa trên các tiêu chí theo quy định; Có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh.

Minh Anh (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuoc-chien-chong-thuoc-la-va-hanh-dong-manh-me-bat-ngo-cua-who-a443505.html