Cuộc chiến chống săn bắt, buôn bán động vật hoang dã: Bẫy, bán và đủ chiêu lách luật

Về vùng châu thổ Cửu Long, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh động vật hoang dã (ĐVHD), phổ biến nhất là các loài chim, rùa, rắn, có cả những loài thuộc loại quý, hiếm, cần ưu tiên bảo vệ... được bày bán. Biển hiệu, thực đơn của nhiều hàng quán vẫn giới thiệu ấy là những món 'đặc sản miền Tây'.

Sự nhận thức về đa dạng sinh học, trong đó lưu ý bảo vệ ĐVHD vẫn chưa đủ để làm thay đổi hành vi, thói quen của nhiều người nên nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép... nơi đây vẫn còn phổ biến, thậm chí nhộn nhịp. Báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực phản ánh thực tế nhức nhối này; chính quyền và ngành chức năng cũng đã vào cuộc, thế nhưng, có mặt tại một số “điểm nóng” của tình trạng này, quyết tâm đào bới tận gốc câu chuyện, PV Chuyên đề ANTG nhận thấy vấn đề tưởng cũ nhưng vẫn “nóng” hừng hực. Công tác thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực này có nhiều bất cập,...

Một thợ bẫy chuyên nghiệp giương lưới từ tờ mờ sáng để đón đàn cò bay ra từ Vườn quốc gia Tràm Chim.

Một thợ bẫy chuyên nghiệp giương lưới từ tờ mờ sáng để đón đàn cò bay ra từ Vườn quốc gia Tràm Chim.

“Sát thủ” chim trời

Tới thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông thì trời đã đứng bóng. Bụng đói cồn cào nhưng từ chối lời mời thưởng thức “đặc sản ngon nhất Đồng Tháp”, tôi hỏi đường về hướng biên giới. Và chiều muộn hôm đó, sau gần cả giờ men theo con đê cặp Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim sâu vô trong nội đồng, tôi cũng tìm được H., khi anh ta đang lọ mọ chuẩn bị cho việc bắt chim.

Được người dân địa phương gọi là “sát thủ” chim trời vùng này và H. rất cảnh giác với người mới. Thật may, bằng một lý do hợp lý, chúng tôi được H., nhận lời cho theo chân ra đồng với anh ta từ 4h sáng hôm sau.

Mới hơn 40 tuổi nhưng H., đã có thâm niên gần 20 năm trong nghề bẫy chim. Đây cũng là nghề chính anh nuôi sống gia đình nhiều năm nay. “Hồi trước, cánh đồng nào xứ này cũng đầy chim nhưng giờ, phải me mấy cánh đồng sát rừng cấm (tức VQG Tràm Chim - PV) mới lượm được nhiều”, H. vừa nói vừa bắt đầu giương bẫy lưới giật - loại bẫy chuyên “đón” bầy cò đi kiếm mồi vào sáng sớm. “Dân bắt cá thì phải có tay “sát cá”.

Dân bẫy chim cũng vậy, phải có tay “sát chim” mới bắt được nhiều hơn người ta. Mình phải đoán biết ý của chúng thì mới đặt bẫy đúng chỗ, đúng hướng”, H., giải thích thêm sau khi cột chân 2 chú cò mồi vào bẫy. Nơi H. và chúng tôi nấp được che chắn bởi mấy tàu lá dừa do H. chặt, cặm từ chiều hôm trước, cách bẫy chim khoảng 15m. Thấy có bầy cò bay gần đó, H. giật giật sợi dây. Bị đau chân, 2 chú cò mồi đập cánh. Thấy có đồng loại đang dưới mặt ruộng sớm tinh sương, gần chục con cò sà xuống mà chẳng thể nghĩ rằng, đó là chuyến đi săn mồi cuối cùng...

H. cho biết, ngoài bẫy lưới giật, còn có “câu trời”. “Mình dùng cần câu tre, mắc dây và lưỡi câu dày đặc cỡ 1.000 lưỡi câu/200m, rồi cắm trên mặt ruộng hướng cò hay bay qua. Với câu trời, còn mẹ, cò con bay qua là dính hết”, H., cho biết.

VQG Tràm Chim là một trong những nơi tập trung nhiều loài chim quý hiếm. Đi một vòng quanh VQG, tôi hỏi, nhiều người đều biết và kể vanh vách tên các loài chim. Đứng đầu danh sách là sếu đầu đỏ, kế đến là sẻ đồng ngực vàng, cắt lưng hung, cú lợn lưng nâu,...

“Chim khoái ở trong này là do trong đó có đầm lầy nước ngọt, có đồng cỏ năng kim, cỏ ống, rừng tràm ngập nước, đầm sen, lúa ma, nhiều cỏ, cây, bụi rậm,... Rùa, rắn, cá các loại thì nhiều vô kể”, một người dân Phú Đức tỏ ra rất thạo. “Bắt được 1 con chim quý, bán kiếm được vài ba triệu như chơi. Nhưng, xui xẻo bị phát hiện thì cũng mệt luôn”, H., bộc bạch.

Sợ sao mình vẫn không làm nghề gì khác, hợp pháp? H., trả lời tôi không chần chừ: “Mình đâu có mò vô rừng làm gì? Bắt trên ruộng bên ngoài, nếu mấy ông bảo vệ VQG thấy cũng đâu làm gì được. Còn kiểm lâm giờ này mấy ổng còn ngủ, chưa đi tuần đâu. Nhưng, mà mấy ổng cũng có đủ người đâu mà đi tuần hoài. Còn nếu cùng lắm, mình thả chim về trời là huề”, H., cười nhẹ tênh kể.

Chim cò săn được hằng ngày, sẽ có người đến tận nơi gom. Con khỏe mạnh được đưa đi xa, còn con chết, bị thương thì chuyển bán trong khu chợ nhỏ lẻ gần hơn. Tôi hỏi giá, H.,cho biết, cò thì 30.000 đồng/con. Với giá này, chỉ trong buổi sáng, H., nói cầm chắc 450.000 đồng. “Ra chợ thì người ta bán ký. Cò thường thì 150.000 đồng/kg; Còn ốc sen thì bán con, 150.000 đồng/con. Vào mùa, trung bình mỗi ngày H., cầm chắc 3 triệu đồng”, H., quả quyết.

Sau khi giăng lưới, người đàn ông này vào chỗ nấp chờ cò dính lưới.

Bán công khai tại chợ

Tôi quay lại thị trấn Tràm Chim, ghé chợ nông sản Tam Nông. Gần giữa trưa nhưng ở một góc chợ, vẫn đông người mua kẻ bán. Cầm bịch khô rắn và “kiều nữ chân dài” (khô nhái) trên tay, những người phụ nữ tại sạp tên Tư Đỉnh nhiệt tình giới thiệu với toàn thứ đặc sản tươi sống. Thấy khách quan tâm tới rắn, người đàn ông giở nắp sạp ngay sát chỗ ông ta ngồi, rồi thò tay nắm đuôi con rắn nặng cả ký, giơ lên: “Con rắn ri voi này ngon nè. Tự nhiên chứ không phải nuôi đâu à!”.

Nghe một người khách nói cần tìm mấy mai rùa vàng để nấu cao, uống trị bệnh, người phụ nữ mừng như sắp bán được hàng: “Đây, mấy con này đều ngon hết. Mình ăn thịt xong thì lấy mai nấu cao thôi. Muốn ăn rùa vàng, rùa ba gờ, rùa gì cũng có hết”. Nhân lúc bà Tư Đỉnh cắm cúi cho “nhập trại” mấy con rắn do một phụ nữ ghé qua bán, chúng tôi bước tới sạp bên. Biển ghi là “Cơ sở sản xuất khô Tám Rắn” nhưng được bày chỉ có vài ba con khô cá sặc, cá lóc và treo lủng lẳng mấy bịch khô rắn, còn lại vẫn là đặc sản rắn, rùa.

Cầm con rắn chia sẻ cách phân biệt đâu là rắn nuôi, đâu là rắn tự nhiên, bà chủ sạp Tám Rắn nói với một khách đến từ Sài Gòn: “Trời ơi, lo gì chuyện đó. Chị gởi xe khách lên cho. Xe H.C. có chuyến đi lúc 3 giờ sáng, 10 trưa, vô tuốt trong quận 5 luôn. Xe P.T. thì có chuyến 12 giờ trưa. Xe lên tới nó gọi điện, em không ra lấy được thì nhờ nó đem tới. Tiền cước chị chịu rồi, em cho nó năm bảy chục gì nữa là xong giỏ đặc sản chục ký. Rùa, rắn, chim, muốn loại nào, bi nhiêu chị gởi cho...”.

Động vật hoang dã được bán công khai tại chợ nông sản Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Nghe khách lo về những rủi ro có thể gặp trên đường đi, bà chủ sạp Tám Rắn nói: “Trời ơi lo gì. Chị chuyển hoài, có bị gì đâu”. Giới thiệu mời khách mua cá thể rắn hổ ngựa (loài chuyên bắt chuột, thuộc nhóm IIB cùng với rùa ba gờ), bà Tám kể chuyện đắt đỏ khi ông chồng của bà ăn đặc sản “rùa rắn” ở Sài Gòn khi “con rắn ri voi chưa được nửa ký mà nó tính tiền tới 1,2 triệu đồng”.

Bước tới lồng nhốt cả chục cá thể rùa, bà Tám cho biết mùa này rùa mập lắm. “Con này chắc hơn 1 ký, chị lấy em 500 ngàn thôi; mấy con nhỏ hơn thì 400. Hay lấy mấy con cúm núm về xào bầu, trả chị 350 ngàn 1 ký thôi...”. Đưa tôi danh thiếp, bà Tám còn dặn: “Mua rùa rắn, chim chuột thì gọi số 0909.54xxxx nè”. Các số còn lại là cho khách thuê phòng trọ...

Do đặc thù địa lý và điều kiện tự nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long hiện là nơi có nhiều loài chim sinh sống nhất. Rất nhiều địa phương trong khu vực đang tồn tại các “sân chim” tự nhiên. Chính quyền và người dân, nhất là tại Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau đã tận dụng đặc điểm này để khai thác du lịch. Bên cạnh đó là các khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là khu đất ngập nước có giá trị.

Cả nước có 9 khu đất ngập nước được thế giới công nhận là khu ramsar thì miền Tây sở hữu 4 khu, gắn với VQG: Tràm Chim (Đồng Tháp), Mũi Cà Mau (Cà Mau), U Minh Thượng (Kiên Giang) và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An). Thực tế đáng ngại tồn tại bấy lâu nay đó là khu vực lân cận các khu bảo tồn, hoạt động săn bắt, mua bán chim chóc, ĐVHD có lúc, có nơi diễn ra xôm tụ.

Thật giả lẫn lộn

“Muốn theo cái nghề thu gom này không phải chỉ lanh mà còn phải liều mạng nữa mới làm được. Mới bị hù đã run như cầy sấy rồi thì sao mà dám giao dịch bán cả tạ, cả tấn rắn, rùa từ năm này qua năm khác”, T., một thanh niên mà tôi được giới thiệu từng là dân chuyên làm nghề thu gom “đặc sản” chim, rùa, rắn của vùng Phụng Hiệp - Ngã Bảy (Hậu Giang) chia sẻ kinh nghiệm sơ đẳng của anh ta như thế, khi nghe tôi nói muốn hùn hạp vốn làm đầu mối, mang “đặc sản” cung cấp cho hàng quán tại TP Hồ Chí Minh nhưng mà sợ bị “hốt”, cụt vốn.

Thấy tôi có vẻ chưa hình dung hết tình huống bị lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất, T., chủ động đưa ly rượu mời tôi “dzô” 100% rồi giải bày thêm nhiều “chiêu” ăn gian, lách luật như tôi gặp trong chuyến đi Đồng Tháp. “Mấy con chim cò, rùa, rắn mà ông thấy ngoài chợ Ngã Bảy, biết là được bắt từ trong Lung (tức khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng - PV) nhưng khi có đoàn kiểm tra tới, tui nói mua lại của nông dân bắt trên ruộng thì làm gì nhau?”

Hôm tiếp cận với người phụ nữ tên Trang - chủ một trong 3 điểm mua bán chim, rùa trên đường Hùng Vương, Ngã Bảy, chúng tôi được chị cho biết, ở chợ Ngã Bảy, chỉ trừ thịt trăn là thứ nuôi, còn lại rắn, rùa, chim chóc đều là đồ tự nhiên hết, “bao ngon”(!). Một người đàn ông kể anh ta từng thường xuyên đóng thùng, chuyển lên Sài Gòn và ra tận Hà Nội, tiếp hàng cho mấy nhà hàng “Chim to dần”. “Hồi trước, đây là chim, chuột, rắn, rùa nhất miền Tây đó”, người này nói rồi cho biết “do bị kiểm lâm "quần" quá nên giờ dân bán phải tản ra ngoài, không dại gì chụm đầu vào chợ bán như trước nữa”.

Tôi nhận thấy điều này đúng. Dọc theo tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp về Cà Mau, chúng tôi thấy có nhiều người đội nắng bán rắn, rùa, chim chóc, tiếp thị bằng nhiều cách rất đáng chú ý. Trên QL60, đoạn qua địa phận Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), vài năm nay đã hình thành chợ bán đặc sản chim cò và trái cây khá xôm tụ. Hôm trên QL62, đoạn ngang qua xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh (Long An), giữa trưa, tôi thấy người đàn ông đi xe máy BKS 62U1-054.xx bỗng dừng lại bên đường, dựng xe, mở bọc lưới cước, thò tay bắt con rắn rồi quơ quơ chào mời khách.

Nhiều người đi đường thật sự ái ngại vì sợ chẳng may không kịp né, sẽ bị rắn quấn vào... cổ. Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc xe máy rồi có cả xe ôtô dừng lại, nhiều người bước tới xem và hỏi mua. Người bán tự giới thiệu mình thứ hai, tên Giang, nhà ở xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, cách đó khoảng 7 cây số.

Nói chỉ bán rắn tự nhiên nhưng khi tôi thắc mắc sao giá chỉ bằng gần nửa giá ở chợ Tam Nông, ông Giang giải thích lòng vòng và nói: “Tôi bán đây lâu rồi. Đâu dám làm ăn sống nhăng vậy”. Tôi chợt nhớ dân buôn rắn, rùa tại chợ Tam Nông như chủ sạp Tám Rắn và Tư Đỉnh, ai cũng cam kết “hàng ngon” rồi tiết lộ: “Mấy thứ đặc biệt đó đâu dám chưng ở đây hoặc nếu có thì để ít thôi, chứ mấy ổng (kiểm lâm) “hốt” lại còn bị phạt”.

Sau khi chứng kiến thực tế nạn săn bắt, kinh doanh ĐVHD bên ngoài VQG Tràm Chim, PV Chuyên đề ANTG đã làm việc và được lãnh đạo VQG Tràm Chim xác nhận người dân vào vườn để săn bắt động vật còn nhưng giảm so với trước. Ông Đặng Tiên Khoa, Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng chuyên trách VQG cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ của VQG đã phát hiện, lập biên bản trên 30 vụ vào rừng đánh bắt thủy sản trái phép, 5 vụ chăn thả trâu vào VQG; phát hiện, thu giữ trên 3.000m bẫy câu trời (lưỡi câu, chim bay vào dính), trên 1.800 câu, lưới bắt cá, gần 100 dụng cụ kích điện, dớn (đặt bắt cá).

Làm việc với chúng tôi, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Giờ trên địa bàn Đồng Tháp không có chuyện bán rùa đâu. Còn rắn thì chỉ bán loài thông thường thôi, chứ các loài cấm (rắn hổ, trừ hổ hành - PV), kể cả rắn nước, cũng không còn. Người dân còn mang rắn hổ tới để kiểm lâm thả về rừng nữa kìa”.

(Còn tiếp)

Binh Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/cuoc-chien-chong-san-bat-buon-ban-dong-vat-hoang-da-bay-ban-va-du-chieu-lach-luat-624890/