Cuộc chiến chống rác thải nhựa toàn cầu

Rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa toàn cầu đối với hệ sinh thái và môi trường vùng ven biển. Báo cáo tổng kết mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, mức rác thải toàn cầu đang tiến đến gần ngưỡng 3,4 tỷ tấn vào năm 2050, tăng mạnh so với con số 2 tỷ tấn vào năm 2016. Trong đó, đồ nhựa - tác nhân có thể gây ô nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái chiếm tới 12% tổng lượng rác thải toàn cầu hiện nay.

Một bãi biển tràn ngập rác thải nhựa tại Indonesia. Ảnh: AP

Theo số liệu của Liên hợp quốc, mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất 4 lần, với khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải nhựa này không được xử lý trong các bãi chôn lấp. Mỗi năm có khoảng 8-13 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và sinh kế của cộng đồng ven biển. Mức rác thải tăng nhiều nhất tập trung tại châu Á và châu Phi cận Sahara, và phần lớn nguồn gốc rác thải là từ thành thị. Ước tính đến năm 2030, thế giới sẽ thải ra khoảng 111 triệu tấn chai nhựa, hộp đựng thức ăn và các loại rác thải nhựa khác. Do rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.

Trước tình trạng đáng báo động này, nhiều quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy các cam kết nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Đi tiên phong trong cuộc chiến chống rác thải nhựa là Italia. Năm 2011, quốc gia này đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nhựa đựng hàng trong các siêu thị, trung tâm mua sắm trên phạm vi toàn quốc. Năm 2016, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua luật cấm người dân sử dụng đồ bằng nhựa để đựng đồ ăn, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2020. Các nhà chức trách nước này cũng yêu cầu tất cả bát đĩa, cốc chén, dao dĩa sử dụng một lần nên được sản xuất từ các nguyên liệu phân hủy được. Tháng 5 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) cũng đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần và kêu gọi thu gom hầu hết các loại chai nhựa vào năm 2025.

Năm 2017, Seattle đã trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ cấm ống hút nhựa. Tiếp đó, các thành phố khác như San Francisco, Santa Barbara, Malibu cũng đã áp dụng lệnh cấm này. Mới nhất, chính quyền bang California đã ban hành dự luật cấm các nhà hàng có người phục vụ cung cấp sẵn ống hút nhựa cho khách hàng. Vào ngày Môi trường thế giới 5-6, Ấn Độ tuyên bố tiến tới cấm tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2022. Lệnh cấm túi nhựa cũng đã được công bố tại Chile, Botswana và Peru, trong khi Nigeria đưa ra kế hoạch xây dựng các nhà máy tái chế trên khắp cả nước.

Ngày 26-9, bên lề cuộc họp của Đại hội đồng tại TP New York (Mỹ), Liên hợp quốc và Ủy ban châu Âu (EC) đã đồng tổ chức sự kiện giới thiệu, chia sẻ các sáng kiến về bảo vệ môi trường, giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa, đồng thời đưa ra các giải pháp hành động chung thông qua một mạng lưới toàn cầu. Việc đưa vấn đề xử lý rác thải nhựa vào chương trình nghị sự của các hội nghị quốc tế là một bước tiến lớn nhằm tăng cường nhận thức toàn cầu và tìm ra những giải pháp hiệu quả.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Quoc-te/914353/cuoc-chien-chong-rac-thai-nhua-toan-cau