Cuộc chiến chống rác thải nhựa ở châu Âu

Nhựa là loại vật liệu quan trọng trong sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, rác thải nhựa đang là mối nguy cơ lớn đối với môi trường.

Thách thức môi trường lớn thứ hai sau biến đổi khí hậu

Năm 1909, nhà hóa học Leo Baekeland đã bắt đầu nung nóng phenol và formaldehyde để tạo ra nhựa. Chất này có thể đổ khuôn thành bất kỳ hình dạng nào và có giá thành rẻ để sản xuất. Sản phẩm này được Leo Baekeland gọi là Bakelite.

Việc phát minh ra nhựa là một bước tiến cơ bản, vĩ đại của con người để cho ra đời hàng loạt những phát minh quan trọng khác. Từ những năm 60, nhựa trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Đa số những vật liệu hiện hữu xung quanh cuộc sống chúng ta, như: Bàn ghế, máy giặt, cửa, chai lọ, bông tăm,… đều được làm bằng nhựa.

Chai nhựa dùng một lần tràn ngập một đoạn kênh ở Amsterdam (Hà Lan). Ảnh: Touteleurope.eu.

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc một lượng rác thải nhựa thải ra môi trường ngày một nhiều. Theo thống kê của Tổ chức môi trường Legambiente của Italy, thế giới sản xuất ra gần 300 triệu tấn nhựa mỗi năm và một nửa trong số này là vật liệu nhựa sử dụng một lần. Hơn 8 triệu tấn chất thải nhựa bị đổ vào các đại dương mỗi năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài động, thực vật biển. Ông Stefano Ciafani, Chủ tịch Tổ chức Legambiente khẳng định, vấn nạn nhựa sử dụng một lần, không thể phân hủy được đang là thách thức môi trường lớn thứ hai trên thế giới, sau biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học dự đoán rằng, nếu tình trạng xả rác thải nhựa ra biển không được cải thiện, đến năm 2050, chai nhựa, túi nylon sẽ phủ kín các đại dương trên khắp thế giới.

Nỗ lực vì thế giới không rác thải nhựa

Trong nỗ lực chấm dứt tình trạng thải ra môi trường các sản phẩm bằng nhựa, vốn đang ngày càng gia tăng trong chuỗi dây chuyền thực phẩm, ngày 28-5 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần, đồng thời kêu gọi thu gom hầu hết các loại chai nhựa vào năm 2025. Theo đề xuất trên, các sản phẩm nhựa dùng một lần, như: Ống hút, đĩa, thìa, đũa... phải được làm bằng các vật liệu cứng bền vững. Ngoài ra, các thành viên EU cũng phải giảm việc sử dụng các đồ chứa thực phẩm, chứa đồ uống được làm từ nhựa, dùng các giải pháp thay thế khi bán hàng hoặc bảođảm rằng người mua phải trả tiền khi sử dụng các vật này.

Trong khi chờ 28 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu phê chuẩn đề xuất trên, nhiều nước châu Âu đã có biện pháp hạn chế thải rác thải nhựa ra môi trường. Đi tiên phong trong cuộc chiến chống rác thải nhựa này là Italy. Năm 2011, quốc gia hình chiếc ủng này đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nhựa đựng hàng trong các siêu thị, trung tâm mua sắm trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến, vào năm 2020 việc sử dụng nhựa vi sinh (các hạt nhựa li ti được sử dụng trong một số loại kem đánh răng) sẽ bị cấm trên toàn nước Italy.

Cũng kể từ ngày 1-5 vừa qua, tất cả các loại cốc, đĩa và đồ dùng ăn uống làm bằng nhựa đều bị cấm sử dụng ở Tremiti, một quần đảo nhỏ nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Italy. Mục đích của quyết định này là hạn chế nồng độ hạt vi nhựa cao ở vùng biển xung quanh quần đảo Tremiti, vốn nằm trong khu vực biển được bảo tồn ở ngoài khơi vùng Puglia. Theo ông Antonio Fentini, Thị trưởng quần đảo Tremiti, bất kỳ ai bị phát hiện sử dụng đồ dùng ăn uống làm bằng nhựa trên quần đảo này đều sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 500 euro.

Trong khi đó, thành phố Neuchatel ở miền Tây Thụy Sĩ đã quyết định cấm sử dụng ống hút bằng nhựa tại các nhà hàng của thành phố, bắt đầu từ năm 2019. Đây là một giải pháp tiết kiệm và dễ dàng giúp bảo vệ môi trường cũng như tạo cơ hội cho mọi người có những hành động nhỏ mỗi ngày để góp phần bảo vệ môi trường.

Bên cạnh việc nâng cao ý thức cho người dân trong việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu phát minh ra các loại vật liệu thay thế nhựa và thân thiện hơn với môi trường.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-chien-chong-rac-thai-nhua-o-chau-au-540395