Cuộc chiến chống lại các băng đảng tội phạm ở Trung Mỹ

Hiện tượng bạo lực tràn lan mà các nước Trung Mỹ như Salvador, Honduras hay Guatemala đang phải gánh chịu là hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, đói nghèo và tình trạng thất nghiệp đã đẩy những thanh niên của các khu phố nghèo vào hoàn cảnh bế tắc đã gia nhập các băng đảng tội phạm.

Giải pháp “đình chiến”

Rivera Hermandez là khu phố bạo lực nhất của San Pedro Sula. Nếu như các khu phố khác thường chỉ do một băng đảng duy nhất kiểm soát thì ở khu Rivera Hermandez, 5 băng đảng đối mặt nhau trên từng mét vuông đất. Ở đây ngoài hai băng đảng hung hãn đang lộng hành ở các nước Trung Mỹ: Mara Salvatruccha (MS-13) và Barrio 18, còn có ba băng đảng khác là Vatos Locos, Tercerenos và Olanchanos.

Ở Rivera Hernandez có một người đàn ông đang cố tìm cách thay đổi số phận của những thế hệ tương lai. Dany Pacheco, xuất thân nghề thợ mộc, từ bốn năm nay là mục sư nhà thờ Tin Lành. Ông đã dựng ra một “Casa Esperanza” (Ngôi nhà Hạnh phúc) chính tại nơi trước kia là một “Casa Loca” (Ngôi nhà Điên loạn), ngôi nhà mà một băng đảng đã trấn lột từ người chủ nhà sau khi ông ta phản kháng lại việc tống tiền. Băng đảng này chỉ bị truy quét sau khi người ta tìm thấy xác một thiếu nữ 13 tuổi bị sát hại và chôn trong vườn.

Linh mục Daniel Pacheco vào năm 2013 đã cải tạo “Casa Loca” (Ngôi Nhà Điên) của một băng đảng thành “Casa Esperanza” (Ngôi Nhà Hy Vọng) để giúp cho thanh thiếu niên thoát khỏi các băng đảng tội phạm.

Mục sư Dany Pacheco được các băng đảng tôn trọng. Các đường phố của Casa Esperanza và nhà thờ Rosa Saron kế bên là những khu vực trung lập đối với 5 băng đảng đang hoàng hành ở Rivera Hernandez. Linh mục thường xuyên có sự tiếp xúc với các thủ lĩnh đang nằm trong tù. Những khi cảnh sát mở chiến dịch truy quét, ông thường đàm phán với các băng đảng để chúng quy thuận ra đầu thú. “Những người lớn thường gieo rắc sự hận thù giữa những đứa trẻ nhỏ, khi chúng thuộc về các khu phố khác nhau. Nếu chúng tôi mất thế hệ này, chúng tôi sẽ là những kẻ thất bại. Đó là một suy nghĩ luôn luôn ám ảnh tôi”. Mục sư Pacheco nhấn mạnh.

“Santiago” là biệt danh của một thành viên băng Barrio 18, người đã từng được các ông trùm chỉ định làm “điều phối viên và là người phát ngôn” của Barrio 18 để đối thoại với các băng đảng khác. Anh ta đã đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của “Tregua” (thỏa thuận đình chiến) tại Salvador từ tháng 3-2012 đến tháng 5-2013. Đại diện bí mật của chính phủ trong cuộc đàm phán này là Raul Mijango, cựu thủ lĩnh các lực lượng đặc biệt của du kích quân Salvador, với sự ủy quyền của Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

“Tình hình khi đó còn tồi tệ hơn thời nội chiến. Cuộc chiến của các băng đảng đã cướp đi sinh mạng của hơn 60.000 người. Sau khi nước Mỹ tiến hành trục xuất các phần tử bất hảo gốc Trung Mỹ, các băng đảng sinh sôi nảy nở mau chóng ở Salvador nhờ vào tình trạng đói nghèo và những vấn nạn xã hội. Là thành viên một băng đảng trở thành biểu tượng của quyền lực và thành công. Trong xã hội thì công luận ngày càng lên án gay gắt các băng đảng, họ muốn khôi phục lại án tử hình. Tôi đã thuyết phục được hơn 30 gã cầm đầu các băng đảng đang ngồi tù rằng chính họ cũng cần đến một cuộc đình chiến” - Satiago nhớ lại.

Một ủy ban gồm 12 đại diện của các băng đảng được thành lập. Một cuộc đàm phán bí mật đã được tổ chức. Chỉ có Raul Mijango và các phụ tá được tiếp xúc với những đại diện băng đảng này. Sau ba ngày, các mệnh lệnh đã nhanh chóng được truyền đến các khu phố, số các vụ xung đột đã giảm hẳn. Một khi có những va chạm xảy ra, 12 thành viên nói trên sẽ nhóm họp để thương thảo.

Vụ đình chiến này kéo dài được 15 tháng. Gần đến kỳ bầu cử mới, tổng thống đã quyết định ngừng thỏa thuận gây tranh cãi này, các nhà chính trị e ngại bị chỉ trích đã bắt tay với những tội phạm và sẽ mất đi các phiếu bầu. Vì thế sau 15 tháng, cảnh sát và quân đội Salvador trở lại ra tay trấn áp mạnh mẽ với các băng đảng tội phạm Salvador.

“Hoàn cảnh sau thời kỳ đình chiến đã khác trước nhiều, các băng đảng đụng độ nhau ít hơn so với thời kỳ trước khi có Tregua, nhưng bù lại, chúng tăng cường việc sát hại cảnh sát và binh lính, đây là một cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh chống lại chính phủ, chống lại nhà nước”. Paolo Luers, nhà báo, cựu du kích quân, một người thân cận với Raul Mijango và là người phát ngôn của chiến dịch Tregua đã đánh giá như vậy.

Thế nhưng mức độ bạo lực ở Salvador lại tăng cao trở lại như trước năm 2012. Số người chết vào năm 2015 đã vượt cả Honduras. Trong 10 năm từ 2006 đến 2016, ở ba nước Trung Mỹ: Salvador, Honduras hay Guatemala đã có 150.000 người bị sát hại, một con số nhiều gấp ba lần Mêhicô và gấp 10 lần nước Mỹ.

Ở San Salvador cũng như ở Tegucigalpa, những người đang đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến chống lại các băng đảng thì phê phán nghiêm khắc chiến dịch Tregua: “Chiến dịch này là một bức màn khói để che mắt mà thôi - Guadalupe de Echeverria, người đứng đầu bộ phận chống băng đảng của viện công tố San Salvador khẳng định - Đúng là chiến dịch này đã làm giảm con số những những xác chết trong các bản báo cáo chính thức, tuy nhiên chúng tôi lại nhận thấy sự tăng cao bất ngờ của các vụ mất tích và số lượng xác chết tìm thấy ở những nghĩa địa bí mật”.

Nỗ lực đẩy lùi cái ác

Cuộc chiến chống lại tội phạm ở Salvador và Honduras hiện nay đã có một mức độ “quân sự hóa” vượt trội so với trước đây. “Đó là nhờ vào sự hỗ trợ của Mỹ và của Colombia, những nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chúng tôi cũng tiến hành trao đổi thông tin thường xuyên với Mêhicô” M.Castro, người phát ngôn của cảnh sát Salvador cho biết.

GRP (nhóm phản ứng nhanh của cảnh sát Salvador) đã huy động 1.000 người tham gia vào chiến dịch truy bắt các phần tử băng đảng Mara Salvatrucha (MS-13).

Để loại trừ khả năng thông đồng giữa cảnh sát và giới chức chính quyền với bọn tội phạm, trọng tâm sẽ là việc sử dụng các đơn vị của lực lượng đặc biệt. Lãnh đạo của ba quốc gia Salvador, Honduras hay Guatemala, thường được gọi là “các nước thuộc tam giác Trung Mỹ”, với sự hỗ trợ của Mỹ, đã thống nhất một kế hoạch hành động tổng lực để chống lại cùng lúc các tổ chức buôn ma túy và băng đảng du đãng đường phố, những đối tượng mà trước đây thường tiếp cận theo cách phương thức riêng rẽ.

“Các tổ chức tội phạm và các băng đảng ma túy là nguồn nuôi dưỡng chủ yếu của những kẻ tội phạm và các quan chức tha hóa - Arabeska Sanchez, thành viên của tổ chức Giám sát bạo lực ở Tegucigalpa tố cáo - bọn buôn lậu ma túy trả tiền cho những băng đảng đường phố để bảo vệ an toàn cho những con đường vận chuyển ma túy và cho những vụ ám sát những ai cả gan ngáng đường chúng”.

Trong những nỗ lực để giải quyết tình trạng bạo lực từ hoạt động của các băng đảng tội phạm, một địa điểm hiếm hoi nơi mà yên bình đã quay trở lại: thành phố San José Guayabal nằm ở phía tây bắc của San Salvador. Một khung cảnh hoàn toàn khác biệt với những thành phố khác của Salvador: những đứa trẻ chơi đùa trong các công viên, học sinh khoác tay nhau đi trên đường phố, không có những bức tường kiên cố cao vút biến các ngôi nhà thành những pháo đài như ở những nơi khác trên đất nước Salvador.

Thị trưởng của San José Guayabal - Mauricio Vilanova - nói về thành phố của mình: “Cái ác đến với đất nước chúng tôi vì sự bàng quan của mọi người. Tôi muốn người dân mình được sống bình yên, vì thế chúng tôi đã và sẽ cùng nhau tranh đấu”. Dưới áp lực của ông, chính quyền trung ương đã cách chức cảnh sát trưởng cũ và thay thế bằng một người có bàn tay sắt. Ông trang bị điện thoại di động cho những người dân mà ông tin tưởng, biến họ trở thành người cung cấp tin cho chính quyền.

Thị trưởng Mauricio Vilanova quan tâm đến mọi mặt của thành phố: trường học, các hoạt động thể thao và văn hóa. Ông leo lên xe jeep và đi tuần khắp thành phố với những người của mình: những binh sĩ đeo mặt nạ và được trang bị đầy đủ vũ khí. Mục đích duy nhất là biến thành phố San José Guayabal thành một ốc đảo hòa bình.

Dương Thắng (theo lemonde.fr: honduras-et-salvador-la-gangrene-des-maras)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/cuoc-chien-chong-lai-cac-bang-dang-toi-pham-o-trung-my-528345/