Cuộc chiến chống lại bóng ma Ebola

Trong khi dịch bệnh Ebola vẫn đang hoành hành tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nhiều cư dân địa phương – những người từng tin Ebola là một tà thuật – đã tham gia giúp đỡ những người bị nhiễm bệnh và góp phần tuy nhỏ bé mà đầy ý nghĩa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus chết người này.

Petite Barriere là một trong hai cửa khẩu biên giới nối liền thành phố đông dân Goma của Congo với nước láng giềng Rwanda. Hơn 65.000 người qua lại nơi này hàng ngày để làm ăn buôn bán. Các điểm kiểm tra sức khỏe được đặt tại các cửa khẩu biên giới chính thức, nơi khách du lịch được theo dõi các triệu chứng của bệnh do virus Ebola và được hướng dẫn cách bảo vệ sức khỏe. (Nguồn: Aljazeera)

Trong khi dịch bệnh Ebola vẫn đang hoành hành tại Congo, nhiều cư dân địa phương – những người từng tin Ebola là một tà thuật – đã tham gia giúp đỡ những người bị nhiễm bệnh và góp phần tuy nhỏ bé mà đầy ý nghĩa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus chết người này.

Hơn một năm qua, Ebola - thuộc một trong nhóm 4 tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nằm trong danh sách chất độc sinh học cần kiểm soát - đã cướp đi sinh mạng của gần 1.900 người Congo ở các tỉnh Ituri và Bắc Kivu. Gần 1/3 số trường hợp mắc bệnh là trẻ em.

Nhiều cư dân trong vùng liên tục di chuyển để kiếm kế sinh nhai. Họ đến các khu chợ để tìm nguồn hàng hóa có thể buôn bán kiếm lời và trong quá trình đó, họ tiếp xúc với những người khác. Mỗi cuộc gặp gỡ này đều có nguy cơ khiến virus Ebola lây lan rộng hơn.

Trong nhiều năm qua, các cuộc xung đột giữa các nhóm vũ trang ở đất nước Congo giàu tài nguyên đã khiến khoảng 4,8 triệu người phải di cư và tìm nơi ẩn náu ở những vùng xa xôi. Do vậy, việc ngăn chặn virus Ebola càng trở nên khó khăn hơn.

Tháng 7 vừa qua, WHO đã công bố dịch bệnh do virus Ebola ở Congo là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu và cần được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cơ quan của Liên hợp quốc cho rằng, các quốc gia không nên đóng cửa biên giới hoặc đặt bất kỳ hạn chế nào đối với việc đi lại hoặc buôn bán vì lo ngại sự lây lan của virus này. Trong khi đó, ngày 1/8 vừa qua, chính quyền Rwanda đã quyết định đóng cửa biên giới với thành phố Goma của Congo, đồng thời yêu cầu tất cả các công dân Congo phải rời khỏi Rwanda. Quyết định trên của Rwanda được đưa ra sau khi cơ quan chức năng Congo phát hiện trường hợp thứ 3 nhiễm Ebola tại Goma.

Dưới đây là câu chuyện về những người dân thường đã truyền cảm hứng cho cộng đồng dân cư địa phương trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola.

Giresse Otima Falao quản lý một trong 84 điểm sàng lọc được hỗ trợ bởi Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi Ebola ở Congo. “Nếu chúng tôi nhận thấy ai đó có nhiệt độ cao đáng ngờ, chúng tôi sẽ ngăn họ lại và báo cho một đội khác đến để kiểm tra và quyết định cần làm gì để giúp đỡ họ”, Falao nói. (Nguồn: Aljazeera)

Kavugho Ngitsi Giresse đăng ký làm việc tại một điểm sàng lọc những người bị nhiễm Ebola từ năm ngoái, sau khi virus này cướp đi cậu con trai yêu dấu của cô. Hiện Giresse đang làm tại Beni, nơi cô giúp những du khách đã tiếp xúc với căn bệnh này được chăm sóc y tế. “Tôi biết mình bị nhiễm Ebola khi đang mang thai. Tôi đã ngất lịm. Tôi vừa mới mất con vì virus quái ác này. Tôi đã không tin rằng, mình có thể sống sót, tôi nghĩ mắc phải Ebola chẳng khác nào phải mang bản án tử hình. Khi tôi lại được ôm các con vào lòng, tôi cảm thấy vui mừng khôn xiết. Tôi muốn nói với những bệnh nhân Ebola là đừng sợ hãi, có thể qua khỏi, đặc biệt là nếu họ được điều trị sớm”, Giresse nói. (Nguồn: Aljazeera)

Bita Bernadette quan sát các triệu chứng bệnh Ebola ở khách du lịch khi họ đi qua điểm nhập cảnh Grande Barriere tại Goma, cửa ngõ chính thứ hai nối liền Congo và Rwanda. Các nhân viên như Bernadette sẽ giúp những du khách có dấu hiệu bị bệnh đến các cơ sở chăm sóc y tế. “Trách nhiệm của mọi người là bảo vệ bản thân khỏi Ebola và bảo vệ cộng đồng mỗi ngày cho đến khi căn bệnh được diệt trừ”, Bernadette nói. (Nguồn: Aljazeera)

Mulasi Musaba, người đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần sau khi bị nhiễm Ebola, đang chăm sóc con gái của một bệnh nhân tại một trung tâm điều trị ở tỉnh Ituri. Kinh nghiệm của những người chiến thắng tử thần mang lại hy vọng cho các bệnh nhân khác. Musaba chia sẻ: “Tôi không nghĩ mình có thể qua khỏi. Nhưng rồi, tôi bắt đầu cảm thấy sức khỏe khá dần lên. Giờ đây, tôi động viên các bệnh nhân khác và nói với họ rằng, bệnh tình của họ có thể được cải thiện. Tôi bước vào thế giới của họ và trò chuyện với họ bằng lòng trắc ẩn”. (Nguồn: Aljazeera)

Trung tâm đã điều trị cho hơn 600 trường hợp nghi ngờ hoặc được xác nhận mắc Ebola kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại khu vực. Trung tâm có các nhân viên y tế như Claude - một người dân địa phương. “Bộ đồ này rất nóng nhưng chúng tôi đã quen với nó. Đó là công việc của chúng tôi”. (Nguồn: Aljazeera)

Các nhân viên đang làm việc tại trung tâm sẽ kiểm tra danh sách những người đã tiếp xúc với bệnh nhân Ebola trước đó. Nếu một người có nguy cơ bị nhiễm virus sau khi đã tiếp xúc với người bệnh, họ sẽ được tư vấn về rủi ro và được khuyến khích đến trung tâm điều trị gần nhất để theo dõi bệnh tình trong 21 ngày. (Nguồn: Aljazeera)

Anyozo Omani điều hành đài phát thanh ở Komanda, nơi truyền phát tin tức tới gần 30.000 cư dân địa phương. “Đài phát thanh là nơi đầu tiên tiếp cận tất cả người dân. Đôi khi, những người sống sót đã gọi cho chúng tôi và thừa nhận họ không tin căn bệnh này là có thật đến khi họ bị nhiễm bệnh và nhận ra họ có thể chết. Khi được rời khỏi phòng bệnh, họ rất cảm kích và mong muốn qua đài nhắc nhở những người khác rằng việc bảo vệ bản thân quan trọng như thế nào. (Nguồn: Aljazeera)

Hơn 5.000 người đến Nhà thờ Saint Emmanuel ở Komanda, nơi mục sư Josue, trong các bài giảng hàng tuần của mình, muốn xua tan lời đồn đại rằng Ebola là một tà thuật. Mục sư Josue cho biết, nếu các giáo dân muốn cầu nguyện cho người bị nhiễm bệnh hoặc chết vì Ebola, ông sẽ khuyên họ nên làm điều đó từ xa. “Tôi không khuyến khích quan niệm rằng, chỉ Chúa mới có thể bảo vệ họ”, ông nói. (Nguồn: Aljazeera)

Kahindo Musavuli là Hiệu trưởng trường Tiểu học Komanda, nơi 3.000 trẻ em bắt đầu buổi học bằng những bài học về rửa tay và các bài thực hành khác để ngăn chặn sự lây lan của Ebola. “Ban đầu, chúng tôi nghĩ Ebola là thứ gì đó ở rất xa và sẽ không bao giờ ảnh hưởng đến chúng tôi. Sau đó, nhiều người trong số chúng tôi bắt đầu bị lây nhiễm và nhận ra nó thực sự nguy hiểm như thế nào. Nhiệm vụ của tôi là giữ cho tất cả học sinh của trường không bị nhiễm Ebola”. (Nguồn: Aljazeera)

Một trạm xe buýt đông đúc ở Goma tiếp đón hành khách từ các tỉnh Ituri và Bắc Kivu, nơi dịch Ebola bùng phát trong năm qua. (Nguồn: Aljazeera)

Daly Neema, nhân viên của một công ty lữ hành có trụ sở tại Goma, đã hướng dẫn cho hơn 100 tài xế xe buýt về cách phát hiện hành khách bị nhiễm Ebola. “Mỗi tài xế có trách nhiệm bảo đảm hành khách được chăm sóc nếu họ bị bệnh”. (Nguồn: Aljazeera)

Tài xế xe buýt Mumbere Sindani Olivier chuyên chở hành khách dọc theo những con đường ngang qua các khu vực bị ảnh hưởng Ebola ở Congo. Ông được đào tạo để phát hiện các dấu hiệu của bệnh Ebola trong số các hành khách, khuyến khích họ rửa tay thật kỹ để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này. “Nhiều khi, tôi cảm thấy sợ nhưng chúng tôi phải làm công việc này, chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Người thân cần chúng tôi và hành khách cũng vậy. Họ phải vận chuyển hàng hóa để kiếm sống”. (Nguồn: Aljazeera)

(theo Aljazeera)

Việt Lan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-chien-chong-lai-bong-ma-ebola-99669.html