Cuộc chiến chống hàng giả là của toàn xã hội

Đó là khẳng định của Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Đàm Thanh Thế trong buổi lễ Kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả 29/11 hàng năm do Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức.

Ông Lê Thế Bảo phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả.

Ông Lê Thế Bảo phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả.

Sáng nay (27/11/2020), Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29/11).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, nguyên Chủ tịch VATAP, ông Lê Thế Bảo cho biết: Năm 2007, theo kiến nghị của VATAP, Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 29/11 hằng năm làm ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái.

Đây là hoạt động thường niên thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại công văn số 6512/VPCP-VI, ngày 12/11/2007, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cũng như đưa ra các chương trình hành động cụ thể trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái.

Qua đó, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội về công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Đàm Thanh Thế khẳng định, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, cả về quy mô tính chất và địa bàn, các mặt hàng hết sức đa dạng từ đồ ăn, thức uống, đến hàng hóa chất lượng cao như đồ điện tử, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả.

Hàng giả, hàng nhái với nhiều chủng loại như mỹ phẩm, dược phẩm, đồ ăn, nước uống, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả. Hàng giả là vấn nạn của xã hội, là kẻ thù của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới uy tín, sức cạnh tranh, đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo để đẩy lùi vấn nạn này. Trong những năm qua, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch để tăng cường, phát hiện, xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

Tuy nhiên, ông Thế cũng cho rằng, cuộc đấu tranh chống sản xuất hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại không còn là trách nhiệm của một ngành mà là của cả hệ thống chính trị xã hội. Do đó, VATAP cần tập trung nghiên cứu tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật, phối hợp với nhà sản xuất, người tiêu dùng để điều tra, xử lý các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/cuoc-chien-chong-hang-gia-la-cua-toan-xa-hoi-558726.html