Cuộc chiến chống đánh bắt cá trái phép phải có sự tham gia của tất cả các bên

Ngày 31.10, đoàn công tác của Ủy ban Nghề cá - Nghị viện châu Âu và Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về tình hình thực hiện giải pháp, nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).

Đoàn công tác của Ủy ban Nghề cá - Nghị viện châu Âu kiểm tra Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: N.T.

Tại buổi làm việc, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, để triển khai chống khai thác IUU và thực hiện các khuyến nghị của EC, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 13 văn bản, Sở NN&PTNT ban hành 16 văn bản tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp cáp bách nhằm tháo gỡ thẻ vàng của EC.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã tổ chức 6 cuộc họp chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt các hoạt động liên quan đến chống khai thác IUU.

“Tỉnh đã tiến hành thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, xóa đăng ký tàu cá, tổ chức kiểm điểm và công bố danh sách tàu cá, chủ tàu và thuyền viên vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Tỉnh cũng kiểm điểm trách nhiệm 7 lãnh đạo UBND xã và 2 huyện để tàu cá xảy ra vi phạm”- ông Hổ nói thêm.

Ông Mato Gabriel - Trưởng đoàn Ủy ban Nghề cá - Nghị viện châu Âu, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: N.T.

Tại buổi làm việc, ông Mato Gabriel - Trưởng đoàn Ủy ban Nghề cá - Nghị viện châu Âu cho hay, tỉnh Bình Định cũng đã ban hành 13 văn bản để hướng dẫn việc thực hiện Luật thủy sản và các hoạt động khác để chống IUU. Tuy nhiên, ông Mato Gabriel thắc mắc về việc thực thi các văn bản hướng dẫn này của tỉnh

“Khi Luật thủy sản mới, việc phối hợp giữa các ban, ngành của tỉnh như thế nào? Liệu ngư dân trong tỉnh có nhận thức rõ được về những quy định trong luật mới và có chấp nhận những điều đó hay không, có sẵn lòng tham gia chống đánh bắt IUU hay không?” - ông Mato nêu vấn đề.

Ông Mato còn đặt câu hỏi “Liệu tỉnh đã bố trí đủ nguồn lực về con người và tài chính để thực hiện các hoạt động trên hay chưa?.

Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (ngoài cùng bên phải) kiểm tra Cảng cá Quy Nhơn cùng đoàn công tác của Ủy ban Nghề cá - Nghị viện châu Âu. Ảnh: N.T.

Trả lời các câu hỏi của Đoàn công tác, ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay, hệ thống văn bản do UBND tỉnh cùng như Sở NN&PTNT ban hành mang tính chất tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai và chỉ đạo cho các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp với nhau để triển khai chống đánh bắt IUU.

Ngoài ra, tỉnh cũng có các văn bản chỉ đạo, chứng nhận, xác nhận sản lượng đánh bắt cá.

“Các ngư dân đem cá về phải khai báo ngư trường đánh bắt, số lượng cụ thể để tổ ghi nhận của Sở NN&PTNT chứng nhận, sau đó mới được bán. Các tàu trước khi xuất bến phải kiểm định chất lượng và cấp giấy phép hành nghề trong thời gian 1 năm, nếu như quá thời hạn tàu không đăng ký lại thì không cho hoạt động” - ông Châu nói.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, trong 2 năm, tỉnh đã chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát kiểm điểm trước Chủ tịch UBND tỉnh vì để người dân khai thác trái phép, còn ngư dân phải cam kết với địa phương không được đánh bắt cá trái phép.

NGUYỄN TRI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/cuoc-chien-chong-danh-bat-ca-trai-phep-phai-co-su-tham-gia-cua-tat-ca-cac-ben-639033.ldo