Cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam nhìn từ vùng dịch New York

Việt Nam - một quốc gia đang phát triển, nơi nhiều người dân vẫn đang phải vật lộn với hậu quả chiến tranh - đã xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 theo cách sáng suốt và hiệu quả.

Bạn của tôi ở thị trấn New Rochelle - một trong những tâm dịch Covid-19 ở Mỹ, chỉ cách New York vài km về phía bắc - vừa hồ hởi thông báo một tin “đáng mừng": Cô bị viêm phổi nặng.

Coi đó là “tin vui" vì trước đó bạn tôi thuộc diện cách ly bắt buộc, đang chờ kết quả xét nghiệm Covid-19. Cô bị “giam lỏng” trong phòng ngủ bốn ngày, trong khi hai đứa con nhỏ 5 và 8 tuổi thi nhau đập cửa, la hét và khóc lóc đòi vào ôm mẹ an ủi.

Chúng ta đang sống vào những thời khắc mà những câu chuyện trớ trêu và kỳ lạ như “tin vui" của bạn tôi đang trở nên không còn cá biệt. Tôi luôn cố gắng hết mình để giữ tinh thần lạc quan và nuôi hy vọng, ngay cả trong những thời điểm kỳ quặc và căng thẳng như thế này.

Tự cách ly tại nhà xem ra cũng mang lại chút lợi ích. Những ngày trong căn hộ giữa lòng New York cho tôi thêm thời gian để viết và cuối cùng đã hoàn thành dự án còn dang dở trong vài năm qua - cuốn sách về hậu quả chiến tranh Việt Nam.

Chúng tôi đã mất đi những tuần quý giá, thời điểm vàng để ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Tôi thường đến Việt Nam 1-2 lần/năm và được tiếp xúc với vô số người cống hiến hết mình để khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Nhiệt huyết và những thành tựu mà họ đạt được đem đến cho tôi nguồn cảm hứng.

Nhưng nhìn lại, việc tự cách ly tại nhà như thế này cũng khiến tôi thất vọng và bị thiệt thòi. Điều đáng buồn nhất là trong tương lai gần, tôi sẽ không thể đến Việt Nam như dự định sau khi quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/3.

Trước đó, tất cả những du khách nước ngoài đến Việt Nam đều được đưa đi xét nghiệm Covid-19 và tiếp tục cách ly bắt buộc cho tới khi có kết quả. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy Việt Nam đang rất nghiêm túc trong xử lý khủng hoảng khi dịch Covid-19 lan rộng.

Một điều thật khác xa so với những gì đã diễn ra ở Mỹ.

Trước khi lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump áp dụng với du khách từ châu Âu có hiệu lực, cuối tuần qua sân bay tại New York và nhiều thành phố lớn khác ken đặc người. Đám đông chen chúc suốt 5-7 tiếng đồng hồ để được nhập cảnh mà không hề phải xét nghiệm.

Chúng tôi đã mất đi những tuần quý giá, thời điểm vàng để ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Virus không có quốc tịch

Cho tới tuần trước, chúng ta vẫn không thể biết được ngày hôm nay thế giới sẽ ra sao. Hôm nay cũng không đoán được tình hình ngày mai.

Theo thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, hiện có 9.415 trường hợp nhiễm virus corona tại Mỹ và 150 ca tử vong. Tại New York nơi tôi sinh sống có 20 ca tử vong, cao thứ 2 so với các khu vực khác của Mỹ. Tất cả trường học, quán bar, nhà hàng và địa điểm giải trí công cộng đã được lệnh đóng cửa.

Dĩ nhiên dịch bệnh không chừa một ai, nhưng gánh nặng Covid-19 trên vai các tầng lớp trong xã hội là khác nhau.

Mỗi ngày, tôi cũng theo dõi con số thống kê tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và lo lắng cho những người bạn của mình ở đó. Cho tới nay, Việt Nam có 85 ca nhiễm và may mắn thay chưa có trường hợp nào tử vong.

So sánh như vậy không phải để nói rằng chúng tôi đang chịu tổn thất nhiều hơn các bạn. Trái lại, tôi muốn thể hiện một quan điểm khác.

Việt Nam - một quốc gia đang phát triển với mức thu nhập trung bình, nơi nhiều người dân vẫn đang phải vật lộn với hậu quả chiến tranh - đã xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 theo cách sáng suốt và hiệu quả hơn quốc gia thịnh vượng nhất thế giới là Mỹ.

Dĩ nhiên dịch bệnh không chừa một ai, nhưng gánh nặng Covid-19 trên vai các tầng lớp trong xã hội là khác nhau. Đây là điều thường thấy khi xảy ra khủng hoảng.

Đối với tầng lớp công nhân viên, nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất là bác sĩ, y tá, điều dưỡng chăm sóc trẻ em và người già, nhân viên thu ngân tại các siêu thị và cửa hàng tạp hóa hiện vẫn hoạt động.

Người nghèo có tỷ lệ mắc bệnh nền cao như tiểu đường, tim, cao huyết áp và hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương. Do vậy, họ là nhóm có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm Covid-19.

Tình hình hiện nay không phải là lỗi của các chuyên gia tận tâm đang làm việc tại các cơ sở y tế công. Lỗi thuộc về hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi, một hệ thống đáng xấu hổ đối với một quốc gia thịnh vượng như Mỹ.

Đầu tuần, trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, một nữ bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19 đang điều trị tại New York cho biết sau khi được bác sĩ khám, xét nghiệm và hai lần được đưa đến viện cấp cứu, cô đã phải trả tổng cộng 15.000 USD. Số tiền này tương đương 348.082.500 VND theo tỷ giá hối đoái tôi vừa tìm hiểu. Chi phí xét nghiệm là 100 USD, chưa bằng 1% số tiền cô phải trả.

Không chỉ vậy, tại tòa án, các chính trị gia dường như còn xoáy thêm vào nỗi hổ thẹn ấy bằng cách cáo buộc đạo luật “Obamacare” là vi hiến. Đây là một đạo luật mà chúng tôi đã rất nỗ lực để có được nhằm cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Tổng thống Trump trấn an chúng tôi rằng dịch bệnh sẽ biến mất vào tháng tới khi thời tiết ấm áp hơn; nhưng trên thực tế, chắc chắn tình hình sẽ tồi tệ hơn gấp nhiều lần.

Những thất bại hiện nay là kết quả của sự tự mãn, thái độ “bình chân như vại” và vô cảm của con người, đặc biệt là từ chính quyền hiện nay. Thậm chí, tồi tệ hơn là thông tin chính phủ cung cấp cho chúng tôi còn sai đi sai lại, chưa kể những động thái gây sốc khác.

Tổng thống Trump tuyên bố với người Mỹ rằng chúng tôi không phải lo lắng, vì virus corona chủng mới cũng chỉ như bệnh cúm thông thường và nước Mỹ đã kiểm soát được dịch bệnh. Ông nói với người dân rằng số ca nhiễm Covid-19 đã giảm trong khi trên thực tế, con số này đang tăng chóng mặt.

Tổng thống Trump trấn an chúng tôi rằng dịch bệnh sẽ biến mất vào tháng tới khi thời tiết ấm áp hơn; nhưng trên thực tế, chắc chắn tình hình sẽ tồi tệ hơn gấp nhiều lần.

Tổng thống Trump còn nói với chúng tôi rằng mọi người đều được xét nghiệm. Trên thực tế, đến tận tháng thứ ba của cuộc khủng hoảng, chỉ một phần rất nhỏ trong số hàng triệu xét nghiệm cần thiết được thực hiện. Trong khi các quốc gia khác trả kết quả cho bệnh nhân trong vòng một ngày, ở đây mọi người phải chờ 4-5 ngày, kể cả tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất.

Tổng thống của chúng tôi tuyên bố các công ty bảo hiểm tư nhân sẽ chi trả cho tất cả phí xét nghiệm và điều trị. Trên thực tế, các công ty này chỉ trả tiền xét nghiệm mà không bao gồm viện phí.

Tổng thống Trump còn khăng khăng bảo vệ quan điểm đây là loại “virus Trung Quốc”, cho dù ông đã bước đầu thừa nhận tính nghiêm trọng của vấn đề. Trong khi đó, mọi chính phủ có trách nhiệm trên thế giới đều nhận thức được rằng Covid-19 là vấn đề toàn cầu.

Virus không có quốc tịch, không hộ chiếu, và để đánh bại dịch bệnh thì cần sự chung tay hợp tác của toàn bộ thế giới. Điều này không có chút liên quan gì đến triết lý “Nước Mỹ trên hết".

Để hy vọng dẫn đường

Một trong những chủ đề tôi đề cập trong cuốn sách vừa hoàn thành là hậu quả của chất độc da cam và tác hại của nó lên ba thế hệ người dân Việt Nam. Tháng 4/2019, tôi may mắn có cơ hội tham dự lễ khởi động dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa, “điểm nóng” nhiễm dioxin nghiêm trọng nhất tại Việt Nam.

Tại đó, thật vinh dự khi được gặp những người đại diện cho những truyền thống tốt đẹp và hào hiệp nhất của chính phủ Mỹ: Đại sứ Daniel Kritenbrink, các quan chức cấp cao của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ và thượng nghị sĩ Patrick Leahy. Ông Leahy đã cống hiến nhiều năm để giúp đỡ các nạn nhân bị dị tật bẩm sinh vì chất độc da cam và đảm bảo công tác tẩy độc dioxin tại Việt Nam được thực hiện chu đáo.

Thật xúc động khi nghe bài phát biểu của các quan chức cấp cao từ chính phủ, quân đội nhân dân và Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Họ ca ngợi sự hợp tác giữa hai nước trong việc chữa lành vết thương chiến tranh, coi đây là trọng tâm của tình hữu nghị Mỹ - Việt.

Điều quan trọng trong những thời khắc như thế này là hãy để hy vọng - chứ không phải nỗi sợ - dẫn đường.

Cuốn sách đề cập đến những nỗ lực hàn gắn thời kỳ hậu chiến của đội ngũ từ hai phía – bao gồm các quan chức chính phủ, nhà khoa học, bác sĩ, cựu chiến binh và những công dân khác. Từ đó, độc giả có thể thấy vết thương chiến tranh được chữa lành như thế nào, và hai quốc gia từng thù địch nhau có thể nối lại mối quan hệ ra sao.

“Chữa lành” là từ khóa trong câu chuyện này. Đây là thuật ngữ y học có nghĩa là chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Quá trình chữa lành luôn được xây dựng trên tinh thần hợp tác và vận dụng kiến thức khoa học để giải quyết các vấn đề chung, chứ không phải sự thờ ơ, đưa tin sai lệch và thái độ chối bỏ.

Khi cuộc khủng hoảng này ngày một trầm trọng và nước Mỹ học được cách chiến đấu với Covid-19, chúng tôi sẽ ghi nhớ bài học rút ra từ chất độc da cam và áp dụng nó vào việc chữa lành cơ thể, cũng như hàn gắn xã hội sau Covid-19.

Dĩ nhiên mỗi chúng ta đều sợ hãi trước dịch bệnh. Thế nhưng, điều quan trọng trong những thời khắc như thế này là hãy để hy vọng - chứ không phải nỗi sợ - dẫn đường.

George Black
Đồ họa: Phượng Nguyễn - Biên dịch: Nguyên Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-chien-chong-covid-19-o-viet-nam-nhin-tu-vung-dich-new-york-post1061473.html