Cuộc chiến bí mật dưới lòng đại dương thời chiến tranh Lạnh

Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, có một cuộc chiến bí mật giữa tàu ngầm hạt nhân Liên Xô, Mỹ và Anh dưới các đại dương. Thậm chí, đã có những sự kiện đụng độ trực tiếp giữa các bên, đẩy thế giới tới bờ vực của chiến tranh hạt nhân. Rất nhiều thông tin về các vụ đụng độ của tàu ngầm hạt nhân dưới biển sâu đã được giải mật thời gian gần đây.

Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Quân đội Nga với vai trò là người kế thừa của Liên Xô thừa nhận trong giai đoạn từ năm 1968 tới 1987 đã xảy ra 7 lần đụng độ giữa tàu ngầm hạt nhân Liên Xô với tàu ngầm đối phương. Trong khi đó, phía Mỹ công bố có 9 vụ trong giai đoạn từ 1965 tới 1975. Tuy nhiên, các bên không tiết lộ thông tin cụ thể về những lần đụng độ dưới đại dương.

Tàu ngầm Mỹ từng cố do thám các hải cảng Liên Xô

Trong những năm 1950, tàu ngầm hạt nhân USS Gudgeon khi cố gắng do thám quân cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông đã bị Hải quân Liên Xô phát hiện và truy tìm. Nó đã bị các tàu săn ngầm Liên Xô truy đuổi suốt 30 giờ và gần như bị đánh chìm.

“Trong những năm 1950, với những thành tựu trong lĩnh vực tàu ngầm hạt nhân, Mỹ đã sử dụng tàu ngầm USS Gudgeon do thám ngoài khơi Vladivostok và bị phát hiện. Không rõ những thiệt hại trên tàu ngầm USS Gudgeon có phải do các chiến hạm Liên Xô gây ra hay không? Tuy nhiên, đây là khởi đầu của cuộc chiến bí mật dưới đại dương giữa hai bên. Thông tin về chúng phần lớn được giữ bí mật để tránh đẩy cao căng thẳng trong chiến tranh Lạnh”, ông Iain Ballantyne, chuyên gia nghiên cứu về hoạt động của tàu ngầm hạt nhân thời chiến tranh Lạnh, cho biết.

Tàu ngầm USS Gudgeon.

Trái ngược với Nga và Mỹ, Hải quân hoàng gia Anh chưa bao giờ thừa nhận bất kỳ vụ việc đụng độ nào với tàu ngầm nước ngoài. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Iain Ballantyne, tình huống đụng độ chắc chắn đã xảy ra, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tới nay chúng vẫn được giữ kín.

“Tôi đã có cơ hội gặp gỡ nhiều thủy thủ tàu ngầm hạt nhân Anh. Nhiều người trong số họ khẳng định, trong chiến tranh Lạnh, ít nhất một lần tàu ngầm hạt nhân Warspite đã va chạm với chiến hạm mang tên lửa Echo II của Hải quân Liên Xô vào cuối những năm 1960. Rất may, vụ va chạm không quá nghiêm trọng, cả hai đều về tới quân cảng an toàn với nhiều vết xước và biến dạng trên thân tàu”, chuyên gia Iain Ballantyne nói.

Tàu ngầm chiến lược Liên Xô và Mỹ cùng mất tích bí ẩn

Một điều kỳ lạ đã xảy ra vào năm 1968, khi tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược của Liên Xô và Mỹ mất tích bí ẩn trong cùng một khoảng thời gian. Sự kiện này đã làm nảy sinh nghi vấn về khả năng tàu ngầm hai bên đã va chạm trên đại dương.

Xác của tàu ngầm USS Scorpion dưới đáy Đại Tây Dương.

Sau đó, những mảnh vỡ được cho là của tàu ngầm USS Scorpion được phát hiện ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, trong khi đó tàu ngầm K-129 của Liên Xô nổ tung gần Hawaii làm hơn 100 sĩ quan, thủy thủ thiệt mạng.

Thực tế, hai tàu ngầm trên không va chạm với nhau, mà bị chìm sau các tai nạn thảm khốc. Trường hợp của USS Scorpion là do nổ ngư lôi trong khoang, còn chiếc K-129 có thể do áp lực nước làm đứt gãy các mối hàn trong kết cấu thân tàu.

Chuyên gia Iain Ballantyne đánh giá, môi trường làm việc trên tàu ngầm hạt nhân rất nguy hiểm. Bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào phát sinh đều có thể kích nổ các loại vũ khí mang theo trên tàu.

“Hậu quả do chúng tạo ra thường rất khủng khiếp!”, chuyên gia Iain Ballantyne đánh giá, khi lấy ví dụ về vụ tai nạn của tàu ngầm Kursk xảy đầu những năm 2000.

Một vấn đề khác là những thông tin liên quan tới hoạt động và đụng độ của tàu ngầm hạt nhân của các nước trên đại dương thường được giữ bí mật. Điều này được giải thích đơn giản là các hoạt động của tàu ngầm hạt nhân vốn là bí mật quân sự, nên mọi thông tin về chúng đều được kiểm soát chặt chẽ.

“Những thông tin về hoạt động của sĩ quan và thủy thủ tàu ngầm hạt nhân đều được giữ bí mật. Họ không được tiết lộ kể cả với người thân. Bất kỳ ai vi phạm trong thời chiến tranh Lạnh đều phải ra tòa án binh”, chuyên gia Iain Ballantyne nhấn mạnh.

Chiến tranh không tiếng súng và sự tan rã của Liên Xô

Hoạt động của các tàu ngầm hạt nhân dưới thời chiến tranh Lạnh giống như một cuộc chiến không tiếng súng. Bất kỳ ai nằm xuống đều bị giữ bí mật, không để lại vết tích.

Thủy thủ tàu ngầm Anh trong một buổi lễ của Hải quân hoàng gia.

“Tôi có thể chắc chắn rất nhiều sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm hạt nhân của các bên từng tham gia chiến tranh Lạnh đều nhận được yêu cầu bảo mật thông tin trọn đời”, chuyên gia Iain Ballantyne nói.

Tới năm 1969, Liên Xô và Mỹ trung bình mỗi ngày chi tới hơn 50 triệu USD cho quá trình chế tạo và duy trì vũ khí hạt nhân, trong đó có cả tàu ngầm chiến lược.

Cuộc chạy đua vũ trang đã khiến Liên Xô và Mỹ dành những nhà nghiên cứu giỏi nhất, kỹ sư, thủy thủ lành nghề nhất với mục tiêu áp đảo đối phương dưới biển sâu. Cuộc chạy đua trên cũng là nguyên nhân chính dẫn tới sự tan rã của Liên Xô, khi có tiềm lực kinh tế yếu hơn Mỹ và phương Tây.

Tương lai của những cuộc chiến không người lái

Vai trò các phương tiện không người lái trong tác chiến quân sự hiện đại đã đặt ra những câu hỏi phức tạp liên quan tới chúng.

“Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và kỷ nguyên con người có thể bị thống trị bởi máy móc giống như trong phim “Kẻ hủy diệt” rõ ràng là vấn đề đáng quan tâm”, chuyên gia Iain Ballantyne đánh giá.

Tàu ngầm tương lai sẽ là thiết bị chuyên chở chiến lược.

Theo ý kiến của chuyên gia Iain Ballantyne, nhiều học giả quân sự quốc tế đã dự đoán về vai trò tương lai của tàu ngầm sẽ không phải là bệ phóng tên lửa chiến lược, mà là “hàng không mẫu hạm” cho các thiết bị bay và lặn không người lái. Chúng hoạt động hoàn toàn tự động và không giới hạn về tầm hoạt động do nhịp sinh học của con người. Toàn bộ quyết định chiến đấu sẽ dựa trên hệ thống cảm biến và hệ thống xử lý thông tin trên tàu.

Nếu trên các tàu ngầm quân sự truyền thống, tính nhân văn còn xuất hiện khi nhiều chỉ huy sẵn sàng cứu những nạn nhân của chiếc tàu họ vừa bắn chìm, thì không có điều tương tự với các hệ thống tự động hóa được thiết kế với mục tiêu tiêu diệt đối phương một cách tối đa.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/cuoc-chien-bi-mat-duoi-long-dai-duong-thoi-chien-tranh-lanh-548440