Cuộc chiến bảo vệ Vị Xuyên: Gian nan hành trình đưa các anh về

Các thành viên Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ Hà Giang kể lại những câu chuyện xúc động trong hành trình gian nan, vất vả để đưa các anh về với đất mẹ.

Kỳ 1: Ngày “Giỗ trận”

Kỳ 2: Quy tập hài cốt liệt sĩ ở Vị Xuyên: 'Lò vôi thế kỷ', 'Cối xay thịt người'

Kỳ 3 (kỳ cuối): Đưa các anh về

Đại úy Trần Thành Dương, nhân viên quy tập của Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tạm dừng bới đất lật đá, chỉ về phía vách đá trước mặt và bảo rằng, đó chính là khu Bốn Hầm mà các cựu chiến binh của cuộc chiến biên giới nhắc rất nhiều.

Từ vị trí chúng tôi đứng, chỉ cuốc bộ khoảng 20 phút men theo vách đá là đến vị trí huyền thoại đó. Khu vực Bốn Hầm và Hang Sập tang thương khủng khiếp vì đều nằm ở trung tâm của “Lò vôi thế kỷ”.

 Đưa các anh về.

Đưa các anh về.

Suốt nhiều năm làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, Đội quy tập nghe quá nhiều thông tin về chốt Bốn Hầm, nhưng sơ đồ không có mà đạn pháo cày xới bao năm, quả núi biến dạng, giờ cây cỏ mọc um tùm nên việc tìm được vị trí không hề đơn giản.

Hễ nghe ở đâu có thông tin, là anh em trong đội quy tập đều tìm đến tận nơi để khai thác. Nhiều cựu chiến binh cũng lên tận nơi cung cấp thông tin, dẫn đường, nhưng một là không nhớ ra, hai là địa hình chưa được dọn sạch vật liệu nổ, không dễ dàng để đi vào.

Giữa năm 2018, sau khi mở rộng diện tích làm sạch vật liệu nổ trên bình độ khoảng 400 quanh chân điểm cao 684, vừa trực tiếp quan sát tìm kiếm, sử dụng thông tin mà các cựu chiến binh cung cấp, thì Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ của Hà Giang đã xác định được chốt Bốn Hầm, đó là một dải gồm 4 hang đá liền nhau. Tất cả 4 hang đá đều sập, biến mất khỏi vách núi.

Suốt mấy tháng trời, cứ 5 giờ sáng, khi mặt trời chưa dậy, anh em trong đội quy tập lại lặng lẽ vào rừng. Quãng đường đi bộ mất 2 tiếng. Làm việc đến 5 giờ chiều mới về. Những tảng đá lớn được vần ra. Đá vụn được xới lên đến tận lớp đất đá cũ để tìm xương cốt. Phải là những người lính công binh cực kỳ kinh nghiệm mới phân biệt nổi đâu là xương, đâu là đá, đâu là gỗ, bởi tất cả xương cốt của các Anh hùng liệt sĩ đều nát vụn hết cả.

Phải mất một tuần, mới gom được hết xương của một liệt sĩ ở bình độ 400, nhưng cũng chỉ được rất ít.

Những người lính trú ở những hang nông này, đã rơi vào tầm pháo cối 160 ly, đạn to như cái phích, nặng 38kg, nổ rung chuyển núi rừng, nên những cái hầm nhỏ bị xới tung, núi đá sập xuống, các anh các chú hy sinh thảm khốc cả. Các liệt sĩ không chỉ bị những tảng đá cả chục tấn đè nát, mà suốt nhiều năm, với nhiều lần tiếp tục bị đạn pháo giáng vào thi thể nên không còn mẩu xương nào nguyên vẹn. Hầu hết xương cốt đều nát vụn thành những mẩu như hạt ngô. Thậm chí, cứng như xương ống chân cũng không còn chiếc nào nguyên vẹn, mà đều gẫy làm 3-4 đoạn, thậm chí vỡ dọc cả xương.

Theo Đại úy Trần Thành Dương, nhân viên Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, không thể xác định được chốt Bốn Hầm có bao nhiêu liệt sĩ hy sinh, chỉ biết rất nhiều. Không chỉ những chiến sĩ bị trúng pháo kích khi ẩn náu trong hang và hang bị sập vào ngày 12/7/1984, mà rất nhiều chiến sĩ của nhiều đơn vị đã hy sinh những ngày sau đó trong quá trình giành giật vị trí này.

Một liệt sĩ được bọc trong lá cờ Tổ quốc, chuẩn bị đưa về.

Các chiến sĩ công binh cứ cần mẫn nhiều tháng lật đá, bới đất, khi phát hiện vị trí nào có dấu hiệu hài cốt, thì khoanh vùng gom xương. Cứ khoanh vùng vài mét vuông, đào bới gom bốc lại thành một bộ hài cốt, và tất nhiên, không loại trừ khả năng hài cốt các anh, các chú bị bốc lẫn lộn với nhau.

Ở chốt Bốn Hầm, không chỉ có rất nhiều xương cốt bị nghiền nát, mà quanh đó cũng phát hiện nhiều bộ hài cốt vô danh. Có bộ xương mắc một nửa trên vách núi, một nửa trôi rải rác xuống chân núi theo dòng nước mỗi khi có mưa lớn. Các công binh phải phát cỏ, lần bới theo dòng nước xuống tận khe sâu để gom xương lại.

Có bộ hài cốt một nửa mắc trên vách đá, một nửa văng xuống thung lũng, do liệt sĩ bị trúng pháo đứt đôi cơ thể. Có bộ xương chỉ thấy một nửa trên vách đá, còn một nửa tìm mãi không thấy đâu.

Video: Rà mìn, bới đất, lật đá đưa liệt sĩ Vị Xuyên về với đất mẹ

Theo Đại úy Trần Thành Dương, không loại trừ trường hợp, có liệt sĩ từng được quy tập một phần về nghĩa trang từ năm 1984 rồi, một phần giờ mới được tìm thấy, nên có thể một liệt sĩ giờ nằm tại ngôi mộ.

Cách chốt Bốn Hầm không xa, chính là Hang Sập, nơi rất nhiều liệt sĩ cũng đã hy sinh thảm khốc tan xương nát thịt. Hang Sập là nơi trú ngụ của rất nhiều lính của nhiều đơn vị, nhưng do trúng pháo của địch, kho đạn pháo trong hang bị kích nổ, nên hy sinh cả. Đội tìm kiếm và quy tập liệt sĩ cũng đã bới đất lật đá quy tập các anh, các chú thành một ngôi mộ tập thể đầy đau thương nước mắt ở nghĩa trang Vị Xuyên.

Tác giả trò chuyện với Đại úy Trần Thành Dương.

Tôi hỏi Đại úy Trần Thành Dương: “Toàn bộ liệt sĩ hy sinh ở khu vực này đều tan xương nát thịt và không xác định được danh tính, vậy các anh đã bao giờ tin vào những chuyện tâm linh hay nhờ cậy đến các nhà ngoại cảm có năng lực đặc biệt?”.

Đại úy Trần Thành Dương bảo: “Chúng tôi chỉ tin vào kinh nghiệm của bản thân, chứ không bao giờ tin vào ngoại cảm tìm mộ. Mặc dù vậy, mỗi khi bắt đầu một ngày làm việc, chúng tôi đều thực hiện các thủ tục tâm linh theo truyền thống. Mỗi khi bước chân vào khu vực này, chúng tôi lại như trở về quá khứ và hình dung ra sự khốc liệt của chiến tranh. Mỗi tấc đất đều thấm máu xương của các anh, các chú, nên đi lại, làm việc luôn luôn trang nghiêm, thành kính”.

Mỗi buổi sáng làm việc, khi vào đến nơi, toàn bộ các chiến sĩ của Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đều chuẩn bị một mâm lễ nhỏ đặt trên tảng đá, rồi các anh khấn vái xin phép Thần linh, Thổ địa, xin phép các Anh hùng liệt sĩ ủng hộ, giúp đỡ anh em thực hiện nhiệm vụ cao cả là tìm thấy mộ phần các anh, các chú.

Mỗi buổi sáng, khi tiến hành tìm kiếm hài cốt, những người lính đều làm mâm lễ, thắp nhang xin Thần linh, Thổ địa, mong tìm thấy các liệt sĩ.

Khi tôi đang trở về quá khứ 36 năm trước với những hình dung về pháo kích cày xới nung vôi cả những quả núi đá, thì thấy các chiến sĩ của đội quy tập tụ về chân vách núi, hí hoáy dưới hốc một tảng đá lớn. Người gạt đất, người bốc đá, người rải tờ báo rồi trải lá cờ Tổ quốc lên trên.

Đại úy Trần Thành Dương một tay cầm chiếc bay nhỏ xới lớp đá vụn, một tay vét đá, làm bật ra những mẩu xương nhỏ. Phía dưới những tảng đá lớn lăn từ vách núi xuống do pháo kích, là một lớp đá vụn đường kính 2-3cm, nhỏ như đá nghiền đổ bê tông dày đến cả gang tay, có chỗ dày đến nửa mét.

Loại đá vụn này là do pháo kích cày xới, bắn vào vách núi khiến đá vỡ ra, rơi xuống thành một lớp dày. Vừa bới đá, Đại úy Dương vừa đưa cho tôi xem những mẩu đá vẫn còn ám màu thuốc nổ, thậm chí đưa lên mũi vẫn ngửi thấy mùi thuốc.

Liệt sĩ chỉ còn nắm xương nhỏ trong lá cờ Tổ quốc.

Những mẩu xương nhỏ xíu màu trắng lẫn với đá vụn rất khó phân biệt, nhưng không thể qua mắt được Đại úy Trần Thành Dương cũng như các chiến sĩ của đội. Anh bảo, xương các anh các chú phơi mưa nắng mấy chục năm, nên hầu như mục cả rồi và nhẹ bẫng, nên chỉ xoa tay vào lớp đá là nhận biết được ngay.

Mặc dù xương thú có nhiều và nát vụn hòa lẫn với xương người, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm làm việc, các anh vẫn phân biệt được chính xác. Thậm chí, cầm những mẩu xương nát vụn trên tay, các anh cũng phân biệt được đó là xương của bộ phận nào trên cơ thể.

Khi phát hiện vị trí có xương người, thì khoanh vùng mở rộng khai quật, không chỉ tìm kiếm cho bằng hết xương cốt, mà còn chú ý quan sát thu gom, kiểm tra kỹ các di vật xung quanh, đặc biệt là vải vóc, quần áo, vật dụng cá nhân, băng đạn… biết đâu đấy có thông tin về các liệt sĩ.

Ngoài ra, những vật dụng ở vị trí có hài cốt cũng để phân biệt di cốt bộ đội của ta hay của lính Trung Quốc. Những điểm cao này giành giật rất khốc liệt, lúc ta chiếm, lúc Trung Quốc chiếm, cả ta và địch đều hi sinh nhiều, nên việc phân biệt đâu là hài cốt bộ đội Việt Nam, đâu là hài cốt lính Trung Quốc rất quan trọng.

Chuẩn bị đưa liệt sĩ về mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

Một liệt sĩ được tìm thấy, chỉ còn nhúm xương nhỏ.

Kiên trì đào bới, mở rộng không gian, vét đất đá lở đến tận tầng đất đá cũ, nhưng Đại úy Trần Thành Dương cũng chỉ gom được một vốc xương vụn. Chỉ có vài mẩu xương sườn, vài mẩu xương ống vỡ nát, vài mẩu xương sọ tơi xốp và vài chiếc răng. Anh gói nhúm xương trong lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, rồi nhẹ nhàng đặt liệt sĩ lên mặt tảng đá nơi nén hương vẫn đang tỏa khói.

Lát sau, từ vách núi, một chiến sĩ của đội quy tập đi xuống, ôm theo một gói xương quấn trong lá cờ. Hóa ra, Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đã xác định được một liệt sĩ hy sinh ở phía trên vách núi từ cả tuần trước và công tác tìm kiếm đến nay mới hoàn tất.

Mặt trời lặn xuống phía bên kia đỉnh Tây Côn Lĩnh “nóc nhà Đông Bắc”, cái nóng như lửa đốt ngày hè dịu hẳn, Thượng úy Hoàng Vũ Dũng khấn vái chỗ tảng đá đặt mâm lễ, xin Thần linh, Thổ địa cho Đội đưa các liệt sĩ về. Hóa vàng xong, thì hai bộ hài cốt được gói trong balo, trên vai chiến sĩ công binh về trụ sở của Đội.

9 liệt sĩ vừa quy tập được từ bình độ 400, đều không xác định được danh tính.

Ngay đầu hồi trụ sở Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ là một căn phòng trang nghiêm, khói hương lảng bảng, tiếng nhạc tụng niệm phát ra đều đều từ chiếc đài nhỏ. Thượng úy Hoàng Vũ Dũng nhẹ nhàng nhấc hài cốt liệt sĩ đặt vào chiếc tiểu sành, hơ hơ nén hương vào trong tiểu, đặt tiểu sành lên chiếc sập gỗ rồi phủ lá cờ Tổ quốc đỏ thắm.

Trên chiếc sập đó, đã có 7 bộ hài cốt quy tập từ nhiều ngày nay, thêm 2 nữa là 9 Anh hùng liệt sĩ không xác định được danh tính đã nằm trong phòng chờ. Mâm lễ được đưa lên, gồm con gà trống luộc, 9 chiếc bát, 9 đôi đũa, 9 chén rượu. Cứ đến bữa ăn, các chiến sĩ của Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đều chuẩn bị một mâm lễ như vậy cho các Anh hùng liệt sĩ.

Ngày 11/7/2020, trước ngày “Giỗ trận”, các Anh hùng liệt sĩ được làm lễ cầu siêu. Ngày “Giỗ trận” 12/7, chính quyền và nhân dân làm lễ truy điệu theo nghi thức cấp tỉnh, an táng các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Từ năm 2013 đến nay, thực hiện Đề án 1237, Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đã quy tập được 140 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong đó, có một mộ tập thể tại Hang Sập thuộc điểm cao 685 địa bàn thôn Giang Nam (xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang). Từ đầu năm 2020 đến nay, Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đã quy tập được 34 bộ hài cốt liệt sĩ, truy điệu và an táng 4 đợt.

Trong số 140 bộ hài cốt tìm được, chỉ có duy nhất một liệt sĩ xác định được danh tính là liệt sĩ Vương Văn Páo, bộ đội chính quy, người huyện Quản Bạ. Anh hy sinh khi đi tuần bị địch phục kích. Đồng đội và nhân dân đã chôn ở sát biên giới, thuộc xã Tả Ván (Quản Bạ), có bia mộ và sơ đồ chính xác. Hàng năm, chính quyền và nhân dân vẫn thắp hương, tưởng niệm. Năm 2018, Đội tìm kiếm và quy tập liệt sĩ đã đưa liệt sĩ Vương Văn Páo về nghĩa trang huyện Quản Bạ an táng.

Phạm Ngọc Dương

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cuoc-chien-bao-ve-vi-xuyen-gian-nan-hanh-trinh-dua-cac-anh-ve-ar558309.html