Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam: Ký ức người lính tình nguyện

Tháng 12.2018, chúng tôi, những người lính cũ, may mắn được tham gia một hành trình đặc biệt - hành trình trở lại đất nước Campuchia sau 40 năm, vào đúng thời gian nổ ra cuộc tổng phản công tiêu diệt tập đoàn phản động Pol Pot – Ieng Xari.

Hành trình về chiến trường xưa

Hành trình của chuyến đi được vạch tuyến theo đúng lộ trình tấn công truy quét địch của Sư đoàn 9 Quân đoàn 4, đơn vị mà chúng tôi phục vụ. Hành trang mang theo cũng rất gọn nhẹ, như hành trang của một người lính với tăng, võng, và trong ba lô không thể thiếu những lá thư nhà.

Chúng tôi mắc võng nghỉ và kết hợp một số cảnh quay trong rừng khộp, cách ga K'dol Th'mey chừng 5 km. Đây là địa bàn tác chiến cũ của sư đoàn, với những trận đánh ác liệt thọc sâu vào núi Aoral, căn cứ kháng chiến của Kh’mer Đỏ. Thời tiết đã vào đầu mùa khô. Nước đã rút xuống, ẩn sâu trong lớp đất cát triền rừng. Cánh rừng xưa còn in vết cháy hàng năm, lem nhem trên từng gốc dầu trà beng, dầu rái, dầu đồng.

Tác giả Xuân Tùng. Ông cũng là tác giả cuốn hồi ức Chuyện lính Tây Nam, xuất bản năm 2017, đã nhanh chóng tái bản 2 lần sau khi ra mắt. (Ảnh: NVCC)

Anh em chúng tôi muốn thử cảm giác đọc lại những lá thư cũ, trong một khu rừng cũ. Cũng như chúng tôi, những lá thư ngày xưa còn lưu giữ, đã được trở lại nơi nó đã vượt nghìn trùng bay đến. Cuộc đời chảy trôi nhanh thật! Những lá thư đã nhòe mực thời gian, mái tóc người lính trận đã như lau trắng trên đầu, chỉ có rừng khộp và những con đường bò heo hút là vẫn còn nguyên như cũ.

Đọc vừa xong lá thư người cha liệt sỹ Minh nhắn gửi, nhờ các anh em đồng đội gắng kiếm tìm để đưa hài cốt Minh về với đất Việt quê nhà, một con bướm vàng rất đẹp lất phất từ đâu bay đến. Nó bay lòng vòng thêm một lát rồi nhẹ nhàng đậu trên tay cháu Tuyết Mai, nhân vật nữ duy nhất trong đoàn làm phim.

Rừng khộp gần ga K'dol Th'mey, vùng tác chiến cũ của ông Xuân Tùng. (Ảnh: NVCC)

Tôi nói đùa với Tuyết Mai rằng hồn anh em tôi đấy! Anh em tôi chết trẻ nên cứ tìm tay con gái mà đậu. Cựu chiến binh chúng tôi tuổi tác trôi đi cùng năm tháng, còn hồn vong các liệt sỹ vẫn mãi tuổi 18, tuổi 20. Tuổi này anh nào chẳng ước mơ được làm quen với các cô gái xinh đẹp.

Vừa nói giỡn thế xong, con bướm như biết xấu hổ, bay sang đậu tay cháu Huân quay phim chứ vẫn không thèm chơi với cánh lính già. Tôi lại vờ nói dỗi, dọa không chơi thì tụi tao tháo võng đi liền giờ! Con bướm lúc này mới bay sang đậu vào tay Lê Thái Thọ, người được cha liệt sỹ Minh gửi gắm.

Thọ xúc động, chảy nước mắt nói với con bướm trên tay như nói với người bạn đồng đội năm nào: Yên tâm! Chúng tao sẽ trở lại cầu Tà Kưng với mày trong chuyến đi này. Mày sống khôn thác thiêng, nằm chỗ nào thì báo cho tao biết nhé! Như muốn nói đồng ý, con bướm vàng xập xòe đôi cánh hai lần rồi bay đi.

Chú bướm vàng trên tay người cựu binh. (Ảnh: NVCC)

Tôi đoán chắc nó thèm muối, như thú rừng mùa sinh sản hồi xưa nên đến hút muối mặn mồ hôi thôi. Nghĩ thế để lý giải cho nhẹ hồn mình, nhưng lòng vẫn cứ phân vân. Thú rừng khu vực này ngày xưa rất nhiều.

Tại đây vào một buổi sáng, đơn vị nhận lệnh luồn sâu vào đường sắt. Đang hành quân, một đàn khỉ vàng đuôi dài ở đâu chạy cắt ngang qua đội hình. Đàn khỉ khá đông, có đến gần trăm con. Chúng lao qua, luồn ngay sát dưới chân khiến đoàn quân chộn rộn bối rối. Anh Ky người Thái trắng cùng tiểu đội tôi, bảo đàn khỉ hoảng loạn thế chắc chắn là do bị báo gấm săn đuổi.

Đu đưa dào dạt võng ru hồi ức dưới tán rừng, nghĩ đến chuyện này làm tôi thấy hơi lo lắng. Cả đoàn mấy mống người không vũ khí giữa khu rừng cũ nhiều hiểm họa khiến lòng chẳng yên tâm. Tụi quay phim trẻ vẫn đùa giỡn vô tư, miệt mài chọn góc dựng cảnh. Thế mới biết ký ức sống dai thật! Ký ức tồn tại được dai dẳng, bởi tôi nghĩ đơn giản rằng nó có những cái neo nhỏ neo lại hồn người.

Khi người ta vô tình nhập tĩnh, chiếc lá dầu khô trên tay bỗng hiện những đường gân mạng, như bản đồ lưu vực dòng sông cuộc đời, xuôi dần đọng về nơi cuống nhớ. Chiếc neo nhớ giữa dòng có khi chỉ là một đốm thuốc đêm sâu rít vội lúc đổi ca gác xin của thằng Hùng lé, một con ong lầm lậm vàng phấn, rúc ra từ bông bí đực trên giàn.

Hóa vàng cuốn sách cho những bạn đồng đội tại nghĩa trang Siem Reap. (Ảnh: NVCC)

Trong ký ức riêng này, không ai biết những bụi cây thấp, lá quăn dài héo hắt mọc cạnh bờ mối kia, vào một ngày én liệng trời cao bỗng tung ra ngàn nụ mai vàng hoang dại. Mai nở bùng đột ngột, cho anh lính xa quê ngửa mặt nhìn trời, nheo mắt nhớ nhà.

Không ai thấy bầy sáo nâu bay đuổi, nhảy trên lưng bò đàn bắt ve bắt rận, nghỉ ngơi đậu trên những cọc rào. Và cũng không ai thấy những chiếc võng đẫm máu, hổn hển thay vai cáng nhanh về trạm phẫu, để lại những giọt máu đông lẫm chẫm thấm trên đường thẳm cát mòn.

Đoàn chúng tôi dừng chân nghỉ ở thành phố Siem Reap. Tụi trẻ dậy sớm, chộn rộn gọi xe tuk tuk, háo hức với những ngôi đền kỳ quan thế giới. Cánh lính già dậy muộn, cà phê cà pháo, bàn chuyện sáng mai qua nghĩa trang sân bay Siem Reap thắp hương cho anh em lính Việt mình.

Thực ra nghĩa trang này thi hài anh em ta đã bốc về nước hết, nhưng cứ qua thăm viếng, biết đâu còn có ai thất lạc sẽ đỡ tủi vì có bạn bè quê cũ đến hương hoa, viếng nhớ đến mình.

Những giấc ngủ mộng mị

Chiều hôm đó, tôi nhận được tin nhắn của cô em út, báo tin cha tôi mệt nặng, sợ khó lòng qua khỏi. Tôi hết sức sốt ruột. Các cảnh quay chủ yếu sâu trong núi rừng đất bạn đã xong. Anh em trong đoàn thông cảm với tôi, bàn nhau thôi không rẽ qua nghĩa trang sân bay Siem Reap nữa mà về thẳng Ph’nom Penh, càng nhanh càng tốt.

Bữa cơm tối có một chai 650 ml rượu “Thằng Gồng”, anh em chúng tôi hơi la đà, giục nhau đi nằm để mai lên đường sớm. Đặt lưng xuống giường, tôi nhắm mắt thiếp ngay vào giấc ngủ chìm.

Tôi thấy đoàn xe GMC đang nổ máy trong đêm, soi đèn pha vào một nghĩa trang mênh mông. Anh em lính mình đang cặm cụi khai mộ, xếp thành những hàng hàng ngay ngắn chờ bốc lên xe. Người nằm xuống đã lâu, nhưng vẫn thấy cả mùi máu khô, mùi tóc cháy, mùi hăng hắc tỏa ra như khi khui hộp liều phóng đạn B.41… Khói hương ngàn ngạt bay qua mờ ảo những cột đèn pha.

Tác giả Xuân Tùng cùng 2 đồng đội trên hành trình trở lại chiến trường Campuchia. (Ảnh: NVCC)

Có tiếng đập vách thùng xe uỳnh uỳnh! Giật mình choàng dậy, thấy giường bên bạn lính Minh Triết cũng đã tỉnh ngủ, ngồi ngó lom lom. Tiếng uỳnh uỳnh không phải từ thùng xe GMC trong mơ, nó phát ra từ tiếng đập cửa phòng cùng cái tay nắm khóa tự động đang xoay lắc dữ dội ngoài kia. Đồng hồ chỉ đúng 12h đêm. Tôi cáu kỉnh đi ra, định sẽ mắng cho tay bồi phòng một trận cái tội làm phiền khách muộn.

Cửa bật mở. Một khuôn mặt không tuổi đen sạm ngó vào, nom đúng mặt thằng trung đoàn trưởng Pol Pot chết trước họng súng Toàn cồ trong trận phục kích ngã ba Amleang mà tôi còn nhớ rất rõ. Hắn bối rối xin lỗi rối rít vì vào nhầm phòng.

Kể từ đó cho đến sáng, cả hai thằng lục sục chập chờn trong những giấc ngủ ngắn nặng nề. Tôi phân vân nghĩ, hay tại do mình đã hứa qua nghĩa trang viếng bạn, nay lại quyết định bỏ qua để về sớm nên anh em xui thằng Pốt già đến nhắc.

Sáng hôm sau, khi nói lại chuyện này, đoàn làm phim nhất trí quay lại. Chúng tôi mua hương hoa, trái cây, mấy lon bia Angkor đến khu vực trước kia là nghĩa trang cạnh sân bay Siem Reap chào từ biệt anh em. Gió mùa khô xơ xác thổi, nắm hương hóa cháy đùng đùng. Tôi khấn anh em sống khôn thác thiêng, phù hộ đoàn công tác mọi sự thành công thuận lợi. Những anh em nào hồn vẫn vất vưởng nơi đây hãy lên theo xe về với đất Việt quê hương.

Lính già bật nắp bia, tưới xung quanh đất chỗ các đồng đội xưa nằm yên ngủ. Tôi cay đắng nghĩ nếu anh em được sống lại mà hưởng bia, hẳn nhà máy bia Angkor phải chạy hết công suất cả tháng. Trước kia có đến hàng ngàn ngôi mộ nằm ở nơi đây. Bên chợ nước bạn không có tiền âm vàng mã để hóa cho đồng đội chút lộ phí đặng mua điếu thuốc rê mà hút, như phong tục quê nhà. Sực nhớ trong ba lô còn một cuốn “Chuyện Lính Tây Nam” của mình mang theo. Tôi lấy ra, xé cuốn sách kể về tuổi xanh cuộc đời của họ, hóa vàng trong nỗi thương xót vô bờ.

Mặn chát những dòng nước mắt trai già chiến trận chảy xuôi chẳng cần giấu diếm, giữa tàn tro bốc lên trong nắng sớm mùa khô.

Tác giả Xuân Tùng (bút danh Trung Sỹ), sinh năm 1960, nguyên Trung sỹ thông tin, phục vụ tại Tiểu đoàn bộ binh 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế từ 1978 – 1983, với con đường hành quân gần như đi khắp đất nước Campuchia, với tổng chiều dài khoảng 5.000 Km.

Xuân Tùng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/cuoc-chien-bao-ve-bien-gioi-tay-nam-ky-uc-nguoi-linh-tinh-nguyen-944012.html